Có 2 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân trên mức bình quân của cả nước (Bộ GTVT 24,27%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 19,44%). Các bộ, cơ quan Trung ương còn lại đều giải ngân thấp.

Chỉ 2/17 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân đầu tư công trên mức bình quân

Hoài Lam | 27/04/2023, 18:51

Có 2 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân trên mức bình quân của cả nước (Bộ GTVT 24,27%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 19,44%). Các bộ, cơ quan Trung ương còn lại đều giải ngân thấp.

Ngày 27.4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương về tiến độ giao và giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao 17 bộ, cơ quan Trung ương gần 111.768 tỉ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết hơn 105.135 tỉ đồng, đạt 94%. Số vốn chưa phân bổ chi tiết gần 6.633 tỉ đồng.

Đến hết tháng 4.2023, theo báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương, tổng số vốn đã giải ngân của 17 bộ, cơ quan Trung ương khoảng 23.741 tỉ đồng, đạt 21,24% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức bình quân của cả nước (14,66%).

Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các bộ, cơ quan Trung ương; có 2 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân trên mức bình quân của cả nước (Bộ Giao thông vận tải 24,27%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 19,44%). Các bộ, cơ quan Trung ương còn lại đều giải ngân thấp.

Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân thấp báo cáo khó khăn, vướng mắc trong từng dự án, từ khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các địa phương, đến cơ sở pháp lý, quy hoạch, cơ chế, chính sách, định mức, đơn giá, trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt…

Các cơ quan cho biết, một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vượt thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành Trung ương. Các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chậm được giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân vốn ngắn.

Ngoài ra, đặc thù của thời gian đầu năm, nhiều bộ, cơ quan Trung ương cần giải ngân hết số vốn đang làm thủ tục kéo dài giải ngân; hoàn trả khối lượng ứng trước đối với những dự án mới ký hợp đồng; dự án phải có khối lượng hoàn thành thì mới có thể nghiệm thu, thanh toán; dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, chưa có khối lượng để giải ngân.

ha.jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương về tiến độ giao và giải ngân vốn đầu tư công

Nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương là công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Năng lực trình độ, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách Nhà nước của một số cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị khác.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương cần chủ động đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư; khẩn trương phối hợp với địa phương để xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với vướng mắc liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt, các bộ, cơ quan Trung ương đẩy mạnh giải ngân tối đa như đã cam kết trong quá trình xây dựng danh mục sử dụng nguồn vốn này. Đối với các cơ quan có tỉ lệ giải ngân quá thấp, cần khẩn trương đề xuất phương án xử lý (điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn).

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, làm việc sát với các địa phương để tháo gỡ từng dự án; chỉ rõ vướng mắc, đề xuất hướng ban hành những văn bản pháp lý theo cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Ngoài ra, theo Phó thủ tướng, các bộ, ngành tập trung rà soát, tăng cường năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác giải ngân vốn đầu tư công từ khâu chuẩn bị, quyết định đầu tư, nhất là cho những dự án lớn, quan trọng.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề. Chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, là tiêu chí đánh giá năng lực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án.

“Bộ trưởng, thủ trưởng, tập thể lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm từ khâu đề xuất, thẩm định, tổ chức thực hiện dự án đến phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh, "không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ". Chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án”, Phó thủ tướng nêu.

Bộ Xây dựng có giải pháp huy động nhân lực, cải tiến phương thức làm việc, đề xuất phương án phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương để rút thời gian thẩm định dự án, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ 2/17 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân đầu tư công trên mức bình quân