Nếu đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới, Ukraine có nguy cơ sẽ bị cắt viện trợ quân sự từ Washington.

Châu Âu có lo lắng khi Ukraine nguy cơ mất viện trợ từ Mỹ?

Hoàng Vũ | 20/10/2022, 15:22

Nếu đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới, Ukraine có nguy cơ sẽ bị cắt viện trợ quân sự từ Washington.

Theo Politico, các cuộc thăm dò mới đây cho thấy đảng Cộng hòa đang nắm ưu thế khi có được sự ủng hộ để nắm quyền kiểm soát Hạ viện hoặc Thượng viện sau cuộc bầu cử tháng 11.

“Các đồng minh của chúng tôi cần bắt đầu giải quyết vấn đề ở sân sau của họ trước khi yêu cầu chúng tôi tham gia thêm”, Tim Burchett, một đảng viên đảng Cộng hòa, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói.

Các chính phủ châu Âu đã mở “hầu bao” và kho dự trữ quân sự cho Ukraine ở mức kỷ lục, nhưng vẫn không đáng kể so với sự hỗ trợ của Washington đối với Kyiv. Đó là một sự chênh lệch mà Đảng Cộng hòa muốn nêu bật khi cho rằng cuộc chiến ở Ukraine là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với châu Âu so với Mỹ.

“Thật là kinh khủng với những gì đang diễn ra tại Ukraine, nhưng chúng tôi coi Trung Quốc và các tập đoàn ma túy là mối đe dọa đối với Mỹ hơn”, ông Burchett nói thêm.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước châu Âu đã cam kết chi tiêu quốc phòng mới hơn 200 tỷ euro. Hiện tại, việc buộc tất cả các thành viên NATO của châu Âu dành 2% sản lượng kinh tế của họ cho chi tiêu quốc phòng đã là khó khăn. Giờ đây, đã nổi lên một mối lo trên khắp châu Âu về việc làm thế nào để bổ sung kho dự trữ quân sự đang dần cạn kiệt trong khi vẫn phải tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn châu Âu tiến xa hơn nữa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết mức chuẩn 2% chỉ là “những gì chúng tôi mong đợi” từ các đồng minh. “Chúng tôi khuyến khích các quốc gia tăng trên 2%”, ông nói.

“Khi chúng tôi tăng cường những đóng góp đáng kể của mình cho khả năng và sự sẵn sàng của NATO, chúng tôi sẽ tin tưởng các đồng minh tiếp tục đảm nhận trách nhiệm lớn hơn bằng cách tăng chi tiêu, khả năng và đóng góp của họ”, tài liệu “Chiến lược An ninh Quốc gia” được công bố gần đây của Washington đã hệ thống hóa những kỳ vọng đó.

Bản thân các nước châu Âu hiện đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế ở nước mình. Chẳng hạn, Vương quốc Anh đã cam kết đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 3%, nhưng gần đây thừa nhận rằng mức tăng này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Chính quyền ông Biden đã thực hiện một đường lối khuyến khích thân thiện đối với châu Âu, nhưng nếu đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội, sẽ có nhiều tiếng nói cứng rắn hơn để buộc châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng cũng như cân nhắc ngân sách tài trợ cho Ukraine.

"Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, châu Âu sẽ không viết séc trắng cho Ukraine", lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy nói vào đầu tuần này. “Có những vấn đề mà chính quyền ông Biden chưa chú trọng như vấn đề biên giới và mọi người đang bắt đầu bàn tán về nó. Ukraine tuy rất quan trọng nhưng chúng ta không thể tiêu tốn quá nhiều ngân sách”, ông McCarthy cho hay.

Politico nhận định các đảng viên đảng Cộng hòa có thể đang để mắt đến các cuộc thăm dò, cho thấy một bộ phận người Mỹ ngày càng cho rằng Washington hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine. Con số này đã tăng từ 7% trong tháng 3 lên 20% vào tháng 9, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Và hiện tại tỷ lệ này là 32% trong số các cử tri nghiêng về đảng Cộng hòa.

Vì vậy, trong khi Tổng thống Joe Biden tiếp tục yêu cầu quốc hội phê chuẩn thêm các gói viện trợ Ukraine, các nhà quan sát cho rằng có thể có nhiều hoài nghi hơn trong thời gian tới.

“Mọi việc ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi vì Mỹ đang làm tất cả còn người châu Âu thì không. Theo một cách nào đó, điều đó là không công bằng”, Max Bergmann, giám đốc Chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Theo Martin Quencez, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Marshall của Đức, đối với châu Âu, tình hình chính trị tại Mỹ rất quan trọng bởi kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới châu Âu và Ukraine. Điều này đang càng được xem xét một cách nghiêm túc hơn.

Liên minh châu Âu (EU) liệu có lo lắng?

Trở lại Brussels, một số quan chức khẳng định có rất ít lý do để lo lắng. David McAllister, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu cho biết: “Có sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng Mỹ đối với Ukraine”.

“Nếu đảng Cộng hòa chiếm đa số trong các ủy ban quốc hội, tôi nghĩ họ sẽ có tác động đến các cuộc tranh luận về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Biden mới là người cuối cùng duy trì quyền kiểm soát đáng kể đối với chính sách đối ngoại”, McAllister cho biết trong một email.

Witold Waszczykowski, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EU, cũng cho biết trong một email rằng ông không cho rằng Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ thay đổi chính sách Ukraine hay thúc giục Washington gây thêm áp lực lên châu Âu.

Bài liên quan
Mỹ và châu Âu bất đồng ý kiến về nguyên nhân làm hỏng 2 tuyến cáp ngầm biển Baltic
Đài CNN cho biết giới chức châu Âu tin rằng vụ việc lưu lượng của hai tuyến cáp internet ngầm ở biển Baltic bất ngờ bị gián đoạn mới đây là do hành động phá hoại, nhưng phía Mỹ lại nghĩ có khả năng đây chỉ là vụ tai nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu có lo lắng khi Ukraine nguy cơ mất viện trợ từ Mỹ?