HLV Toshiya Miura đang đứng trước làn sóng chỉ trích và đề nghị sa thải. Trong làn sóng đấy có cả Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức.

Chiến tranh Miura - Bầu Đức: Phải chăng có uẩn khúc khó nói?

Một Thế Giới | 11/09/2015, 16:44

HLV Toshiya Miura đang đứng trước làn sóng chỉ trích và đề nghị sa thải. Trong làn sóng đấy có cả Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức.

HLV Toshiya Miura đến từ Nhật Bản và được chính LĐBĐ Nhật Bản giới thiệu cho VFF. Điều này càng làm cho ông Miura nặng ký dưới mắt VFF (cũng giống như hồi ông Letar được LĐBĐ Pháp tiến cử cho bóng đá Việt Nam).

Đi đường tắt sang Việt Nam

Tất nhiên với cái mác “người của LĐBĐ Nhật Bản” việc thẩm định một HLV gắt gao như bao đời HLV trước dễ dàng được cho qua hay nói như những quan chức VFF là “không còn gì phải lo”.

Thế là ông Miura lọt qua biết bao hồ sơ. Thậm chí là ông còn không phải qua Hội đồng HLV, ban chuyên môn cùng Thường trực VFF mà “đi thẳng sang Việt Nam”.

Ở đây cũng phải thừa nhận có một vấn đề khiến những quan chức chóp bu ở VFF “kết” ông Miura đó là mối quan hệ “làm ăn” với các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua LĐBĐ Nhật Bản. Đấy cũng là lý do từ ngày có ông Miura thì các khoản quảng cáo, tài trợ từ phía Nhật Bản được đẩy đến với bóng đá Việt Nam dày hơn cùng thương quyền đội tuyển đã được bán cho một công ty Nhật Bản khai thác. Vì thế mà không loại trừ điều mà nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ đó là có những quan hệ làm ăn và ông Miura là một trong những mắt xích của chuỗi đấy.

Có ông Miura, những nhà lành đạo VFF hay nói cứng là giao cho ông thầy người Nhật Bản này toàn quyền. Thực chất thì ông Miura không có toàn quyền như những gì tuyên bố. Rõ nhất là việc ông “lép vế” trước quan hệ làm ăn của Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn với Ban tổ chức sân Quảng Ninh trong việc tổ chức trận giao hữu U.23 Việt Nam – U.23 Myanmar trước SEA Games. Một trận đấu mà ông Miura bị ép phải để Công Phượng ở nhà (không đi theo đội tuyển sang Bangkok đá vòng loại World Cup với Thái Lan) mà phải có mặt trong đội U.23 và ra sân trong đội hình chính để… quảng cáo và để bán vé rồi sau đó là để sân Quảng Ninh “lại quả” lại cho những nhà đạo diễn ở VFF.

Ông Miura bị xem là người thiếu nhất quán nhưng thực tế thì ông bị ảnh hưởng nhiều bởi hai nhân vật có ảnh hưởng nhất với ông là Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn.

Thiếu nhất quán hay bị lèo lái?

Còn nhớ những ngày đầu khi mối quan hệ trong gia đình VFF còn thuận hòa đặc biệt là chỗ Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức thì ông Miura ít nhiều bị chỉ đạo trong việc quan tâm đến lứa cầu thủ nhà bầu Đức. Khi ấy có đợt tuyển quân, “gà” của bầu Đức được ông Miura ưu ái gọi vào đến hơn nửa đội hình.
Tuy nhiên, sau khi nhận ra những sứt mẻ giữa một số quan chức, ông Miura bắt đầu có những thay đổi.
Những thay đổi này, nói ông Miura không thích lối đá ban bật giàu chất kỹ thuật của quân bầu Đức thì cũng đúng mà mói ông bị “lèo lái” bị ảnh hưởng cũng không sai. Những đợt tuyển chọn của ông ngày càng cho thấy xu hướng thích lối đá “lực điền”, thích nhồi thể lực và bất chấp những cầu thủ chịu không nổi bị trả về. Cũng cần biết là lần tập trung sau tết, ông Miura còn bỏ qua khâu kiểm tra y tế rồi cứ thế nhồi cầu thủ nào cũng tập nặng như cầu thủ nào khiến có lúc danh sách chấn thương lên đến chục người.

Nói ông Miura muốn làm gì thì làm như một số nhà chuyên môn nói hoàn toàn không sai. Ở đây phải thừa nhận theo đúng nguyên tắc của các quốc gia thuê HLV cho đội tuyển thì mọi việc của ông được giám sát bởi Hội đồng HLV, bởi một ban chuyên môn nhưng ở đây Hội đồng HLV lại cũng là ông Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn làm chủ tịch và quyết tất tần tật. Nói chung là chức danh đấy đã không thuyết phục thì chớ lại còn không làm phần việc theo đúng trách nhiệm của mình mà khoán cho Miura rồi khi cần thì “bỏ nhỏ” ông Miura phải theo mình giống như vụ không cho Công Phượng đi Thái Lan để ở nhà quảng cáo bán vé cho đầy sân Quảng Ninh.

Vì thế mà đội Olympic lẫn đội tuyển vẫn cứ “phát triển” theo cái hướng của những người “lèo lái” ông Miura nhiều hơn là theo sách của bóng đá Nhật Bản.

Rõ ràng là từ lối đá đến quan điểm chiến thuật và cả kỹ thuật, bóng đá Việt Nam không học được và cũng không theo được tí gì từ cái gọi là tinh hoa của bóng đá Nhật cho dù HLV trưởng là người Nhật.

HUY HOÀNG

Đón đọc số tới: Vì sao Miura không tiêu biểu cho bóng đá Nhật?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh Miura - Bầu Đức: Phải chăng có uẩn khúc khó nói?