Chính phủ yêu cầu có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn.

Chính phủ yêu cầu tháo gỡ khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp

Hoài Lam | 11/11/2022, 16:03

Chính phủ yêu cầu có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn.

Tại Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022 vừa ban hành, một nội dung đáng chú ý là Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đồng thời, cần rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết).

trai-phieu.jpg
Chính phủ yêu cầu xử lý các khó khăn trong ngắn hạn liên quan trái phiếu doanh nghiệp

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý 4/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.

Nghị quyết cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình; có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định; bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Cùng đó, cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

“Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp”, nghị quyết nêu.

Theo dữ liệu cập nhật về trái phiếu doanh nghiệp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) được tổng hợp từ HNX và SSC, 10 tháng đầu năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị gần 10.600 tỉ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá trên 240.700 tỉ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Riêng trong tháng 10 chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%.

Xét về cơ cấu, nhóm dẫn đầu về giá trị phát hành là ngân hàng với 136.287 tỉ đồng, tương đương 54% tổng giá trị phát hành. Liền kề là nhóm bất động sản với 51.699 tỉ đồng, chiếm khoảng 20,5% tổng giá trị phát hành.

Từ đầu năm đến thời điểm lập báo cáo, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại hơn 147.484 tỉ đồng trái phiếu, tăng 46% so với cùng thời gian năm 2021.

Cũng theo VBMA, trong 2 tháng cuối năm nay sẽ có hơn 61.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, chỉ riêng tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.

Đồng thời, sang năm 2023, áp lực này sẽ tiếp tục lớn thêm. Điển hình, tháng 9 và 12.2023 sẽ là những tháng có lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nhiều nhất với lần lượt là 42.022 tỉ đồng và 54.000 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ yêu cầu tháo gỡ khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp