Liệt sĩ Lê Bá Giang là một trong 64 người đã hy sinh trong trận hải chiến ở bãi đá Gạc Ma (quần đảo Trường Sa). Suốt 25 năm qua, bố mẹ của liệt sĩ Giang vẫn ao ước một lần được ra Trường Sa để gần nơi con yên nghỉ.

Cha mẹ chỉ mong một lần đến Gạc Ma để được gần con!

Một Thế Giới | 11/12/2013, 04:00

Liệt sĩ Lê Bá Giang là một trong 64 người đã hy sinh trong trận hải chiến ở bãi đá Gạc Ma (quần đảo Trường Sa). Suốt 25 năm qua, bố mẹ của liệt sĩ Giang vẫn ao ước một lần được ra Trường Sa để gần nơi con yên nghỉ.

Hơn 25 năm nay, vợ chồng ông Lê Bá Nghị (77 tuổi) và bà Đực Thị Nhị (72 tuổi) ngụ ở khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, Vinh, Nghệ An)vẫn không sao quên được hình ảnh về đoàn người đông nghịt chen chúc nhau ở ga Vinh vào tết năm 1988.

Ký ức về chuyến tàu ngày 29 tết

Năm đó, ông bà cũng có mặt trong đám đông để được nhìn mặt con trai là Lê Bá Giang, một người lính thông tin đang trên đường vào chiến trường. Giang là con thứ hai trong gia đình nên từ bé cậu đã phải sống cuộc sống khó khăn, hàng ngày ngoài giờ lên lớp lại về giúp đỡ mẹ công việc đồng áng.
Cha me chi mong mot lan den Gac Ma de duoc gan con!
Vợ chồng ông Nghị, bà Nhị nhớ lại những ký ức về người con trai đã hy sinh tại bãi đá Gạc Ma. Ảnh: Vân Thanh. 
Bố công tác xa nhà nên Giang sớm trở thành trụ cột của gia đình. Năm 1987, Giang tròn 19 tuổi thì nhận được giấy nhập ngũ. Háo hức chờ đợi ngày vào lính, trước khi lên đường vào chiến trường Giang cùng các bạn được đưa ra huấn luyện tại Quảng Ninh một tháng. Đúng vào dịp tết năm 1988, Giang lên đường vào Vùng 4, hải quân đóng tại Cam Ranh, Khánh Hòa.

Trên chuyến tàu vào Nam năm ấy có đi qua ga Vinh nên Giang nhắn với bố mẹ ra để gặp mặt. Ông Nghị ngậm ngùi chia sẻ: “Mới đó mà hơn 25 năm, suốt thời gian qua tôi không thể nào quên hình ảnh về đoàn người chen chúc nhau ở ga Vinh để đón đoàn tàu Bắc - Nam vào ga. Năm đó, tôi cùng bà nhà dẫn các con ra ga để chờ gặp Giang trước khi nó vào chiến trường chiến. Tuy nhiên, lần đó do có sự nhầm lần về toa tàu nên tôi và bà ấy không gặp được con trai”.

Đợt đó, trong 5 phút tàu dừng tại ga, hai vợ chồng ông Nghị chạy khắp các toa tàu để tìm Giang nhưng không thấy. Khi chuyến tàu chuyển bánh cũng là lúc bà Nhị òa lên khóc.

Nhớ lại thời điểm đó, bà Nhị nghẹn ngào kể: “Nhận được tin con nhắn sẽ đi qua Vinh, tôi và ông nhà đã chuẩn bị quà tết để gửi cho cháu. Gọi là quà tết cho sang chứ có gì đâu, nghèo đói nên việc lo cho đủ ăn là khó lắm rồi. Năm đó, vợ chồng tôi chỉ mang được chiếc bánh chưng nhỏ gọi là hương vị quà tết gửi cho con và chủ yếu là ra để nhìn mặt con trai cho đỡ nhớ mà thôi, vậy mà không được. Buồn lắm cháu ạ, con người ta được cho về ăn tết nhưng thằng Giang nhà tôi là lính thông tin nên nó phải vào trước người ta để chuẩn bị”.

Không gặp được con trai, vợ chồng ông Nghị dắt mấy đứa nhỏ em anh Giang thất thểu đi về. Cái tết năm đó có lẽ là năm buồn nhất của gia đình vì anh Giang là người đầu tiên đi xa như vậy. Không gặp được con trai, về sau vợ chồng ông bà cũng bặt tin anh Giang.

