Các hộ kinh doanh tại khu vực Zone 9 vẫn hoạt động bình thường vì văn bản của UBND TP Hà Nội chỉ đạo công ty quản lý mặt bằng chứ không chỉ đạo trực tiếp họ. Hơn nữa họ cũng không ký hợp đồng với công ty này.

Chỉ đạo của Hà Nội chưa thể đóng cửa được Zone 9

06/12/2013, 18:15

Các hộ kinh doanh tại khu vực Zone 9 vẫn hoạt động bình thường vì văn bản của UBND TP Hà Nội chỉ đạo công ty quản lý mặt bằng chứ không chỉ đạo trực tiếp họ. Hơn nữa họ cũng không ký hợp đồng với công ty này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có chỉ đạo, yêu cầu công ty cổ phần đầu tư phát triển Bình An (đơn vị quản lý khu đất số 9 Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) chấm dứt các hoạt động kinh doanh, sửa chữa tại khu vực trên. Chỉ đạo này xuất phát từ chính đề nghị của công ty Bình An.

Tuy nhiên, các hộ kinh doanh ở đây vẫn đang hoạt động bình thường vì “lệnh cấm" này của Hà Nội chỉ đạo công ty Bình An chứ không có tác dụng với họ. Hơn nữa, các hộ kinh doanh tại khu vực Zone 9 không ký bất kỳ hợp đồng nào với công ty Bình An, thậm chí “không biết Bình An là công ty nào”

Lằng nhằng mặt bằng Zone 9

Theo báo cáo của công ty Bình An tới UBND TP Hà Nội, trước tháng 10.2012, khu Zone 9 được nhà nước giao cho Công ty cổ phần Dược trung ương 2 (công ty Dược 2) quản lý, sử dụng.
Chi dao cua Ha Noi chua the dong cua duoc Zone 9
Mọi hoạt động kinh doanh tại khu vực Zone 9 vẫn diễ ra bình thường.
Thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất không còn phù hợp ra khỏi nội đô và được sự chấp thuận của Bộ Y tế, công ty Dược 2 đã hợp tác với các dối tác thành lập Công ty Bình An để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Đồng thời, công ty Dược 2 cũng xin cơ quan chức năng cho lập dự án đầu tư tại khu đất di dời (số 9 Trần Thánh Tông) nhằm hoàn vốn cho các đơn vị hợp tác.

Liên quan đến việc giao sử dụng đất cho chủ đầu tư, ngày 1.10.2012, công ty Dược 2 đã bàn giao mặt bằng khu đất và hiện trạng tại nhà cho công ty Bình An quản lý và chuẩn bị đầu tư.

Theo bà Hoàng Thu Hằng, Tổng giám đốc công ty Bình An, công ty này đang trong quá trình kiện toàn đội ngũ nhân sự nên chưa đủ khả năng để tự quản lý khu đất. Để chống hành vi lấn chiếm, khai thác trái phép, và các tệ nạn xã hội, trật tự trên khu đất, công ty này phải tìm kiếm đơn vị có đủ khả năng và điều kiện để tạm thời giao quản lý sử dụng có thời hạn mặt bằng cho đến khi công ty Bình An có đủ nhân sự để tự đảm nhận công tác quản lý, bảo vệ.

Do đó, ngày 1.8.2013, công ty Bình An đã ký hợp đồng giao, quản lý, sử dụng mặt bằng và tài sản trên đất tại khu đất số 9 Trần Thánh Tông với công ty Cổ phần phát triển Tiến Bộ. Theo đó, thời hạn giao quản lý, sử dụng mặt bằng là từ 1.8.2013 đến 28.2.2014.

Theo báo cáo của công ty Tiến Bộ, sau khi ký nhận quản lý, sử dụng mặt bằng khu đất, công ty này đã tiếp tục ký hợp đồng giao quản lý, sử dụng mặt bằng và tài sản trên đất cho công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thành Đạt cùng thời hạn trên.

