Nếu một ngày bạn thấy một phụ nữ đi vào "cửa hàng người lớn" thì cũng đừng ngay lập tức kết tội "chị kia thật lăng loàn, dâm dục". Mỗi năm có khoảng 15.000 phụ nữ mắc ung thư vú và hơn 30% trong số đó là phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi. Có những người đi vào cái cửa hàng đó là những người dũng cảm hành động để bảo vệ cuộc sống hạnh phúc gia đình mình.
Bạn làm gì khi chờ đợi?
Có lần tôi bị xúc động mạnh khi đọc một bài viết của dịch giả Nguyễn Bích Lan về sự chờ đợi thuốc chữa của những người mắc bệnh hiểm nghèo, bởi câu hỏi "bạn làm gì khi chờ đợi?”. Sống đơn giản là một hành trình đi về cái chết, như một văn hào nào đó đã từng đúc kết.
Có người hỏi tôi có sợ chết không? Tôi sợ chứ. Sự thật là tôi nghĩ đến cái chết hàng ngày. Tôi phải chứng kiến nhiều cái chết của rất nhiều người, cả thân lẫn sơ.
Lẽ ra ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, con người mới hay phải trải nghiệm điều đó.
Rồi những nỗi sợ tầm thường hơn, tủn mủn hơn, do tưởng tượng nhiều hơn, cũng góp phần làm cho sự sợ hãi chỉ biết phình to ra mà không có cách nào co kéo cho xẹp bớt lại. Ví dụ như sợ những cơn đau, sợ đi tắm sờ phải cục ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, sợ phải nghe tin xấu, sợ một ngày phải ra đi mà chưa chuẩn bị gì cả, sợ bỏ dở những ước nguyện đẹp đẽ và sợ rằng mọi hy vọng sẽ bị dập tắt…
Nhưng cuộc sống của những người bị ung thư ở giai đoạn đã di căn xa vào xương, vào gan như tôi thì chắc chắn không chỉ là những gam màu tối thui, không chỉ là nước mắt, không chỉ là những cơn đau không có điểm dừng, không chỉ là những vụn vặt hàng ngày hay lo lắng chất chồng về tiền bạc, công việc, chồng con, gia đình… Đâu đó vẫn có những mặt tích cực.
Tôi có một người bạn, cô ấy mất mẹ vì ung thư phổi. Gần 3 năm chăm mẹ, cô ấy bảo cô ấy chuyển hóa thành một người khác. Cô ấy bảo căn bệnh ung thư của mẹ đã khiến cô ấy biết sống yêu thương và biết ơn nhiều hơn.
|
Nguyễn Khánh Thương |
Quay trở lại câu chuyện với chồng tôi, ít nhất, có lúc tôi quên mình đang sống cuộc sống của một phụ nữ ngoài 50, để có những giây phút sống với tuổi thực của mình hoặc quên rằng mình là một bệnh nhân ung thư - dù - chỉ - trong - chốc - lát.
Nếu một ngày bạn thấy một phụ nữ đi vào "cửa hàng người lớn" thì cũng đừng ngay lập tức kết tội "chị kia thật lăng loàn, dâm dục". Mỗi năm có khoảng 15.000 phụ nữ mắc ung thư vú, và hơn 30% trong số đó là phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi. Có những người đi vào cái cửa hàng đó là những người dũng cảm hành động để bảo vệ cuộc sống hạnh phúc gia đình mình.
Tôi có chị bạn, thân gái lấy chồng xa, một nách hai con nhỏ, mắc ung thư vú, từ lúc chẩn đoán, phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị… đa phần phải xoay sở một mình. Chị bảo, lúc nào cũng gồng mình lên cố gắng, có lúc ngồi thụp xuống khóc tu tu. Khóc một hồi lau nước mắt, lại tiếp tục hi vọng, tiếp tục sống cuộc sống của mình. Rồi phác đồ điều trị kéo dài gần 1 năm cũng kết thúc. Chị bảo chị sẽ đi du lịch một chuyến trước khi quay về với công việc.
Tôi biết yêu những vết sẹo trên cơ thể mình - như lời một người đồng cảnh nói với tôi rằng: hãy nhìn vào vết sẹo để cảm ơn vì nó mà tôi còn sống. Nói đến đây tôi lại nhớ đến cô gái Turia Pitt, một người mẫu chuẩn bị làm đám cưới thì gặp tai nạn khiến cơ thể và khuôn mặt bị cháy xém, tổn thương toàn bộ. Cô ấy tự hào chia sẻ rằng: “Con người của bạn có nhiều giá trị hơn hình hài, chắc chắn là như vậy”.
Tôi không nói về sự lạc quan để dỗ dành sự yếu đuối trong mình, vuốt đuôi những ai đang cần một chút dựa dẫm về tinh thần, bởi sự lạc quan là có thật, từ những con người có thật.
Và dù bệnh tật có làm cho hình hài, thân thể bạn ra sao đi chăng nữa, bạn vẫn còn nhiều việc phải làm và vẫn phải sống, thay vì ngồi một chỗ khóc thương chính mình.
Và quan trọng hơn, nếu bạn không ngồi khóc thương chính mình trong khi chờ đợi, thì mỗi ngày của mình sẽ là một ngày SỐNG trọn vẹn cho mình và cho những người thân yêu.
Tháng 10.2014
Nguyễn Khánh Thương