Bloomberg vừa có bài phân tích những thành tựu của Tổng thống Donald Trump trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lời hứa của ông Trump và thực tế nhìn lại

Anh Tú (theo Bloomberg) | 12/01/2021, 12:17

Bloomberg vừa có bài phân tích những thành tựu của Tổng thống Donald Trump trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nổi tiếng với khẩu hiệu trên Twitter rằng “chiến tranh thương mại là tốt và dễ dàng chiến thắng” khi ông bắt đầu áp đặt thuế quan đối với khoảng 360 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hóa ra ông ấy đã sai cả hai.

Ngay cả trước khi coronavirus lây nhiễm sang hàng triệu người Mỹ và gây ra cuộc suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, Trung Quốc đã phải chịu đựng các biện pháp thuế của Trump. Nhưng khi Trung Quốc kiểm soát được vi rút, nhu cầu đối với thiết bị y tế và đồ gia dụng đã gia tăng thặng dư thương mại với Mỹ bất chấp các khoản thuế.

Trong khi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới không bắt đầu dưới thời Trump, ông đã mở rộng cuộc chiến với các mức thuế và lệnh trừng phạt chưa từng có đối với các công ty công nghệ. Nhưng theo số liệu sau đó, mọi thứ không diễn ra như ông ấy hy vọng. Nhưng Trump đang để lại cho người kế nhiệm Joe Biden một phác họa về những gì hiệu quả và những gì không.

trump2.jpg

"Trung Quốc quá lớn và quá quan trọng đối với nền kinh tế thế giới để nghĩ rằng bạn có thể cắt nó ra như một con búp bê giấy", Mary Lovely, giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse, nói. "Chính quyền Trump đã có một lời cảnh tỉnh."

Thâm hụt Thương mại Mỹ tăng lên

Trump đã tuyên bố trong năm bầu cử 2016 của mình sẽ rất nhanh chóng "bắt đầu đảo ngược" thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc, phớt lờ các nhà kinh tế chính thống vốn xem thường tầm quan trọng của thâm hụt song phương. Tuy nhiên, thâm hụt với Trung Quốc đã tăng lên kể từ đó, đạt 287 tỉ USD trong 11 tháng tính đến tháng 11.2020, theo dữ liệu của Trung Quốc.

Mức thâm hụt đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, do các công ty Mỹ chuyển sang nhập khẩu từ các nước như Việt Nam, nhưng vẫn cao hơn mức chênh lệch 254 tỉ USD vào năm 2016. Một phần là do Bắc Kinh áp thuế trả đũa lên khoảng 110 tỉ USD hàng hóa, giảm nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ và tình hình chỉ bắt đầu phục hồi trong vài tháng cuối năm 2020.

Là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết cách đây một năm, Bắc Kinh đã đưa ra lời hứa đầy tham vọng sẽ nhập khẩu 172 tỉ USD hàng hóa của Mỹ vào năm 2020 theo các danh mục cụ thể, nhưng đến cuối tháng 11, họ mới chỉ thực hiện mua 51% mục tiêu đó. Sự sụt giảm giá dầu trong bối cảnh đại dịch và các vấn đề với máy bay của Boeing đã đóng góp một phần vào thất bại đó.

Sự thâm hụt dai dẳng chứng tỏ mức độ phụ thuộc của các công ty vào năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, điều này lại càng được nhấn mạnh trong đại dịch. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng tăng sản lượng trên quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng như máy tính và thiết bị y tế.

Cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc tăng công suất

Trump nhiều lần nói rằng việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 đã khiến nền kinh tế của nước này cất cánh như một “tàu tên lửa”, một kết quả mà ông cho là không công bằng. Đáng tiếc cho Trump, cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc đồng thời với việc mở rộng xuất khẩu của Trung Quốc. Sau khi thu hẹp trong hai năm liên tiếp vào năm 2015 và 2016, tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mỗi năm sau khi Trump nhậm chức, kể cả vào năm 2019 khi xuất khẩu sang Mỹ giảm.

