Một chiến đấu cơ Su-27 của không quân Nga đã cất cánh bay chặn chiếc máy bay tuần thám P-18 của Mỹ ở Biển Đen hôm 29.1, khiến Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối là “một cuộc tương tác không an toàn”.
Hãng tin nhà nước RIA dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, nói chiếc máy bay tuần thám EP-3 Aries II của hải quân Mỹ không vi phạm không phận Nga, và sau khi máy bay Mỹ đổi hành trình để rời xa vùng biên giới Nga, chiếc Su-27 đã quay trở lại căn cứ.
Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố: chiếc Su-27 “thực hiện một cuộc tương tác không an toàn với chiếc EP-3 ở không phận quốc tế, áp sát chỉ cách khoảng 1,5 mét và bay cắt mặt trước đường bay của chiếc EP-3”.
Tuyên bố nêu đấy là ví dụ mới nhất của hoạt động quân sự Nga, xem thường các quyđịnh và thỏa thuận của quốc tế, và đề nghị Nga “ngưng các hoạt động không an toàn”.
Các quan chức quân sự Mỹ nói với hãng tin CNN: vụ bay chặn buộc chiếc EP-3 phải sớm kết thúc chuyến bay tuần.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc nói vụ bay chặn của chiếc Su-27 kéo dài 2 giờ 40 phút, xác nhận quân đội Nga có quyền hoạt động trong không phận quốc tế, nhưng “họ phải tuân thủ các quychuẩn quốc tế để bảo đảm an toàn và đề phòng sự cố... Các hoạt động không an toàn làm tăng nguy cơ tính toán sai và đâm va giữa trời. Máy bay Mỹ hoạt động đúng theo luật quốc tế và không khiêu khích máy bay Nga”.
Vụ bay chặn gần nhất trên Biển Đen hồi tháng 11.2017, với một chiếc Su-30 và một chiếc máy bay tuần thám P-8A, theo cựu Phó chỉ huy không quân Nga Nikolay Antoshkin. Lúc đó, ông nói: “Mỹ chớ nên có sự hiện diện nào tại khu vực. Người Mỹ không có việc gì để làm trong Biển Đen”.
Cuối năm 2017, máy bay quân sự Mỹ-Nga cũng liên quan một sự cố ở Syria: chiến đấu cơ F-22 của Mỹ bay chặn các chiếc Su-25 của Nga, sau khi họ bay trên vùng không xung đột dọc sông Euphrates. Các chiếc F-22 cũng phóng pháo hiệu cảnh cáo máy bay Nga, và một chiếc máy bay Mỹ phải thực hiện một đường bay liều lĩnh, để tránh một vụ đâm va giữa trời vào máy bay Nga.
Quân đội Mỹ đang tìm cách tăng cường và hiện đại hóa sự hiện diện ở châu Âu, để phản ứng những hoạt động của Nga trong những năm gần đây, gồm sáp nhập Crimea năm 2014.
Bích Ngọc (theo Reuters, Newsweek)