Việc chính quyền Quảng Ngãi đồng ý với đề xuất làm khu resort rộng 70ha cả phần trên bờ và mặt biển ở đảo tiền tiêu Lý Sơn đang gây quan ngại trong dư luận. Vậy chuyên gia và nhà đầu tư nói gì?

Cho làm resort ở Lý Sơn: nhìn từ 2 phía

17/01/2018, 11:28

Việc chính quyền Quảng Ngãi đồng ý với đề xuất làm khu resort rộng 70ha cả phần trên bờ và mặt biển ở đảo tiền tiêu Lý Sơn đang gây quan ngại trong dư luận. Vậy chuyên gia và nhà đầu tư nói gì?

Góc đảo Lý Sơn nơi dự định sẽ triển khai dự án resort

Quảng Ngãi cho làm resort trên thắng cảnh Lý Sơn?

Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) xung quanh vấn đề chính quyền Quảng Ngãi đồng ý với đề xuất làm khu resort rộng 70 ha cả phần trên bờ và mặt biển ở đảo tiền tiêu Lý Sơn.

Theo tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, ông chưa biết mức độ của dự án như thế nào. “Nhưng theo quan điểm của tôi thì những đảo của chúng ta như Cù Lao Chàm hay Lý Sơn thì bản thân những đảo đó là nơi tập trung rất nhiều giá trị về mặt du lịch rồi. Như Lý Sơn là cảnh quan của các địa chất, núi lửa trên bờ, miệng núi lửa ở dưới biển… tạo nên những môi trường cho các hệ sinh thái như san hô, tảo biển rất đẹp, hội đủ điều kiện cho du lịch”.

“Tuy nhiên, môi trường sống cũng như cảnh quan địa chất ở đó cần một không gian hài hòa nên chúng ta bố trí những công trình nào sử dụng phục vụ cho du khách thì phải hết sức tính toán, đừng làm ảnh hưởng đến”.

Ông cho biết hiện ở Lý Sơn đã có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay mọc lên ở mức độ đáng lo lắng. “Tuy nhiên việc đã qua rồi, còn bây giờ cái mới thì tôi nghĩ cần phải tính toán, chứ chen nhiều cái mới quá nó mất đi cái không gian, cảnh quan để du lịch. Lúc đó chúng ta sẽ lỗ vì khách họ không thích nữa”.

“Thứ hai là môi trường sống của sinh vật cũng bị hạn chế. Thứ ba là phải chú ý đến nguồn nước sử dụng vì thêm nhiều khách sạn thì nước sẽ thiếu đi. Cuối cùng là chất thải, thường trên đảo xử lý chất thải rất là khó nên trong quy hoạch phải tính toán rất kỹ, nếu không khi chất thải thải ra mà không đủ điều kiện xử lý thì ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh”.

“Xét về mặt bảo tồn, tôi muốn góp ý với các nhà quy hoạch các vấn đề trên, đó là câu chuyện thường gặp trên các đảo nhất”, chuyên gia về Cù Lao Chàm cảnh báo.

Hiện trạng khu vực biển nơi dự án dự định triển khai.

Cũng theo kinh nghiệm của ông Chu Mạnh Trinh: “Một số nơi người ta khôn ngoan hơn sẽ bố trí chỗ phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi ở trong bờ, còn du lịch là để ở đảo. Tức là bố trí ở những điểm ít nhạy cảm đến vùng du lịch, môi trường. Như vậy thúc đẩy được cả đôi, một bên là phát triển kinh tế, một bên gìn giữ môi trường thiên nhiên, hai cái cộng lại là lời cả đôi, chứ mình đừng có chen vào đó nhiều quá”.

“Tôi cũng ra Lý Sơn nhiều rồi, theo tôi hiện nay không gian cho du khách ở lại Lý Sơn đã đủ rồi. Cái hướng nên phát triển là homestay, gắn liền cho du khách ở trong nhà dân và làm thế nào để các homestay đó phát triển lên và người dân ở đó dần dần họ đầu tư mạnh lên trên chính ngôi nhà của họ. Còn những mảnh đất kia nên giữ lại để có không gian công cộng, hài hòa với văn hóa”.

“Làm như vậy thì rẻ, dễ làm và đồng thời phải làm thế nào cho người dân ở đó tham gia trực tiếp vào du lịch. Như vậy những áp lực khác, trở ngại khác về mặt bảo tồn ít hơn; còn nếu đưa những cái gì lạ quá, mới quá ra ngoài đó, liệu người dân bản địa cảm được cái đó chưa”.