Sau đó, công ty Thành Đạt trực tiếp thực hiện việc quản lý và khai thác có thời hạn khu đất bằng việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các hộ kinh doanh cá thể với mục đích tạo kinh phí để phục vụ cho công tác quản lý khu đất.

“Không biết Bình An là ai”

Theo các hộ kinh doanh tại khu vực Zone 9, báo cáo trên của Công ty Bình An có nhiều điểm bất hợp lý. Ông Đoàn Kỳ Thanh, một trong những người đầu tiên đầu tư vào khu vực này cho biết ông và các hộ kinh doanh đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty Thành Đạt và vào khu vực này kinh doanh từ tháng 3.2013. Trong khi đó, công ty Bình An báo cáo rằng đến ngày 1.8.2013 mới giao mặt bằng cho công ty Tiến Bộ để sau đó Tiến Bộ lại giao cho công ty Thành Đạt.

“Thêm vào đó, chúng tôi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh mặt bằng với thời hạn 3 năm. Nếu đúng Bình An chỉ giao cho công ty khác quản lý mặt bằng 1 năm thì chả ai dại gì đổ tiền vào đây để đầu tư cả”, ông Thanh cho hay.

Ông Vũ Đạo Hùng, một chủ đầu tư tại khu vực này cho biết những hộ kinh doanh ở đây hoàn toàn không biết đến công ty Bình An. Đến khi vụ cháy tại quán bar của công ty THNN Fuse xảy ra thì công ty này mới xuất hiện và đề xuất Hà Nội ngừng hoạt động kinh doanh tại Zone 9.

“Công ty Thành Đạt cũng không thể ký được hợp đồng với chúng tôi từ tháng 3.2013 với đầy đủ các thủ tục pháp lý nếu chỉ được giao mặt bằng từ tháng 8.2013. Tôi cho rằng công ty Thành Đạt không dám “liều mạng” ký hợp đồng với hơn 60 hộ kinh doanh ở đây nếu không có thẩm quyền. Họ cũng không dám ký hợp đồng với chúng tôi đến 3 năm khi chỉ được giao mặt bằng đến tháng 2.2014”, ông Hùng nói.

Còn theo ông Nguyễn Thế Truyền, một chủ đầu tư khác, các hộ kinh doanh ở đây vẫn hoạt động bình thường vì văn bản của UBND TP Hà Nội chỉ yêu cầu công ty Bình An ngưng mọi hoạt động kinh doanh tại Zone 9 chứ không chỉ đạo trực tiếp với các hộ kinh doanh ở đây.

Ngoài ra, theo ông Truyền, nếu muốn buộc một doanh nghiệp ngừng kinh doanh thì phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục về mặt pháp lý như phải kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì phải ra quyết định xử phạt, giải quyết khiếu nại… Vì thế các hộ kinh doanh ở đây vẫn đang chờ đợi các quyết định trực tiếp đối với mình từ phía các cơ quan nhà nước.

Một số chủ hộ kinh doanh tại Zone 9 cho rằng họ không quan tâm đến việc quản lý chồng chéo mặt bằng tại khu vực này vì họ chỉ ký hợp đồng với công ty Thành Đạt. Việc thỏa thuận giữa các công ty này với nhau không liên quan đến họ nhưng có vẻ sau khi vụ hỏa hoạn làm chết 6 người xảy ra, một số đơn vị đã “nhảy vào” vì lợi ích riêng.

Sau khi công ty Dược 2 chuyển đi, diện tích đất hơn 11 ngàn mét vuông tại trung tâm TP Hà Nội này chỉ là một bãi rác khổng lồ. Kể từ khi các hộ ở đây tiến hành cải tạo lại để kinh doanh, khu vực này đã trở nên “màu mỡ” hơn rất nhiều. Trong dự án xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại tại khu vực Zone 9 chưa biết bao giờ mới tiến hành thì khoản tiền thu về từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với hơn 60 hộ đang hoạt động ở đây không phải nhỏ.

Thanh Lưu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ đạo của Hà Nội chưa thể đóng cửa được Zone 9