8 triệu tấn rác nhựa được thải ra biển mỗi năm, phần lớn là bởi 5 nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Châu Á xả rác ra biển nhiều nhất thế giới

Một Thế Giới | 15/01/2016, 21:20

8 triệu tấn rác nhựa được thải ra biển mỗi năm, phần lớn là bởi 5 nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Các đại dương trên Trái đất đang ngày bị "bóp nghẹt" bởi rác do con người thải ra. Ngoài khơi vỏ chai, túi nhựa và đầu lọc thuốc lá hội theo con nước tạo thành những dòng “hải lưu rác” dài hàng cây số trên mặt biển. Tuy nhiên, cảnh tượng đó không là gì so với số lượng rác chìm bên dưới mặt nước chiếm tới 95% tổng số rác do con người thải ra đại dương và đang giết chết các loài sinh vật, phá hoại hệ sinh thái biển.
Theo thống kê gần đây của tổ chức môi trường Ocean Conservancy (Mỹ), đứng đầu danh sách xả rác ra biển là 5 nước châu Á bao gồm: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Ước tính các quốc gia này đã thải ra đến 60% tổng lượng rác nhựa ngoài biển.
“Với mức độ xả rác như hiện nay, tới năm 2025, cứ 2 tấn cá ngoài biển chúng ta sẽ có 1 tấn rác. Con số khổng lồ này sẽ mang lại hậu quả to lớn về kinh tế và môi trường”, Nicholas Mallos, Giám đốc chương trình về rác biển của Ocean Conservancy cho biết.
Trước giờ, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thường được xem là những quốc gia thải ra nhiều rác không phân hủy được do người dân có thói quen tiêu thụ một lượng lớn các mặt hàng tiêu dùng được sản xuất hay đóng gói bằng nhựa. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nền kinh tế đang đi lên tại các nước châu Á đã kéo theo sự du nhập của chủ nghĩa tiêu thụ này từ các nước đã phát triển. Thói quen xài đồ vặt đã tạo ra một lượng rác lớn mà không phải lúc nào cũng được xử lý đúng cách tại các quốc gia đang phát triển này.
Tại 5 nước châu Á được Ocean Conservancy liệt kê, chỉ có 40% lượng rác thải được thu lượm một cách có tổ chức. Rác tại đây thông thường được chất thành đống trong các bãi chứa một cách tùy tiện khiến nhiều mảnh rác bị gió cuốn ra biển. Thậm chí nhiều bãi rác còn được cố ý dựng lên gần các con sông để “mưa và dòng nước mạnh mang rác đi, giúp các bãi này có thêm chỗ chứa rác mới”.
Ngoài ra, hệ thống xử lý rác thô sơ tại các nước châu Á thường chủ yếu chỉ dựa vào những người nhặt rác để thu gom phân loại các sản phẩm nhựa có thể tái chế được. Tuy nhiên lực lượng này đa số chỉ chú tâm tìm những loại rác có giá trị như chai nhựa và thường bỏ qua những túi nhựa bán được ít tiền hơn.
Theo Ocean Conservancy, một người nhặt rác kiếm được 0,5 USD nếu bỏ ra 10 giờ nhặt bao nhựa. Ngược lại, thu nhặt chai nhựa có thể giúp họ kiếm được 3,7 USD/ngày. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn rác “rẻ tiền” sẽ bị bỏ qua và đi ra biển.
Các tài xế xe chở rác tại những nước có hệ thống pháp luật lỏng lẻo cũng thường tiết kiệm thời gian và xăng dầu bằng cách đổ rác dọc bên đường. Các ụ rác trái phép này gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho môi trường biển. Một nghiên cứu tại Philippines cho thấy 90% lượng rác nhựa được đỗ bừa bãi cuối cùng sẽ dạt xuống biển. Tổ chức Ocean Conservancy ước tính nạn đổ rác trái phép tại 5 nước châu Á “đầu bảng” thải ra biển mỗi năm 1 tấn rác nhựa.
Góp phần vào sự bùng nổ số lượng rác nhựa tại châu Á còn có việc các tập đoàn quốc gia đã sản xuất và bán sản phẩm hàng tiêu dùng của mình dưới dạng gói nhỏ nhằm đáp ứng khả năng mua sắm của người dân nghèo tại đây. Chiến lược kinh doanh này tạo ra một lượng lớn rác bao bì nhựa, đa số cuối cùng cũng sẽ bị thải ra biển.
Mặc dù các tập đoàn này không có ý định trực tiếp “sản xuất đồ nhựa để cuối cùng xả ra biển”, tuy nhiên theo ông Mallos, các công ty lẽ ra nên dùng “hệ thống cơ sở vật chất, tài chính và quản lý bậc nhất của mình” để góp phần giải quyết vấn đề rác thải.
Tất cả lượng rác này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và bóp nghẹt các sinh vật dưới nước. Các chuyên gia cũng cho rằng những thảm họa môi trường do rác gây ra cũng liên quan đến tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tuấn Anh (theo Globalpost)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Á xả rác ra biển nhiều nhất thế giới