Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tài sản.

Chính phủ chưa xem xét dự luật Thuế tài sản

Trí Lâm | 17/04/2018, 18:34

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tài sản.

Ngày 13.4.2018, Bộ Tài chính tổ chức họp báo và có công văn gửi các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, đồng thời gửi đăng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tài sản, trong đó dự kiến thu thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và nhà ở...

Việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tài sản là thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án Luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định.

Hiện nay, dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến khác nhau về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tài sản. Để các cơ quan, tổ chức và nhân dân hiểu rõ quy trình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật như trên và đóng góp tích cực vào đề nghị xây dựng dự án Luật, Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính công khai quy trình nói trên, đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói chung, dự án Luật này nói riêng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về sự cần thiết xây dựng dự án luật Thuế tài sản và dự kiến các nội dung chính sách để Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, trong dự án luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Như vậy, nhà có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4% một năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng).Ví dụ căn nhà có giá trị 1,7 tỉ đồng, chủ sở hữu sẽ phải nộp 4 triệu đồng một năm thuế tài sản cho phần một tỉ đồng vượt ngưỡng chịu thuế đó.

Lý do được Bộ này đưa ra là nhằm phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu NSNN, theo Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, giá đất không lấy theo giá thị trường mà theo mức mà UBND các tỉnh công bố hàng năm.

“Với nhà, chúng tôi cũng không thể xác định một căn nhà thực tế xây hết bao nhiêu tiền vì mỗi nhà mỗi khác, bởi vậy, chúng tôi căn cứ theo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân mà Bộ Xây dựng ban hành, khoảng 7,3 triệu đồng/m2", ông Thi nói.

Theo ông Thi: "Với ví dụ về một nhà 100m2 đất nộp thuế bao nhiêu, tôi không có câu trả lời vì có nơi đất chỉ vài nghìn đồng mỗi m2, có nơi cao hơn, 100m2 vùng núi khác với những nơi khác, có nơi vùng sâu vùng xa có khi không phải nộp đồng nào".

Trước ý kiến tỏ ra lo lắng vì cơ sở dữ liệu về nhà, đất của Việt Nam chưa đầy đủ, ông Thi cho rằng, với đất thì thừa kế dữ liệu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã ổn định khoảng 5 năm nay rồi. Còn với đất nông nghiệp thì không chịu thuế. Với nhà, có thể căn cứ vào việc cấp quyền sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu nhà để xác định. Với trường hợp chưa được cấp các loại giấy tờ này thì có thể căn cứ vào thực tế đang sử dụng. Vấn đề là làm sao tính đủ, đây là câu chuyện khó.

Bên cạnh đó,tại Điều 10 dự thảo Luật đã quy định cho phép chậm nộp tiền thuế như sau: Trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế thì được chậm nộp tiền thuế và không tính phạt chậm nộp trong thời gian chậm nộp thuế. Người nộp thuế phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

"Thực tế, một số người chỉ có lương hưu trong khi ở trong căn nhà giá triệu USD. Căn nhà đó có thể kế thừa từ ông cha để lại. Với trường hợp ấy, thu nhập của họ chỉ đủ sống, không đủ tiền nộp thuế ngay được thì có thể nợ. Tất nhiên, những đề xuất này đưa ra để xin ý kiến và tiếp tục hoàn chỉnh, chúng ta còn thời gian dài", ông Thi cho biết.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ chưa xem xét dự luật Thuế tài sản