Kết quả chỉ số PAPI gốc cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày 14.4 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị công bố Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020.
Phát biểu khai mạc, đại diện thường trú tổ chức UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen khẳng định những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong 2 nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư; quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố.
PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công.
Đại sứ Úc tại Việt Nam, bà Robyn Mudie ghi nhận: “Tôi vui mừng nhận thấy có sự cải thiện trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Sự cải thiện này có thể đã góp phần giúp Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch COVID-19. Báo cáo PAPI 2020 cho thấy có mối tương quan tích cực giữa quản trị tốt và hiệu quả trong ứng phó với đại dịch. Nói cách khác, quản trị tốt rất quan trọng. Trong thời gian tới, với quản trị công tốt, Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp bất ngờ khác”.
Báo cáo cho hay bức tranh toàn cảnh từ kết quả chỉ số PAPI gốc cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo đó, có tới 60 tỉnh thành ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1 - 3,1% trong thời gian kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu theo dõi hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố năm 2011.
Ở chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, 8 tỉnh thành đạt tiến bộ đáng kể (trên 5% điểm) trong năm 2020, trong đó Thái Nguyên có chuyển biến nhiều nhất, hơn nửa số tỉnh/thành đạt kết quả thấp hơn năm 2019.
Chất lượng bầu cử người đại diện cấp thôn, tổ dân phố đóng góp phần lớn cho điểm tổng Chỉ số nội dung 1 của các địa phương. Hòa Bình đạt điểm cao nhất, còn Sóc Trăng thấp nhất.
Ở chỉ tiêu “Tham gia của người dân vào việc ra quyết định xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương”, Quảng Ninh, An Giang, Cà Mau năm 2020 có nhiều tiến bộ so với hồi năm 2016.
Nội dung “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở cấp địa phương” cho thấy 12 địa phương cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong nỗ lực công khai, minh bạch ở 4 nội dung thành phần (Tiếp cận thông tin; Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; Công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; Công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất).
Bình Định và Thái Nguyên có mức cải thiện nhiều nhất qua 2 năm; nhưng 11 tỉnh/thành giảm sút đáng kể, nhất là Sóc Trăng và Bình Dương. Đáng chú ý, điểm nội dung thành phần “Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo” đóng góp nhiều nhất vào điểm chỉ số nội dung này, trong đó Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu và Quảng Ninh đều đạt trên 2 điểm, trong khi Lâm Đồng và Khánh Hòa chỉ đạt dưới 1,4 điểm (thang đo 0,25 - 2,5 điểm). Điểm nội dung thành phần “Tiếp cận thông tin” của các tỉnh thành đều thấp.
Về nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân”, kết quả cho hay 12 tỉnh thành đạt tiến bộ đáng kể so với năm 2019, trong đó Vĩnh Long và Tiền Giang có tỷ lệ tăng điểm lớn nhất. 12 địa phương giảm sút điểm đáng kể, Quảng Ngãi giảm nhiều nhất.
Cùng với đó, ở nội dung thành phần “Mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương”, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Bình Dương dẫn đầu. Ở nội dung thành phần “Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân”, các tỉnh thành Sóc Trăng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Dương thấp nhất.
Đối với việc “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, có 4 nội dung thành phần (kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công, quyết tâm chống tham nhũng), có tới 18 tỉnh thành tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019.
Bến Tre tiếp tục trong nhóm 16 tỉnh thành đạt điểm cao nhất; chỉ 6 tỉnh sụt giảm điểm đáng kể, trong đó Ninh Thuận và Ninh Bình giảm nhiều nhất. 9 trong 10 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu “đánh giá hiệu quả kiểm soát một số loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức” nằm ở miền Trung và miền Nam, trong đó Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị, Quảng Nam là 5 tỉnh dẫn đầu.
Đặc biệt, so với kết quả năm 2016, năm 2020 cho thấy “mối quan hệ thân quen” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, “mối quan hệ thân quen” với người có chức quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào làm 1 trong 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã, kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu này .