Một nhóm 10 quốc gia Đông Nam Á đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2019. Sự chuyển dịch sang châu Á có thể sẽ tiếp tục do các nền kinh tế Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển trong thập kỷ tới. Các liên kết thương mại đó sẽ được củng cố hơn nữa nhờ Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP được ký kết vào cuối năm ngoái. Theo đó, 15 nền kinh tế khu vực sẽ dần giảm một số thuế quan đối với hàng hóa của nhau.

Các công ty Mỹ vẫn ở lại Trung Quốc

Trump nói rằng thuế quan sẽ khuyến khích các nhà sản xuất Mỹ chuyển sản xuất về nước và trong một tweet năm 2019, ông "ra lệnh" cho họ "ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Trung Quốc". Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy có bất kỳ sự thay đổi nào như vậy đang diễn ra.

Thậm chí, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc còn tăng nhẹ từ 12,9 tỉ USD năm 2016 lên 13,3 tỉ USD vào năm 2019, theo dữ liệu của Rhodium Group.

Hơn 3/4 trong số hơn 200 nhà sản xuất Mỹ tại Thượng Hải và lân cận được khảo sát vào tháng 9, cho biết họ không có ý định chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các công ty Mỹ thường xuyên trích dẫn sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc kết hợp với khả năng sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc là lý do để mở rộng sản xuất tại đây. Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết: “Cho dù chính quyền Trump có tăng bất kỳ mức thuế nào đi chăng nữa, thì sẽ rất khó để thuyết phục các công ty Mỹ thay đổi ý định đầu tư.

Thiệt hại kinh tế cho cả hai nhưng không đáng kể

Trump tuyên bố rằng thuế quan đã thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, đồng thời khiến nền kinh tế Trung Quốc có “năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm” vào năm 2019. Tuy nhiên, tác động kinh tế trực tiếp là nhỏ so với quy mô nền kinh tế hai nước khi giá trị xuất khẩu giữa Mỹ - Trung Quốc rất nhỏ so với tổng sản phẩm quốc nội.

Theo Yang Zhou, một nhà kinh tế tại Đại học Minnesota, Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức hoặc cao hơn 6% trong cả năm 2018 và 2019, với thuế quan chiếm khoảng 0,3% GDP trong những năm đó. Theo ước tính của bà, cuộc chiến thương mại khiến Mỹ thiệt hại 0,08% GDP so với cùng kỳ.

Người tiêu dùng Mỹ nhận được lợi gì?

Trump nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc phải trả giá cho các mức thuế. Các nhà kinh tế đã thống kê các con số đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc hầu như không hạ giá để giữ cho hàng hóa của họ vẫn còn khả năng cạnh tranh sau khi thuế quan được áp đặt. Điều đó có nghĩa là các nghĩa vụ về thuế chủ yếu do các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải trả.

Theo báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, thuế quan đã dẫn đến thiệt hại thu nhập cho người tiêu dùng Mỹ khoảng 16,8 tỉ USD mỗi năm vào năm 2018.

Một mục tiêu riêng khác: Thuế nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng làm giảm xuất khẩu của Mỹ. Đó là bởi vì chuỗi cung ứng trong môi trường toàn cầu hóa có nghĩa là sản xuất được chia sẻ giữa các quốc gia và Mỹ đã tăng chi phí hàng hóa “made in USA” bằng cách đánh thuế đối với hàng nhập khẩu linh kiện của Trung Quốc.

Theo phân tích dữ liệu của các chuyên gia tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, Cục Điều tra dân số Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang, các công ty chiếm 80% xuất khẩu của Mỹ đã phải trả giá cao hơn cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Chuyện mang việc làm về Mỹ

Trump đã vận động mạnh mẽ hồi năm 2016 với cam kết hồi sinh Vành đai Rust bằng cách đối phó Trung Quốc và mang việc làm về nước Mỹ. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đi ngang trong năm 2019, một phần do xuất khẩu giảm. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Michael Waugh của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, ngay cả những khu vực nhận được sự bảo hộ rõ ràng từ thuế quan của Trump, chẳng hạn như ngành công nghiệp như thép thì cũng chẳng nhận được thay đổi tích cực nào từ chiến tranh thương mại.

