Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng

Chậm xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng livestream, Bộ trưởng giải thích thế nào?

Hoài Lam | 04/11/2022, 13:00

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng

Chậm xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng livestream

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông chưa tập trung vào chức năng quản lý nhà nước đối với mạng xã hội, không chủ động vào cuộc sớm, đến khi xảy ra mới vào cuộc thanh tra xử lý, như vụ bà Nguyễn Phương Hằng "livestream" trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo ông, cơ quan chức năng lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. "Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?", ông Hoàng Anh chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ lúc nào cũng coi thể chế là số 1. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Phương Hằng.

Ông cho hay, thời điểm đó chưa có quy định pháp luật quản lý hành vi livestream thế nào. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã hai lần xử phạt hành chính và công an đã xử lý hình sự.

hung-1.jpg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

Về giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho hay Bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livestream, phải cung cấp thông tin thời gian, và nếu bán hàng, có thu nhập thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...

Tỷ lệ cán bộ công nghệ của Việt Nam chỉ bằng 1/10 các nước khu vực

Trả lời đại biểu Dương Minh Ánh về đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước của ta là 0,9%.

“Đây là con số đáng suy nghĩ, bởi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 10%, riêng Mỹ là 15%. Nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia bởi cần phải coi lực lượng khoa học công nghệ số là lực lượng sản xuất”, ông Hùng nói.

Về giữ chân nhân lực, ông Hùng cho rằng cần cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, trong tổng thể chung không thể đòi hỏi có cơ chế ưu đãi cho nhân lực riêng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác.

Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo AI để đỡ 1 phần công việc của cán bộ thông tin từ đó phù hợp với mức lương họ đang nhận. Do đó cần đầu tư vào nền tảng. Đồng thời, cần tăng cường thuê, đặt hàng bên ngoài, người làm công nghệ thông tin trong nhà nước sẽ làm công việc đặt hàng.

Bao giờ xử lý dứt điểm vấn đề sim rác?

Vấn đề sim rác, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đặt hai câu hỏi: Việc lợi dụng sim rác để tạo các tài khoản giả đăng tải những nội dung thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước và sử dụng ở các mục đích sai phạm khác. Điều này gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của giới trẻ.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ môi trường mạng ở Việt Nam mới thật sự được quản lý chặt chẽ để môi trường mạng thật sự trở thành môi trường sạch?

hung-2.jpg
Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu)

Trả lời vấn đề sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu nói là xử lý triệt để sim rác với nghĩa là bằng 0 thì trong cuộc sống khó có thể làm được, mà vẫn còn đó những tồn tại nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được.

Bộ trưởng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người nhiều sim. Ngoài ra việc xử lý sim rác gắn với đăng kí thông tin chính chủ, kết nối, đối chiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có căn cứ xác định thông tin đăng kí là chính xác.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã làm rất quyết liệt loại 22 triệu sim không đầy đủ, việc này tiến hành làm trong gần 3 năm. Bộ đã thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể xem xét trách nhiệm của từng đơn vị doanh nghiệp viễn thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, mỗi tháng trong năm 2022, Bộ nhận được khoảng 30.000 phản ánh của người dân về cuộc gọi rác, khủng bố. Thời gian qua, các đơn vị đã dùng công nghệ rất tốt nên tin nhắn rác đã không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, các cuộc gọi rác lại đang nổi lên. Điện thoại rác là vấn nạn toàn cầu. Ở Mỹ, mỗi người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan hàng tháng gấp ba lần Việt Nam.

Gần đây, Bộ đã chính thức công bố số điện thoại để người dân phản ánh cuộc gọi rác. Về lâu dài, phải dùng công nghệ. Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi rác và chủ động ngăn chặn. "Mỗi tháng chúng tôi chặn 30.000-40.000 cuộc gọi rác. Những tháng gần đây cuộc gọi rác được xử lý tốt hơn", Bộ trưởng cho hay.

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chậm xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng livestream, Bộ trưởng giải thích thế nào?