“Nên từ từ, đến khi bà con cộng đồng vững mạnh rồi thì sau này chính họ sẽ tự xây dựng, có thể gấp 10 lần như vậy. Cơ bản là người địa phương phải hòa vào dòng phát triển, đó là sự bền vững, vì cuối cùng là chính họ phải giữ cảnh quan, môi trường và tài nguyên”.

Ông Trinh cũng đánh giá: “Đặc trưng của Lý Sơn là không gian dưới biển rất đẹp nên mình có thể phát triển những tour như thể thao, ngắm san hô, lặn biển… Đó là những cái ở nơi khác không thể nào cạnh tranh với Lý Sơn được. Thứ hai là những cảnh quan được tạo từ núi lửa như chùa Hang, chùa Đục, núi Thới Lới. Thứ ba là câu chuyện liên quan đến lịch sử giữ gìn biển đảo chủ quyền từ bao đời”.

“Tôi nghĩ rằng đó là những cái nên phát triển để du khách thưởng thức. Còn nếu cho khách ra đó chỉ để ngủ và ăn hoặc thỏa mãn những thú vui rất bình thường trong đất liền thì điều có tôi nghĩ không nên. Đó phải là du lịch tìm hiểu, du lịch thắng cảnh, du lịch học tập, khám phá và chiêm ngưỡng những giá trị của đảo ở khơi xa”.

Nhà đầu tư: Không làm được thì nên rào lại

Trả lời Một Thế Giới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) chi nhánh Quảng Ngãi, đại diện nhà đầu tư cho biết: “Tỉnh mới đồng thuận với đề xuất của nhà đầu tư. Sau đó nhà đầu tư mới chính thức khảo sát và trình quy hoạch chi tiết lên”.

Về các ý kiến quan ngại dự án sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường ở Lý Sơn, ông Tuấn cho hay: “Khu dự án nằm vào một số đề án thuộc khu bảo tồn đã được phê duyệt của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên phải tiếp cận theo hướng bảo tồn để phát triển hay là bảo tồn rồi để đấy. Vì có thực tế rằng khi không ai động vào thì cứ nói là bảo tồn. Từ xưa tới nay bà con nói chung vẫn lội ra đấy thu hoạch rong tảo, cá mú dù nhỏ như ngón tay thu hoạch hết thì không ai nói. Bây giờ có một doanh nghiệp vào đi kèm dự án du lịch thì một góc đảo sẽ sáng lên, đẹp lên. Còn hiểu theo nghĩa bảo tồn như một số người bảo là chuyên gia thì phải hiểu bảo tồn nó là như thế nào”.

“Đề xuất của doanh nghiệp đã tìm hiểu rất kỹ, lựa chọn hướng bền vững và thân thiện với thiên nhiên. Trong tất cả các loại hình thì loại hình resort water village ở trên mặt biển mà chủ đầu tư đề xuất về cơ bản không can thiệp vào địa tầng tự nhiên, không san lấp, lấn biển. Còn mỗi nhà nổi như vậy thì đương nhiên phải neo cố định để chống đỡ thì sau này chỉ khoan vài cái cọc để làm điểm tựa”.

“Như vậy về mặt bảo vệ tự nhiên thì phương án đấy tốt lắm rồi. Nhà đầu tư tự tin nói cái đấy là ít can thiệp nhất rồi. Còn bảo nếu như thế mà vẫn không làm được thì chắc là ở đấy tốt nhất là rào lại để nguyên chứ không làm được cái gì cả”, ông Tuấn khẳng định.

Về phía huyện Lý Sơn, ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư Huyện ủy cho hay dự án này chủ đầu tư mới đề xuất với UBND tỉnh. Sau này, chủ đầu tư sẽ có cuộc làm việc tiếp với huyện mới nắm hết được tinh thần.

Một nguồn tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi xác nhận lãnh đạo tỉnh này đã đồng tình cao với dự án.

Công ty cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) được thành lập năm 2008 bởi các tổng công ty lớn của Việt Nam là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nuớc và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh.

Dự án resort, khách sạn và thương mại của VIID đề xuất nằm tại âu tàu phía tây huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 70ha gồm 20ha trong âu tàu và 50ha mặt nước hướng biển.

Đáng nói, dự án nằm trong khu bảo tồn biển Lý Sơn và công viên Địa chất toàn cầu Bình Châu đang trong thời gian hoàn tất hồ sơ để được UNESCO công nhận. Đây là khu vực tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh của đảo Lý Sơn như chùa Hang, cổng Tò Vò - được hình thành từ nham thạch núi lửa, miệng núi lửa Thới Lới...

Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho làm resort ở Lý Sơn: nhìn từ 2 phía