Về "thủ tục hành chính công” (gồm các lĩnh vực dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNSDĐ); dịch vụ hành chính công cấp xã), kết quả cho thấy Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Thái Nguyên đạt một số tiến bộ so với năm trước.
So với năm 2016, phần lớn địa phương (trừ Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Ninh) đạt được một số tiến bộ trong cung ứng dịch vụ liên quan GCNQSDĐ cho người dân, trong đó chỉ tiêu có nhiều cải thiện là công khai phí và lệ phí làm thủ tục. Song, năng lực thực hiện thủ tục hành chính công cho người dân ở cấp xã vẫn là điểm yếu của 20 tỉnh thành, trong đó Khánh Hòa, Lai Châu, Điện Biên, Bình Định, Gia Lai, Cần Thơ thấp điểm nhất.
Ở chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” (gồm y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập, cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh trật tự tại địa bàn khu dân cư), chỉ 4 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai đạt bước tiến đáng kể so với năm 2019. Có 21 địa phương giảm sút nhiều, đặc biệt là Cà Mau, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bến Tre.
Phần lớn tỉnh thành được đánh giá khá hơn ở nội dung thành phần “y tế công lập”, song hiện trạng thiếu giường bệnh vẫn phổ biến ở cả 63 tỉnh thành. Cùng đó, với chỉ tiêu “Chất lượng trường tiểu học công lập” có hơn 30 tỉnh thành đạt điểm cao hơn ở các tiêu chí “lớp học là nhà kiên cố”, “nhà vệ sinh sạch sẽ”, “có nước sạch để uống ở trường”, “không phải học ca 3”, trong đó Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Điện Biên đạt điểm cao nhất. Tuy nhiên, hiện trạng giáo viên ưu ái học sinh tham gia các lớp học thêm và sĩ số trên 35 học sinh/lớp vẫn là 2 vấn đề phổ biến trên toàn quốc.
Đối với chỉ số nội dung “Quản trị môi trường”, có 11 tỉnh thành cải thiện đáng kể so với năm trước. Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Hà Nam tăng ít nhất (10% điểm); duy nhất Đồng Tháp đạt mức 5,2 trên thang đo từ 1 đến 10 điểm. Đáng chú ý, 5 địa phương Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng cùng các tỉnh phát triển công nghiệp (Bình Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng) rơi vào nhóm 16 tỉnh bị điểm thấp nhất.
Trong đó, ở nội dung thành phần “Chất lượng không khí”, Quảng Ninh, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn và Thanh Hóa đạt điểm cao nhất; Hưng Yên, Hà Nam, TP.HCM, Lâm Đồng, Hà Nội và Phú Thọ thấp nhất.
Cuối cùng, ở chỉ số nội dung 8 “Quản trị điện tử” (đo lường các khía cạnh mang tính tương tác của chính quyền điện tử), tất cả tỉnh thành đều đạt điểm thấp.
Song, điểm nội dung thành phần “Tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương” của hầu hết tỉnh thành năm 2020 tăng lên so với năm trước. Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Vĩnh Long có mức gia tăng điểm nhiều nhất ở nội dung thành phần “Sử dụng cổng TTĐT của chính quyền địa phương”.
Đáng chú ý, theo kết quả công bố, không có tỉnh thành nào có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở toàn bộ 8 chỉ số nội dung PAPI năm 2020 (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở cấp địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử).
Phần lớn tỉnh thành trong nhóm đạt điểm cao nhất phần lớn tập trung ở khu vực miền Bắc và miền Trung; trong khi các tỉnh đạt điểm thấp hơn tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Trong đó, theo bảng tổng hợp kết quả PAPI 2020 của 63 tỉnh thành được công bố, Quảng Ninh là địa phương có điểm xếp hạng PAPI cao nhất, đạt 48,811 điểm; Lâm Đồng có điểm số thấp nhất, chỉ 38,623 điểm (trên thang điểm 80).