Sự xuất hiện của chủng vi rút mới được coi là siêu lây nhiễm ở Nam Phi với tên gọi Omicron đã khiến hàng loạt nước châu Âu, châu Á... đã quyết định cấm nhập cảnh du khách từ các nước phía Nam châu Phi này.

Châu Âu và nhiều nước trên thế giới siết chặt phòng dịch, đối phó với biến thể Omicron

PV | 29/11/2021, 06:00

Sự xuất hiện của chủng vi rút mới được coi là siêu lây nhiễm ở Nam Phi với tên gọi Omicron đã khiến hàng loạt nước châu Âu, châu Á... đã quyết định cấm nhập cảnh du khách từ các nước phía Nam châu Phi này.

Do lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron - được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn các biến thể trước đây, nhiều nước trên thế giới đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.

Anh thông báo từ tuần tới, nước này sẽ áp dụng lại quy định đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và tại các cửa hàng nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Tất cả người nhập cảnh vào Anh sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ 2 sau khi đến Anh và phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính. Trong khi đó, tất cả những người tiếp xúc với các ca nhiễm biến thể mới sẽ phải tự cách ly, ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19.

Các quy định trên được đưa ra sau khi Anh ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Các quy định mới sẽ được xem xét lại trong ba tuần tới, thời điểm mà các nhà khoa học sẽ có thông tin rõ hơn về hiệu quả liên tục của vắc xin.

Nhà chức trách Pháp và Maldives cũng quyết định gia hạn lệnh hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia miền Nam châu Phi gồm Zimbabwe, Nam Phi, Namibia, Botswana, Lesotho, Eswatini và Mozambique.

Bộ Nội vụ Saudi Arabia đã quyết định ngừng các chuyến bay đi và đến các nước gồm Malawi, Zambia, Madagascar, Angola, Seychelles, Mauritius và Quần đảo Comoros do lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron.

Trước đó, ngày 26.11, Saudi Arabia cũng đã ngừng các chuyến bay đi và đến Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Lesotho và Eswatini.

Trong khi đó, giới chức Israel thông báo trong ngày 28.11, nước này sẽ đóng cửa biên giới với toàn bộ du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Thông báo của văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: "Việc nhập cảnh của các công dân nước ngoài vào Israel sẽ bị cấm, trừ các trường hợp do một ủy ban đặc biệt chấp thuận", đồng thời khẳng định biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay trong tối 28.11.

Tại châu Mỹ, Colombia thông báo sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch COVID-19 do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Theo đó, tình trạng khẩn cấp ứng phó với COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ kéo dài đến ngày 28.2.2022. Colombia trước đó có kế hoạch dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 11 này.

Cơ quan quản lý y tế của Brazil Anvisa cũng quyết định bổ sung 4 nước châu Phi gồm Angola, Malawi, Mozambique và Zambia vào danh sách các nước cấm nhập cảnh vào nước này để ngăn chặn nguy cơ lây lan của Omicron - biến thể được cho có khả năng nguy hiểm hơn biến thể Delta. Trước đó, Brazil thông báo đóng cửa biên giới đối với du khách nhập cảnh từ Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe.

Sau các trường hợp đầu tiên mắc biến thể Omicron được ghi nhận ở Botswana và Nam Phi vào tuần trước, biến thể này đã nhanh chóng xuất hiện tại các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, Australia đã xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Hai trường hợp này đến từ khu vực miền Nam châu Phi, nhập cảnh Sydney vào tối 27.11. Cả hai đều có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron và đều không biểu hiện bệnh. Hai trường hợp này đã tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19 và đang trong thời gian cách ly. 12 hành khách đến từ khu vực miền Nam châu Phi trên cùng chuyến bay cũng đang cách ly 14 ngày tại khách sạn, trong khi khoảng 260 hành khách và phi hành đoàn đã được hướng dẫn cách ly.

Nhiều nước châu Âu, trong đó có Italy, Đan Mạch, Đức và Hà Lan, cũng ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron. Tại Italy, một nhân viên làm việc cho công ty quốc tế ở khu vực Campania, miền Nam nước này, đã nhiễm biến thể Omicron. Người này đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và đã trở về Italy từ Mozambique, vài ngày trước đó.

Cả 5 người trong gia đình của trường hợp này cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm này đã được yêu cầu cách ly ngay lập tức. Hiện ca nhiễm biến thể Omicron cùng gia đình đều trong tình trạng sức khỏe tốt.

Trước đó, ngày 26.11, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã ban hành lệnh cấm đi lại đối với những người trở về từ 7 nước châu Phi gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia, Eswatini và Malawi trong 14 ngày trước đó.

Cùng ngày, Đan Mạch thông báo ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron từ những người đến từ Nam Phi. Hai trường hợp trên đến Đan Mạch bằng máy bay, đã được cách ly. Hiện nhà chức trách Đan Mạch đang tăng cường giám sát các ca nhiễm ở nước này cũng như truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với 2 ca nhiễm trên.

Trong khi đó, giới chức y tế Hà Lan cho biết đã phát hiện ít nhất 13 ca nhiễm biến thể Omicron trong số 61 người đến từ Nam Phi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã được cách ly. Theo Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan (RIVM), điều tra dịch tễ vẫn chưa hoàn thành, vì vậy, còn có thể có thêm các ca nhiễm biến thể Omicron. Hà Lan đã bắt đầu xét nghiệm biến thể Omicron sau khi 61 trong tổng số 600 hành khách trên 2 chuyến bay từ Nam Phi tới Amsterdam hôm 26.11 có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Đức cũng xác nhận ca nghi nhiễm biến thể Omicron ở bang miền Tây Hesse đã có kết quả dương tính với biến thể này. Người này vừa đến từ Nam Phi. Như vậy, số ca nhiễm biến thể Omicron ghi nhận được tại Đức đến nay là 3 ca.

Đức hiện đã ban bố hạn chế đi lại bằng đường hàng không với Nam Phi từ ngày 28.11, theo đó chỉ công dân Đức từ Nam Phi trở về được phép nhận cảnh và sẽ phải cách ly 14 ngày, kể cả những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesu tại thủ đô Rome của Italy đã công bố hình ảnh đầu tiên của Omicron. Phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy hình ảnh khoa học chứng minh biến thể Omicron có nhiều gai protein đột biến hơn, vùng tiếp xúc với tế bào trước khi xâm nhập có diện tích rộng hơn, chứng minh khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thế Delta hiện nay. Theo đó, số lượng đột biến của biến thể Omicron là 43, lớn hơn nhiều so với số lượng đột biến của biến thể Delta là 18.

Các nhà khoa học lưu ý rằng những thay đổi này cho thấy vi rút có thể đã thích nghi tốt hơn với con người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2 hay không. Những nghiên cứu mới nhất chỉ mới chứng minh được tốc độ lây lan nhanh của biến thể mới, chứ chưa thể xác định mức độ kháng vắc xin của biến thể này.

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla, chính phủ nước này chưa ra quyết định nào liên quan đến việc thắt chặt hơn các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sau sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 mang tên Omicron vào tuần trước. 

Ông Phaahla khẳng định Chính phủ Nam Phi không hề xem nhẹ vấn đề này, đồng thời cũng biết rõ tác động của việc thắt chặt hơn những quy định phòng dịch có thể gây ra đối với đất nước và nền kinh tế.

Theo ông, bất kỳ quy định nào trước khi được đưa ra đều sẽ phải được tham vấn rất kỹ lưỡng với các bên liên quan.

Theo Tin Tức Online

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu và nhiều nước trên thế giới siết chặt phòng dịch, đối phó với biến thể Omicron