Mỹ nên hoàn thiện chiến lược “Xoay trục về châu Á”, để khắc chế tham vọng bá chủ và gieo tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đấy cũng là cách Mỹ duy trì sự ổn định ở khu vực này, theo ý kiến chung của hai chuyên gia người Mỹ Jim Talent và Dennis Shea.
Trong một bài bình luận đăng trên báo The Wall Street Journal ngày 16.3, hai chuyên gia đã nêu:
Những ý đồ trắng trợn
Gần đây Trung Quốc trắng trợn vi phạm luật quốc tế, dàn vũ khí phòng thủ tầm ngắn và súng phòng không trên toàn bộ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.
Ở 3/7 thực thể nhân tạo này, Trung Quốc nay xây các cơ sở hạ tầng nhằm dàn tên lửa đất đối không tầm xa.
Các hành động của Bắc Kinh là một phần chiến thuật o ép, nhằm củng cố tuyên bố sai trái có chủ quyền trên phần lớn Biển Đông và biển Hoa Đông.
Vài tháng gần đây, Trung Quốc chiếm một tàu không người lái của hải quân Mỹ đang hoạt động ở hải phận quốc tế, tăng cường đưa nhiều tàu tuần duyên vào lãnh hải Nhật quanh quần đảo Senkaku (do Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư).
Tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh còn có chuyến đi biển đến Biển Đông và eo biển Đài Loan nhằm khoe khoang sức mạnh hải quân. ‘
Ở những nơi khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh tăng cường sức ép ngoại giao lên Hàn Quốc, do nước này quyết định dàn hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm đề phòng CHDCND Triều Tiên tấn công.
Trung Quốc còn tiến hành tập trận quanh Đài Loan, đạt một thỏa thuận bán vũ khí cho Philippines, một đồng minh lâu năm của Mỹ nhưng đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát tín hiệu ông “nghiêng về Bắc Kinh”, và Trung Quốc cũng đào sâu quan hệ quân sự với Malaysia.
Cách xử lý của ông Obama
Các sự kiện trên tái khẳng định tầm quan trọng của việc Mỹ tiếp tục dấn thân ở châu Á-Thái Bình Dương, mà cụ thể là chiến lược “Xoay trục về châu Á” được quảng bá trong những năm gần đây:
Kết thân quân sự, kinh tế và ngoại giao với khu vực này là điều cần để duy trì ổn định và bảo vệ quyền lợi Mỹ.
“Xoay trục về châu Á” được Tổng thống Barack Obama công bố năm 2011 nhưng dựa trên nhiều đường lối thời Tổng thống George Bush, nhằm bảo vệ “trật tự quốc tế theo luật” ở châu Á-Thái Bình Dương.
Chiến lược này gồm những bước rõ ràng: chuyển sức mạnh quân sự Mỹ đến khu vực này, lập thêm nhiều căn cứ mới và các thỏa thuận tiếp cận, tham gia vào nhiều tổ chức đa phương, xây dựng quan hệ ngoại giao song phương, nhất là với Việt Nam và Myanmar, và theo đuổi quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn.
Đáp lại Mỹ, hầu hết các chính phủ trong khu vực hoan nghênh “Xoay trục về châu Á” và mỗi nước có cách khác nhau để đón nhận những nỗ lực trên. Chiến lược này được các chuyên gia khu vực đánh giá cao.
Trung Quốc phớt lờ phán quyết Biển Đông
Ngược lại, nỗ lực định hình tương lai châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc thường đơn phương và đi ngược các chuẩn mực quốc tế.
Ví dụ Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, tiến hành cải tạo đất suốt 18 tháng, tìm cách gây chia rẽ các nước cũng đòi chủ quyền bằng cách nhấn mạnh rằng mọi tranh chấp đều chỉ có thể giải quyết giữa Trung Quốc với từng quốc gia.
Bắc Kinh cũng phớt lờ phán quyết hồi tháng 7.2016 của Tòa án trọng tài LHQ vốn bác bỏ tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền Biển Đông.
Trung Quốc cũng đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, đi ngược các chuẩn mực đã có.
Bắc Kinh “la toáng” rằng chiến lược “Xoay trục về châu Á” khiến châu Á-Thái Bình Dương mất ổn định. Nhưng các hành vi o ép của Bắc Kinh đã cho thấy từ lâu, các lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rõ rằng họ không ưa sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực này.
Nếu không có “Xoay trục về châu Á”, Bắc Kinh có thể hành động càng hung hăng hơn.
Chiến lược của Mỹ chủ yếu dựa nhắm vào quan điểm “bán cầu ảnh hưởng” của Trung Quốc: một cường quốc thể hiện ý chí của mính và gạt bỏ những giải pháp công bằng, nhất là do Trung Quốc có nhiều tham vọng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Việc Trung Quốc lập tầm ảnh hưởng ở khu vực này sẽ làm hại đến quyền thương mại và đi lại của Mỹ ở khu vực, làm hại quyền lợi kinh tế Mỹ, dọa nạt các đồng minh của Mỹ và tạo thêm những thách thức không thể phớt lờ cũng như nhằm kéo Mỹ vào một cuộc xung đột vũ trang.
Các biện pháp hoàn thiện chiến lược
Ngày nay, “Xoay trục về châu Á” đối mặt nhiều thử thách khó. Về mặt quân sự, các đồng minh Mỹ lo ngại tác động của việc Mỹ từng cắt giảm ngân sách quốc phòng, và lo ngại tương lai của những thỏa thuận chia sẻ chi phí.
Về mặt ngoại giao, việc xem ra Tổng thống Duterte của Philippines “nghiêng hết về Bắc Kinh” sẽ khiến Mỹ cần có cách hóa giải khéo léo.
Về mặt kinh tế, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang xôn xao về chuyện chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Câu trả lời thích đáng cho các thách thức này là Mỹ tăng cường sự hiện diện chứ không giảm. Cần ưu tiên các thỏa thuận kinh tế mới vốn đào sâu quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực,đồng thời phục vụ quyền lợi của tất cả các bên.
Loại bỏ mức trần chi quốc phòng hiện nay, mở rộng tầm cỡ hải quân Mỹ-như mong muốn của Tổng thống Donald Trump-sẽ phát đi một thông điệp quan trọng về sự kiên quyết của Mỹ, đồng thời tăng cường khả năng quân sự của Mỹ.
Mỹ phải tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Philippines, và nâng cấp quan hệ với các đối tác quan trọng như Đài Loan.
Trong khi đó,Mỹ phải tiếp tục xây dựng các quan hệ song phương này thành một mạng lưới đa phương mạnh mẽ hơn.
Với một quốc hội mới và một chính phủ mới, “Xoay trục về châu Á” có thể đổi tên, nhưng các mục tiêu của chiến lược này vẫn quan trọng cho an ninh và tương lai kinh tế Mỹ.
Ông Jim Talent là cựu nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa của bang Missouri. Ông cùng ông Dennis Shea thuộc Ủy ban Duyệt xét tình hình an ninh-kinh tế Mỹ-Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission).
Kim Hương (lược dịch)