Ở Trung Quốc, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) bị cấm lãnh đạo lực lượng vũ trang, các nhà khoa học đã tạo ra một chỉ huy AI.
Nhịp đập khoa học

Chỉ huy AI đầu tiên trên thế giới được giữ trong phòng thí nghiệm của quân đội Trung Quốc

17/06/2024 11:40

Ở Trung Quốc, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) bị cấm lãnh đạo lực lượng vũ trang, các nhà khoa học đã tạo ra một chỉ huy AI.

“Chỉ huy ảo” này bị giới hạn nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm tại Trường Cao đẳng Tác chiến Liên hợp thuộc Đại học Quốc phòng ở thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Nó mô phỏng người chỉ huy về mọi mặt, từ kinh nghiệm, lối suy nghĩ đến tính cách và thậm chí cả những khuyết điểm của họ.

Trong các trò chơi chiến tranh trên máy tính quy mô lớn có sự tham gia của tất cả binh chủng thuộc Quân đội Trung Quốc, chỉ huy AI đã được trao quyền lãnh đạo tối cao chưa từng có, học hỏi và phát triển nhanh chóng từ các cuộc chiến tranh ảo không ngừng phát triển.

Dự án nghiên cứu đột phá này đã được tiết lộ công khai trong một bài báo được bình duyệt đăng trên tạp chí Common Control & Simulator bằng tiếng Trung. Nhóm nghiên cứu do kỹ sư cao cấp Jia Chenxing dẫn đầu cho biết công nghệ AI có cả tiềm năng lẫn rủi ro trong các ứng dụng quân sự, tuy nhiên dự án này đã đưa ra một giải pháp khả thi cho câu hỏi hóc búa ngày càng tăng.

Được bình duyệt là một thuật ngữ để chỉ việc bài báo hoặc nghiên cứu được đánh giá và chấp nhận công bố bởi cộng đồng chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng.

Ở Trung Quốc, chỉ Quân ủy Trung ương mới có quyền huy động quân đội. Khi công nghệ AI đạt được khả năng đưa ra quyết định độc lập, các đơn vị được triển khai ở phía trước gồm máy bay không người lái, robot chó được cấp nhiều quyền tự do di chuyển và khả năng khai hỏa hơn. Thế nhưng, quyền chỉ huy ở trụ sở vẫn nằm trong tay con người.

Quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị nhiều kế hoạch tác chiến để đề phòng có xung đột quân sự xảy ra ở một số khu vực khác nhau. Nhiệm vụ thiết yếu với nhóm nhà khoa học là thử nghiệm các kế hoạch này trong những mô phỏng, để “cân nhắc cái tốt, cái xấu và hiểu rõ hơn về sự hỗn loạn của trận chiến”, Jia Chenxing và các đồng nghiệp của ông viết.

chi-huy-ai-dau-tien-tren-the-gioi-duoc-giu-trong-phong-thi-nghiem-cua-quan-doi-trung-quoc.jpg
Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra một chỉ huy quân sự AI dẫn dắt các mô phỏng chiến tranh ảo - Ảnh: Shutterstock

Mô phỏng quân sự cấp chiến dịch thường yêu cầu sự tham gia của người chỉ huy để đưa ra quyết định kịp thời nhằm ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Thế nhưng, số lượng chỉ huy cấp cao thuộc Quân đội Trung Quốc và sự sẵn có của họ rất hạn chế, khiến họ không thể tham gia vào một số lượng lớn các cuộc mô phỏng chiến tranh, theo trang SCMP.

Các nhà khoa học cho biết: “Hệ thống mô phỏng tác chiến liên hợp hiện tại có kết quả thử nghiệm mô phỏng kém do thiếu các thực thể chỉ huy ở cấp chiến đấu phối hợp”.

Chỉ huy AI có thể thay thế người chỉ huy khi họ không thể tham gia vào một trận chiến ảo quy mô lớn hoặc thực thi quyền ra lệnh. Trong phạm vi phòng thí nghiệm, chỉ huy AI có thể tự do thực hiện quyền lực này mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ con người.

Jia Chenxing và các đồng nghiệp của ông viết: “Cấp chỉ huy cấp cao nhất là thực thể ra quyết định cốt lõi duy nhất cho toàn bộ hoạt động, với trách nhiệm và quyền hạn ra quyết định cuối cùng”. Đây là vai trò cấp cao nhất được báo cáo công khai về AI trong nghiên cứu quân sự.

