Mary Landon Baker là một người phụ nữ xinh đẹp, giàu có, giao thiệp rộng ở Chicago, Mỹ. Thế nhưng cô nàng Baker lại chưa hề trao lời hẹn thề trăm năm với ai dù đã nhận được đến 65 lời cầu hôn.

Chẩn đoán bệnh của người phụ nữ 65 lần từ chối lời cầu hôn

Tố Loan | 04/02/2017, 08:24

Mary Landon Baker là một người phụ nữ xinh đẹp, giàu có, giao thiệp rộng ở Chicago, Mỹ. Thế nhưng cô nàng Baker lại chưa hề trao lời hẹn thề trăm năm với ai dù đã nhận được đến 65 lời cầu hôn.

Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, báo chí thế giới – bao gồm cả tờ The New York Times – chẳng bỏ sót tin tức nào về mối quan hệ kịch tính giữa cô nàng thừa kế xinh đẹp Mary Landon Baker và Allister McCormick. Chàng trai Chicago quả là người rất kiên nhẫn, dù bị cô nàng Baker cho leo cây ngay trong ngày tổ chức hôn lễ, nhưng McCormick vẫn cầu hôn tiếp lần thứ 2, rồi lần thứ 3 để rồi bị báo chí gán cho biệt danh “chú rể bị bỏ rơi 3 lần Allister McCormick”.

Cuối cùng thì chẳng có gì có thể buộc cô Baker trở thành bà McCormick: từ chiếc nhẫn đính hôn đính ngọc bích của thương hiệu đình đám Cartier đến cả núi quà cưới, hay cả ngàn khách mời giàu sụ có mặt trong tiệc cưới lần đầu…

Mọi người đoán già đoán non về lý do chạy trốn đám cưới của cô Baker. Còn McCormick thì cuối cùng cũng mệt mỏi, nên đã quyết định từ bỏ chuyện theo đuổi cô Baker vào năm 1923 để lấy một người vợ chịu nghe lời hơn ở London, Anh.

Trong khi đó, “cô dâu chạy trốn” Baker vẫn tiếp tục hẹn hò, tạo niềm hy vọng cho các chàng trai để rồi lạnh lùng khước từ những lời cầu hôn. Bất chấp mang tiếng là người phụ nữ sợ hôn nhân, nhưng Baker với vẻ ngoài xinh đẹp, gia tài kếch xù, giao thiệp rộng rãi vẫn kích thích ước muốn chinh phục của các bậc mày râu ở ít nhất hai lục địa, trong đó có cả một quý tộc người Anh, một hoàng thân Ailen, một tài phiệt người Tây Ban Nha…

Thế nên khi cô nàng Baker nhận lời đính hôn với một nhà ngoại giao Nam Tư hồi năm 1926, phóng viên của tờ Timesđã gọi đó là “sự kiện đình đám nhất kể từ sau chiến tranh châu Âu” tại Belgrade, nhưng rồi cô nàng đỏng đảnh lại tiếp tục hủy hôn sau một thời gian ngắn.

Trước đó, Baker cũng từng có mối quan hệ thân thiết với diễn viên Barry Baxter, người đã qua đời trên sân khấu hồi năm 1922. Thời điểm đó, có tin đồn rằng Baxter chết vì biết tin cô nàng Baker đang chuẩn bị sang London để kết hôn với một người đàn ông khác. Tuy nhiên, bác sĩ riêng của Baxter đã đưa ra một thông tin gây thất vọng: nguyên nhân cái chết của nam diễn viên vắng số là do viêm phổi, chứ không phải vì bị phản bội hay thất tình. Thế nên cô nàng Baker vẫn chỉ bị xem là “cô dâu chạy trốn” chứ không phải là “cô dâu gây tai họa”.

Đến khi qua đời vào năm 1961, ở tuổi 61, Baker được cho là đã nhận được 65 lời cầu hôn. Và mọi người vẫn không thôi thắc mắc vì sao một người phụ nữ giàu có, giao thiệp rộng, rất yêu thích tiệc tùng lại sợ kết hôn.

Khi bị phóng viên truy hỏi về lý do Mary Landon ác cảm với hôn nhân, nhà tài phiệt Alfred Baker cho rằng chỉ đơn giản là vì cô con gái rượu của ông quá ham chơi, còn muốn tận hưởng cuộc sống độc thân nên chưa muốn lập gia đình.

Nhiều năm sau đó, một nhà báo đã có được câu trả lời từ chính cô nàng thừa kế Baker: “Tôi không kết hôn, chỉ vì tôi chưa gặp được đúng người đúng lúc đúng chỗ”. Một lần khác, cô nàng Baker thố lộ: “Tôi chưa bao giờ có cảm giác yêu”. Dường như đó là lý do có cơ sở để cô nàng thừa kế giàu có từ chối tình cảm của rất nhiều người đàn ông như thế.

Chúng ta có thể không bao giờ đoán được động cơ của cô nàng Baker khi biến những kẻ theo đuổi mình thành con rối, nhưng chúng ta biết chắc một điều rằng cô ta chẳng bao giờ cần đến sự hỗ trợ của một người chồng. Ngay từ năm 27 tuổi, khi người cha qua đời, cô Baker nghiễm nhiên chuyển từ cô gái thừa kế thành một nữ chủ nhân cực kỳ giàu có. Rồi khi mẹ cô qua đời năm 1955, cô lại được nhận thêm một phần tài sản nữa.

Là một người có địa vị, có sự đảm bảo về tài sản, Mary Landon Baker từ chối đến 65 lời cầu hôn tính cho đến khi cô qua đời năm 61 tuổi, không phải vì cô quá nhút nhát, lãnh cảm hay sợ hãi đời sống hôn nhân. Mà đúng hơn là vì cô là người phụ nữ tự do.

Hẳn là sẽ có một bộ phim về Mary Landon Baker trong tương lai.

HOÀNG ANH
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chẩn đoán bệnh của người phụ nữ 65 lần từ chối lời cầu hôn