Người đời thường nói "Đằng sau một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Bên cạnh sự nghiệp hiển hách của GS-TS Trần Văn Khê có một người phụ nữ đã lẳng lặng nhận lấy mọi "gánh nặng cơm áo".

Chiếc bóng bên đời người nhạc sĩ tài hoa Trần Văn Khê

Một Thế Giới | 18/06/2015, 10:00

Người đời thường nói "Đằng sau một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Bên cạnh sự nghiệp hiển hách của GS-TS Trần Văn Khê có một người phụ nữ đã lẳng lặng nhận lấy mọi "gánh nặng cơm áo".

Sau khi đậu bằng thành chung (thời Pháp thuộc, phải có bằng này mới được theo học ban Tú tài) năm 1938, Trần Văn Khê được học bổng vào học trường nam Petrus Ký ở Sài Gòn (Trường Lê Hồng Phong ngày nay). Tuy là trường nam nhưng 4 năm sau, trường này nhận thêm bốn nữ sinh từ Trường Áo Tím (tiền thân của Trường Gia Long, Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ). Đó là các cô Diệp Thị Năm, Hồ Thị Tường Vân, Nguyễn Thị Sương và Lê Thị Hàn. Trần Văn Khê chơi rất thân với 3 cô Hàn, Tường Vân và Sương.

Chiec bong ben doi nguoi nhac si tai hoa Tran Van Khe-hinh-anh-1
Vợ chồng GS.TS Trần Văn Khê và 2 người con Trần Quang Hải và Trần Quang Minh (ảnh do gia đình cung cấp) 

Lấy vợ để có người nối dõi

Trần Văn Khê mồ côi cha mẹ từ lúc 10 tuổi nên Khê và 2 em (Trần Văn Trạch và Ngọc Sương) được người cô ruột là bà Ba Viện nuôi nấng, lo cho ăn học. Đó là cái ơn trời biển. Cho nên năm 22 tuổi (năm 1943, đang học Trường Thuốc ở Hà Nội) Trần Văn Khê đã không dám cãi lời cô Ba Viện khi bà gọi về quê “ra lệnh” cưới vợ để dòng họ Trần có người nối dõi. Bà Ba đã “nhắm” cho cháu mình một cô gái trong làng nhưng Khê xin cô cho phép mình được lấy vợ “tự chọn” vì cô gái kia lớn hơn anh 2 tuổi. Được bà cô đồng ý, Trần Văn Khê bèn tìm đến 3 cô bạn học cũ, lần lượt ướm lời với từng cô: “Nếu một người cần cưới vợ để có con nối dõi, nhưng cưới xong người vợ phải ở lại nhà làm dâu, còn người chồng thì đi học xa, 5 - 6 năm sau mới trở về, liệu có người con gái nào chịu lấy anh ta không?”. Cả 2 cô Tường Vân và Hàn đều từ chối, riêng cô Sương vì trong nhà có chuyện buồn nên trả lời: “Nếu ở nhà người chồng tương lai mà vui hơn ở nhà mình thì có thể chấp nhận. Hơn nữa đã thương nhau thật tình thì việc chờ đợi 5 - 6 năm cũng không ảnh hưởng gì lắm!”. Được lời như cởi tấm lòng, Trần Văn Khê về thưa với cô Ba Viện nhờ người sang hỏi cưới cô Sương.

Cô Nguyễn Thị Sương sinh ngày 19.9.1921 (cùng tuổi với chồng) là một cô gái thùy mị, đằm thắm. Thời học ở Petrus Ký, Sương học giỏi nhất trong 4 cô gái, cô có bài viết được đọc trên Đài phát thanh Pháp A. Cô là con gái đầu lòng của ông Nguyễn Văn Hanh - giáo viên tại Sài Gòn và sau đó làm đốc học tại Thủ Đức. Năm 1943, cô Sương vừa đậu tú tài. Dạo đó, con gái học cao rất hiếm nên khi nghe vợ tương lai của Khê là một “cô tú”, những người trong gia đình Khê có vẻ e dè, nhưng khi đi “coi mắt”, Sương ra chào đàng trai, mặt để tự nhiên không trang điểm, đi chân không bước ra nhẹ nhàng, rót nước mời mọi người rồi rón rén ngồi quạt cho cô Ba Viện khiến cô hết sức hài lòng. Tháng 7.1943, đám cưới của Khê - Sương được tổ chức tại đình Tân An (Đa Kao). Cưới xong, “cô tú” rời Sài Gòn về quê chồng tận Vĩnh Kim (Mỹ Tho) làm dâu, còn Trần Văn Khê lại ra Hà Nội học tiếp...

Nụ hôn sau… 55 năm ly dị

Khi Trần Văn Khê sang Pháp du học (1949), vợ chồng họ đã có 3 người con (Trần Quang Hải, Trần Quang Minh, Trần Thị Thủy Tiên) và một đứa còn trong bụng mẹ (Trần Thị Thủy Ngọc). Bà Sương ở lại VN, bà được nhận vào dạy Anh văn và Pháp văn tại Trường trung học Vĩnh Long (Collège de Vinh Long), vừa dạy học vừa nuôi dạy con cái. Sau Hiệp định Genève (1954) bà cũng dạy tiếng Anh và tiếng Pháp tại Trường nữ trung học Gia Long (cho tới năm 1976 thì về hưu). Năm 1955, bà được tuyển làm thông dịch viên cho phái đoàn VNCH sang Philippines và Hàn Quốc để thiết lập ngoại giao với hai xứ này thông qua chương trình giới thiệu nhạc VN do ông Nguyễn Phụng, cựu giám đốc nhạc viện đầu tiên của Trường quốc gia Âm nhạc Sài Gòn và bà nhạc sĩ dương cầm Louise Nguyễn Văn Tỵ dàn dựng. Năm 1959, bà Sương sang tu nghiệp khóa thực tập Anh văn ở Mỹ. Về nước, bà chuyên dạy Anh văn ở Trường Gia Long và ở Hội Việt Mỹ.

Năm 1960, bà và ông Trần Văn Khê ly dị. Lúc đó, ông Khê vừa đậu tiến sĩ âm nhạc ở Trường đại học Sorbonne (Pháp). Ông viết trong hồi ký: "Quả thật tôi đã không làm tròn phận sự người chủ gia đình, để gánh nặng cơm áo trút lên vai vợ tôi... thời gian xa nhau quá lâu, vợ tôi có một số lý do riêng để xin ly dị...”... Một năm sau, Trần Quang Hải (trưởng nam) sang Pháp, tới năm 1969 đến lượt Thủy Ngọc (con gái út) sang Pháp ở với cha. Còn Trần Quang Minh và Thủy Tiên ở lại VN, sống với mẹ.

Mặc dù ly dị nhưng ông Khê và bà Sương vẫn thường liên lạc với nhau như hai người bạn. Khi ông chính thức về sống tại VN (năm 2006), mỗi tháng hai người vẫn thường gặp nhau hoặc tại nhà của bà ở số 8 Trúc Đường (Q.2, TP.HCM) hoặc ở nhà của ông Khê (32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Lần gặp nhau sau cùng giữa hai người là dịp GS-TS Trần Quang Hải về VN, ghé thăm gia đình (tháng 5.2014). Họ đã trao cho nhau một nụ hôn sau 55 năm ly dị.

Bà Sương từ giã cõi trần tại tư gia ngày 20.7.2014, thọ 94 tuổi.

Hà Đình Nguyên/ Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiếc bóng bên đời người nhạc sĩ tài hoa Trần Văn Khê