Hy sinh trên biển quê hương

Đến ngày 24.4.1988, hơn 1 tháng sau ngày anh Giang lên đường nhập ngũ, ông Nghị chết đứng khi hay tin con hy sinh qua sóng radio. Tuy nhiên, khi đó, không ai tin anh Giang đã mất.
“Trên danh sách người ta thông báo đúng là có tên Lê Bá Giang nhưng lại nhầm địa chỉ quê nhà nên vợ chồng tôi hy vọng có sự nhầm lẫn. Hàng ngày chúng tôi vẫn chờ đợi cho đến 2 năm sau mới nhận được giấy báo tử. Dù biết con trai thời loạn thì phải xông pha nhưng cháu nó mất đi khi tuổi đời con trẻ quá. Thậm chỉ nó còn chưa biết yêu đương là gì nữa”, bà Nghị ngậm ngùi.
Cha me chi mong mot lan den Gac Ma de duoc gan con!
Liệt sĩ Lê Bá Giang là một trong 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988. Ảnh: Vân Thanh.
Dù đau đớn khi mất đi người thân nhưng gia đình ông Nghị vẫn tự hào khi có đứa con là liệt sĩ Trường Sa. Trong xóm lần đó cũng có mấy người ra đi nhập ngũ cùng đợt với anh Giang nhưng họ đều sống sót trở về và lập gia đình, nay có người còn đã có cháu để bồng bế. Nhìn cảnh nhà người ta vui vẻ đoàn tụ, không biết bao lần bà Nhị rơi nước mắt tủi thân.

Với bà, Giang là đứa con trai ngoan ngoãn, hiền lành và chăm chỉ. Những gì còn lại trong ký ức người làm mẹ là một tuần nghỉ phép trước khi lên đường vào chiến trường của Giang. Suốt 7 ngày ở nhà, Giang chăm chỉ phụ mẹ từ việc lợp lại mái nhà, sửa lại cái chái bếp hay đi thăm bà con họ hàng. Ai cũng mừng cho ông bà khi đó đứa con chăm chỉ. Thế mà chỉ một tháng đi chiến đấu chiến sĩ Lê Bá Giang đã hy sinh thân mình để bảo vệ vùng biển của tổ quốc.

Dù biết con đã đi xa, nỗi đau đã nguôi ngoai trong lòng nhưng mỗi lần xuân về, bà Nhị lại bồi hồi nhớ lại chuyến tàu tết năm đó. Cái không khí hào hùng khí thế của đoàn quân ra trận trong đó có con trai bà khiến cho bà luôn tự hào vì có được người con như vậy.

Mong một lần ra Trường Sa

Kỷ vật còn lại của liệt sĩ Giang là một chiếc ba lô và vài ba bộ quần áo giản dị. Bây giờ, những kỷ vật đó không còn. Ông Nghị chia sẻ: “Ngày đó, nghèo đói lắm đến quần áo cũng không có mà mặc. Đồ áo của thằng Giang gửi về, ban đầu gia đình cũng đưa cất làm kỷ niệm nhưng về sau thấy em và các cháu của Giang phải chịu lạnh nên chúng tôi đã đưa bộ quần áo đó ra cho cháu mặc nên bây giờ không còn nữa”.

Trở về thời bình, nỗi đau mất con qua đi, các em của anh Giang cũng lần lượt lớn lên và yên bề gia thất. Ôm di ảnh con trai vào lòng, bà Nhị nén giọt nước mắt đang chực trào: “Giang đó các cháu, ngày hy sinh nó còn trẻ lắm. Thấm thoát cũng 25 năm rồi còn gì, suốt những năm tháng qua gia đình tôi luôn mong tìm ra hài cốt của con nhưng không được”.

Ông Nghị chia sẻ thêm: “Chúng tôi cũng muốn đi tìm hài cốt của con lắm nhưng việc đó là vô vọng vì nó hy sinh ngoài biển đảo rộng lớn. Dẫu biết rằng hy sinh vì tổ quốc là vinh dự nhưng khi chết đi xương cốt cũng không được đưa về quê hương để được gần bố mẹ và người thân thì thương cho con lắm”.

Năm 2010, nhân lễ khánh thành đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Trường Sa, một số cơ quan đơn vị đã có lời mời gia đình vào thăm nhưng phải lo thêm chi phí. Dù rất muốn đi nhưng hai vợ chồng đã già, sống chủ yếu dựa vào mấy đồng lương hưu ít ỏi nên vợ chồng ông Nghị đành ở lại. Thế nhưng trong thâm tâm ông bà vẫn muốn một lần được ra Trường Sa để được gần nơi con yên nghỉ.

Nhẹ nhàng lau di ảnh của con trai, bà Nhị nói trong nước mắt: “Nếu thằng Giang không mất thì có lẽ bây giờ nó đã có một gia đình hạnh phúc rồi. Biết là rất khó nhưng tôi vẫn mơ ước sẽ tìm ra hài cốt của con để đưa về quê nhà trước khi nhắm mắt”.

Ông Nghị thì bảo rằng: “Nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ ra thăm nơi con tôi đã đổ máu để được gần con thêm một chút”.

Vân Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha mẹ chỉ mong một lần đến Gạc Ma để được gần con!