Từ ngày 14.4, thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ đồng loạt giảm xuống mức 20 - 25 %, riêng thuế đối với nhiên liệu bay sẽ chỉ còn 10 %. Thông tin trên vừa được Bộ Tài chính ban hành theo Thông tư số 48/2015/TT-BTC về sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu với xăng, dầu hỏa và dầu diesel sẽ về mức 20% thay vì 30-35% như trước đó. Với dầu mazut, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống 25%.
Đáng chú ý, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay sẽ giảm từ 25 % xuống còn 10 %.
Không những vậy, Thông tư số này cũng điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng sinh học (E5, E10), dầu sinh học (B5,B10) thống nhất với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng xăng, dầu khoáng là 20% nhằm khuyến khích sản xuất và phối trộn nhiên liệu sinh học trong nước.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm giá nhập khẩu xăng dầu lần này nhằm mục đích thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1.5 mà không ảnh hưởng đến giá bán các mặt hàng xăng dầu ( bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng) cũng như bảo đảm việc thực hiện quyền nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 của Chính phủ.
Thông tư số 48 có hiệu lực thi hành từ ngày 14.4 nhằm phù hợp với quy định đảm bảo dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 30 ngày theo quy định tại Nghị định số 83.
Trước đó, ngày 13.4, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không. Đồng thời, cho phép các hãng hàng không thu phụ thu giá vé khoản thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, qua các báo cáo của các hãng hàng không cho thấy giá nhiên liệu bay (Jet A1) đã giảm. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu lại tăng lên 25%. Vì thế, đây là một gánh nặng tài chính đối với hãng hàng không.
Do đó, để giảm bớt khó khăn và hỗ trợ cho hoạt động của các hãng hàng không, đại diện các hãng hàng không đều kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống còn 7%. Ngoài ra, cho phép các hãng đưa thuế môi trường vào cơ cấu giá vé để giảm thiểu rủi ro và khó khăn, tăng sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, về diễn biến giá xăng, dầu trong nước, ngay trong hôm qua (13.4), liên Bộ Công Thương-Tài chính đã quyết định giữ nguyên mức giá trần các mặt hàng xăng dầu trong nước sau khi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu.
Cụ thể, giá mặt hàng xăng Ron 92 sau khi áp dụng quỹ bình ổn sẽ không cao hơn 17.286 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng sinh học E5 hiện cũng không cao hơn 16.956 đồng/lít, dầu diesel không cao hơn 15.883 đồng/lít; dầu hỏa tối đa là 16.073 đồng/lít và dầu madut 3,5S không cao hơn 12.653 đồng/kg.
Phan Diệu