Hàng chục ngàn người dân Triều Tiên, Hàn Quốc Trung Quốc và Nhật Bản có nguy cơ bị phơi nhiễm phóng xạ do sử dụng nước ngầm chảy từ một bãi thử hạt nhân ở Triều Tiên.
Reuters ngày 21.2 dẫn báo cáo của Nhóm làm việc vì công lý giai đoạn chuyển tiếp (TJWG, Hàn Quốc) cho thấy, chất phóng xạ có thể chảy đến 8 thành phố và các huyện gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Các địa phương này có hơn 1 triệu người dân Triều Tiên sinh sống và nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của họ, bao gồm nước uống.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri thuộc tỉnh miền núi Bắc Hamgyong - nơi Triều Tiên bí mật thực hiện 6 cuộc thử vũ khí hạt nhân từ năm 2006 đến 2017, theo thông tin của chính phủ Mỹ và Hàn Quốc.
Báo cáo của TSWG còn cho biết, các nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có thể lâm nguy, một phần vì cá và sản phẩm nông nghiệp buôn lậu từ Triều Tiên.
“Báo cáo này có ý nghĩa trong việc chứng minh các cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên có thể đe dọa cuộc sống và sức khỏe không chỉ của người dân Triều Tiên, mà còn ảnh hưởng đến Hàn Quốc và các nước láng giềng khác”, theo Hubert Young-hwan Lee, Trưởng nhóm TJWG, đồng tác giả báo cáo.
TSWG được thành lập năm 2014, hợp tác với các chuyên gia hạt nhân và y tế cùng những người trốn khỏi Triều Tiên. Báo cáo của tổ chức này sử dụng thông tin tình báo cùng các báo cáo công khai của chính phủ, Liên Hợp Quốc. TSWG cũng được hỗ trợ bởi Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ, một tổ chức phi chính phủ của Quốc hội Mỹ.
Reuters nhắc lại, năm 2015, cơ quan an toàn thực phẩm Hàn Quốc đã phát hiện lượng phóng xạ cesium isotope cao gấp 9 lần trong các thùng nấm chân cừu nhập khẩu, vốn được bán như là hàng hóa Trung Quốc nhưng thực tế nguồn gốc của sản phẩm này là từ Triều Tiên.
Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng cường giám sát phóng xạ, bày tỏ sự lo ngại rủi ro phơi nhiễm phóng xạ tiếp sau các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nhưng không công bố thông tin về các loại thức ăn bị nhiễm xạ.
Nhiều chuyên gia độc lập cũng bày tỏ lo ngại về nước nhiễm phóng xạ gây nguy hiểm cho sức khỏe của người, nhưng Triều Tiên bác bỏ những lo ngại và nói "không hề có sự rò rỉ chất thải độc hại sau các cuộc thử hạt nhân", tuy nhiên, Triều Tiên không cung cấp được chứng cứ.
Khi Triều Tiên mời các nhà báo nước ngoài chứng kiến vụ phá bỏ vài hầm của bãi thử hạt nhân Punggye-ri hồi năm 2018, họ đã tịch thu máy dò phóng xạ của các nhà báo này.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã ngưng xét nghiệm nhằm phát hiện sự phơi nhiễm phóng xạ đối với người trốn khỏi Triều Tiên hồi năm 2018, khi quan hệ liên Triều hạ nhiệt căng thẳng.
Nhưng trong 40 người trốn từng sống ở gần bãi thử Punggye-ri và được xét nghiệm hồi năm 2017 - 2018, ít nhất 9 người có những dấu hiệu bất thường. Dù vậy, Bộ Thống nhất Hàn Quốc không thể xác định mối liên quan trực tiếp với bãi thử này.
Báo cáo của TJWG cho biết, từ năm 2016 đến nay, có hơn 880 người Triều Tiên trốn khỏi các khu vực gần bãi thử Punggye-ri.
Tổ chức này kêu gọi nối lại việc xét nghiệm và quốc tế, mở điều tra về nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cho các cộng đồng dân cư quanh bãi thử Punggye-ri.
Phái bộ ngoại giao Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc, Bộ Thống nhất Hàn Quốc không trả lời trước đề nghị bình luận của Reuters.
Hàn Quốc và Mỹ đều nhận định Triều Tiên có thể tiến hành cuộc thử hạt nhân lần thứ 7 trong năm 2023.