Chẳng hạn, AI của Quân đội Mỹ chỉ đóng vai trò là “nhân viên ảo cho chỉ huy”, hỗ trợ đưa ra quyết định. Theo nhóm của Jia Chenxing, các phi công AI của Không quân Mỹ chỉ tham gia huấn luyện ở tuyến đầu và không can thiệp vào các hoạt động tại phòng chỉ huy chiến tranh.

Các chỉ huy cấp cao khác nhau của Quân đội Trung Quốc có phong cách chiến đấu khác nhau. Ví dụ, tướng Bành Đức Hoài đã gây thiệt hại cho quân đội Mỹ thông qua các cuộc tấn công và xâm nhập nhanh chóng bất ngờ trong chiến tranh Triều Tiên. Giống như Tướng George Patton (Mỹ), ông Bành Đức Hoài ưa chuộng chiến thắng thông qua rủi ro.

Trong khi Tướng Lâm Bưu, nổi tiếng với những chiến thắng chống lại quân đội Nhật Bản và Quốc dân đảng, tránh xa rủi ro và có phong cách ra quyết định tỉ mỉ tương tự như Thống chế Bernard Law Montgomery của Anh.

Nhóm của Jia Chenxing cho biết vai trò ban đầu của chỉ huy AI phản ánh một chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm và xuất sắc, “có năng lực tinh thần tốt, tính cách đĩnh đạc và kiên định, có khả năng phân tích và đánh giá các tình huống bình tĩnh, không đưa ra các quyết định theo cảm xúc hoặc bốc đồng và nhanh chóng đưa ra các kế hoạch thực tế bằng cách nhớ lại các tình huống ra quyết định tương tự từ ký ức”. Tuy nhiên, việc thiết lập này không cố định.

Họ nói thêm: “Tính cách của chỉ huy ảo có thể được điều chỉnh nếu thấy cần thiết”.

Theo nhóm của Jia Chenxing, dưới áp lực to lớn, con người phải "vật lộn để xây dựng một khuôn khổ ra quyết định hoàn toàn hợp lý trong các mốc thời gian hạn chế”.

Thay vì sử dụng phân tích thuần túy, chỉ huy AI dựa nhiều hơn vào kiến ​​thức thực nghiệm để đưa ra quyết định chiến đấu, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng, truy xuất các tình huống tương tự từ bộ nhớ và nhanh chóng xây dựng một kế hoạch khả thi.

Tuy nhiên, con người cũng hay quên. Để mô phỏng điểm yếu quan trọng này, các nhà khoa học cũng đã áp đặt giới hạn kích thước với cơ sở kiến ​​thức ra quyết định của chỉ huy AI. Khi bộ nhớ đạt đến giới hạn, một số đơn vị kiến ​​thức sẽ bị loại bỏ.

Chỉ huy AI cho phép Quân đội Trung Quốc thực hiện một số lượng lớn các mô phỏng chiến tranh “mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người”. Nó xác định các mối đe dọa mới, đưa ra quyết định tối ưu dựa trên tình hình tổng thể khi các trận chiến chững lại hoặc kết quả không đạt yêu cầu. Chỉ huy AI cũng học hỏi và thích nghi từ những chiến thắng hay thất bại.

Nhóm của Jia Chenxing cho biết tất cả điều này xảy ra mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ con người, “có những ưu điểm bao gồm dễ triển khai, hiệu quả cao và hỗ trợ thử nghiệm lặp đi lặp lại”.

Các quốc gia trên toàn thế giới đang tham gia vào cuộc đua về ứng dụng quân sự AI, trong đó Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu.

Trong khi Trung Quốc và Mỹ cố gắng không bị thua kém trong lĩnh vực quan trọng này, cả hai nước chia sẻ lo ngại về mối đe dọa từ sự phát triển không được kiểm soát của AI gây ra cho an ninh con người.

Các quan chức cấp cao từ Trung Quốc, Mỹ và Nga đang đàm phán để xây dựng một bộ quy định nhằm giảm thiểu rủi ro của việc quân sự hóa AI, bao gồm cấm AI kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Cựu CEO Google: Các hệ thống AI mạnh nhất Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ được bảo vệ trong căn cứ quân sự

Cuối tháng 5, Eric Schmidt (cựu Giám đốc điều hành Google) dự đoán rằng hệ thống AI cực kỳ mạnh mẽ sẽ được các chính phủ bảo vệ nghiêm ngặt trong tương lai.