“Những thứ đó sẽ tự nhiên trôi ra ngoài. Việc bảo vệ có thể trì hoãn nó một chút mà thôi”, Waugh nói. “Không có bằng chứng nào cho thấy thuế quan mang lại lợi ích cho người lao động”.

Sự gián đoạn của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới vào năm 2020 khiến việc ước tính tác động của thuế quan đối với việc làm và đầu tư trở nên khó khăn.

Trung Quốc đã thay đổi nhưng không hẳn do Trump

Chính quyền Trump tuyên bố rằng thuế quan tạo đòn bẩy tác động với người Trung Quốc, điều này sẽ buộc họ phải thực hiện cải cách để mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ. “Tôi thích việc áp đặt thuế quan một cách hợp lý, bởi vì chúng khiến các đối thủ cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài phải làm bất cứ điều gì bạn muốn họ làm”, Trump từng nêu quan điểm.

trump.jpg

Chiến thắng lớn nhất được chính quyền Mỹ tuyên bố trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại là những lời hứa từ Bắc Kinh sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng có lẽ Trung Quốc hứa làm chỉ vì lợi ích lâu dài của Trung Quốc.

Mark Cohen, một chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học Fordham ở New York, nói rằng trong khi Bắc Kinh đã thực hiện “những thay đổi lớn về luật pháp” để tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hai năm qua, thì động lực của chính họ để tăng cường đổi mới có thể là một yếu tố còn quan trọng hơn Áp lực từ Mỹ. Ông nói thêm, thỏa thuận này không “thúc đẩy các cải cách cơ cấu ở Trung Quốc để làm cho họ tương thích hơn với hầu hết thế giới”.

Các công ty Trung Quốc đã trả kỷ lục 7,9 tỉ USD thanh toán sở hữu trí tuệ cho Mỹ vào năm 2019, tăng từ 6,6 tỉ USD vào năm 2016. Các tòa án Trung Quốc đã tuyên khoản tiền phạt kỷ lục đối với vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các công ty Mỹ. Nhưng tốc độ tăng đó vẫn chậm hơn so với các khoản thanh toán sở hữu trí tuệ cho toàn thế giới, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Điều đó cho thấy việc Trung Quốc thanh toán tiền sở hữu trí tuệ cho Mỹ là một phần của xu hướng chung mà Bắc Kinh theo đuổi.

Trong khi đó, Washington cũng không thể trích xuất bất kỳ cam kết quan trọng nào của Trung Quốc về cải cách các doanh nghiệp nhà nước, vốn cũng được coi là lý do biện minh cho thuế quan.

Chiến tranh Thương mại đến Chiến tranh Công nghệ

Bây giờ, Tổng thống đắc cử Biden quyết định có tiếp tục cuộc chiến thương mại hay không. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông cho biết sẽ không loại bỏ thuế quan ngay lập tức và thay vào đó sẽ xem xét lại thỏa thuận giai đoạn một.

So với thuế quan, xung đột về công nghệ ngày càng leo thang là mối quan tâm của Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu do Washington áp đặt đã đe dọa khả năng tồn tại của các công ty công nghệ hàng đầu như Huawei và nhà sản xuất vi mạch Semiconductor Manufacturing International Corp. Đó là mối đe dọa hiện hữu đối với các kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Hai nhà nghiên cứu tại trường đảng Cộng sản chính thức ở tỉnh Giang Tô viết trong một bài báo: “Nếu Mỹ tiếp tục gia tăng phong tỏa công nghệ, thì quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc theo hướng phục vụ chuỗi công nghiệp cao cấp toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Cho đến nay, tác động từ các hành động của Mỹ là ép Bắc Kinh thúc đẩy khả năng tự cung cấp công nghệ. Chuyện này đã trở thành vấn đề nổi cộm trong chương trình nghị sự của đảng Cộng sản Trung Quốc, được thể hiện bằng một tuyên bố vào tháng trước rằng tăng cường “sức mạnh chiến lược khoa học và công nghệ” là nhiệm vụ kinh tế quan trọng nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lời hứa của ông Trump và thực tế nhìn lại