“Cuối cùng, ở cả Mỹ và Trung Quốc, tôi cho rằng sẽ có một số lượng nhỏ máy tính cực kỳ mạnh mẽ với khả năng phát minh tự động sẽ vượt quá những gì chúng ta muốn cung cấp cho công dân mình mà không được phép, hoặc không thể để cho đối thủ cạnh tranh tiếp cận. Chúng sẽ được đặt trong căn cứ quân sự, được cung cấp sức mạnh từ một số nguồn năng lượng hạt nhân và bao quanh bởi hàng rào thép gai cùng súng máy”, Eric Schmidt chia sẻ với tạp chí Noema trong một cuộc phỏng vấn.

Eric Schmidt là Giám đốc điều hành Google từ năm 2001 đến 2011 trước khi trao lại vị trí lãnh đạo cho người đồng sáng lập công ty là Larry Page. Sau đó, Eric Schmidt giữ chức Chủ tịch và cố vấn kỹ thuật của Google trước khi rời công ty vào đầu năm 2020.

Kể từ đó, tỉ phú 69 tuổi người Mỹ đặc biệt quan tâm đến AI và nghiên cứu tác động của nó với xã hội.

Ngoài việc đầu tư vào các công ty mới nổi về AI như Anthropic do Amazon hậu thuẫn, Eric Schmidt còn là đồng tác giả cuốn sách The Age of AI (Thời đại của AI) với nhà ngoại giao quá cố Henry Kissinger và Daniel Huttenlocher (trưởng nhóm khoa khoa học máy tính của Viện Công nghệ Massachusetts). Cuốn sách này trình bày chi tiết một số rủi ro và cơ hội mà AI sẽ mang lại.

Dự đoán "các hệ thống AI mạnh nhất Mỹ, Trung Quốc có thể được bảo vệ trong căn cứ quân sự" của Eric Schmidt dường như xa vời ở thời điểm hiện tại nhưng có thể thành hiện thực khi xét đến mức độ cạnh tranh của các quốc gia để giành vị trí dẫn đầu trong cuộc đua AI.

Chẳng hạn, Mỹ đã kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, cụ thể là cấm Nvidia bán các chip AI tiên tiến cho cường quốc châu Á.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào chip do Mỹ sản xuất. Các quan chức Trung Quốc đã đề nghị những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và ByteDance (công ty mẹ TikTok) ưu tiên mua chip AI được sản xuất trong nước, theo trang The Information.

Jay Pelosky, người sáng lập hãng tư vấn đầu tư TPW Advisory, nhận xét: “Thế giới đang nhanh chóng tiến tới cái mà chúng ta gọi là "sự chia cắt công nghệ". Trong đó về bản chất, mỗi quốc gia, Mỹ và Trung Quốc đang xây tường hoặc rào chắn một cách hiệu quả để ngăn cách công nghệ của mình với nhau”.

Eric Schmidt hiện là người giàu thứ 48 trên thế giới với tài sản ròng 33,4 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỉ phú của Bloomberg). Sau khi rời Google, Eric Schmidt đã trở thành Chủ tịch Ủy ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2016 và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về AI trong ba năm.

Eric Schmidt đã đặt sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm thông qua sáng kiến ​​mang tên Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt. Theo ông, hiện Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực AI.

"Chúng ta có thể đang dẫn trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm, điều đó gần như là cả một thế giới trong lĩnh vực của tôi. Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình trạng khá tốt", Eric Schmidt nhận định.

Ở châu Âu, cựu CEO Google coi các quy định, gồm cả khung pháp lý mới của Liên minh châu Âu (EU) về quản lý AI, là trở ngại cho sự đổi mới. Ông nói thêm rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn vì thiếu chất bán dẫn, nhưng sẵn sàng giành chiến thắng nếu có được phần cứng cần thiết

Bài liên quan
Công nghệ đột phá dùng radar quân sự của nước khác để định vị, theo dõi tàu trên biển
“Mượn dao giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù” là câu thành ngữ Trung Quốc nói về việc dùng vũ khí của người khác để chống lại kẻ thù. Giờ đây, các nhà khoa học từ hải quân Trung Quốc cho biết đã áp dụng trí tuệ cổ xưa này vào các cuộc chiến tranh dựa trên công nghệ cao hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ huy AI đầu tiên trên thế giới được giữ trong phòng thí nghiệm của quân đội Trung Quốc