Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) vừa phối hợp cùng các đối tác công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới thực hiện nghiên cứu trên quy mô toàn vùng.

Cát ở ĐBSCL - Bài 1: Trước mối nguy cạn kiệt

Văn Kim Khanh | 14/10/2023, 06:26

Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) vừa phối hợp cùng các đối tác công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới thực hiện nghiên cứu trên quy mô toàn vùng.

Ông Hà Huy Anh, người quản lý quốc gia dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL của WWF Việt Nam cho biết: “Đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới được thực hiện trên quy mô toàn ĐBSCL và được khởi động từ tháng 3.2022, gồm các hoạt động khảo sát thực địa, thu thập các dữ liệu trên hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu để ước tính trữ lượng cát hiện có ở ĐBSCL với tầm nhìn 2030-2040”.

khai-thac-cat-song-hau-hh.jpg
Khai thác cát trên sông Hậu - Ảnh: H.H

Theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ khai thác cát hiện tại ở ĐBSCL dao động từ 35 - 55 triệu mét khối/năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035. Cũng theo ông Hà Huy Anh, sau gần 20 tháng đo đạc, khảo sát, phân tích trên chiều dài hơn 550km, thì với sự bồi lắng, tích tụ lâu dài, ĐBSCL còn trên dưới 500 triệu mét khối cát.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc khai thác và bù đắp cát cho đồng bằng hiện nay chênh lệch cực lớn. Số lượng bị khai thác từ 35 - 55 triệu mét khối, trong khi lượng cát từ thượng nguồn về chỉ từ 2 - 4 triệu mét khối/năm. Ngoài ra, lượng cát không được tích tụ ở đồng bằng mà trôi ra Biển Đông được ghi nhận lên tới 0,6 triệu mét khối/năm.

cat-5.jpg
Nhiều công trình giao thông ở ĐBSCL đang đói cát - Ảnh: Mỹ Tho

Từ đó, WWF Việt Nam cho rằng số liệu công bố dựa trên trữ lượng thăm dò tại các khu vực mỏ cát có tiềm năng khai thác. Con số 367 - 550 triệu mét khối là toàn bộ cát còn lại dưới các đáy dòng sông chính ở ĐBSCL.

Trữ lượng cát còn lại ở đáy các dòng sông được công bố không đồng nghĩa với việc đoạn sông nào cũng có cát. Theo số liệu khảo sát tại Tân Châu, có đến 90% bề ngang đáy sông có cát. Nhưng giữa sông Hậu tại TP.Cần Thơ chỉ có khoảng 50% bề ngang đáy sông có cát. Có những vị trí lớp cát chỉ phủ đáy 20 - 30cm. WWF khuyến cáo không phải toàn bộ trữ lượng cát ở ĐBSCL có thể khai thác được, nó nằm trong giới hạn cho phép trong tổng số cát của vùng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện trữ lượng cát ở đáy sông đo đạc được tại vùng ĐBSCL là lượng cát đã được tích lũy từ hàng ngàn năm qua, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng.

Điều đáng quan ngại là qua khảo sát mới đây của cơ quan chức năng, lượng cát đổ về vùng ĐBSCL từ thượng nguồn đã giảm xuống còn 2 - 4 triệu mét khối/năm, do phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện ở thượng nguồn. Như vậy, với tốc độ khai thác cát như hiện nay tại vùng ĐBSCL (35 - 55 triệu mét khối/năm) thì trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL được dự báo sẽ cạn kiệt trong khoảng 10 năm tới, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của đồng bằng.

dinh-tuyen-3.jpg
Một thời gian dài cát được khai thác quá mức - Ảnh: L.Đ.T

Qua các dữ liệu trên có thể thấy bình quân mỗi năm lượng cát sông Mê Kông bổ sung cho ĐBSCL chỉ bằng 1/15 lượng cát bị khai thác khỏi lòng sông. Cán cân bồi đắp và khai thác cát ở ĐBSCL mất cân bằng và thâm hụt bình quân lên đến hơn 42 triệu mét khối cát/năm. Điều này cho thấy gần như không có giải pháp nào có thể bù đắp được lượng cát thâm hụt này.

Qua khảo sát, WWF Việt Nam cho rằng việc khai thác cát sông quá mức được xem là một trong những tác nhân chính gây ra sự thâm hụt trầm tích, dẫn đến gia tăng xói mòn lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển, khuếch đại thủy triều và gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô.

Theo kết quả gần nhất là đến cuối năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có đến 596 vị trí sạt lở bờ sông (với tổng chiều dài 582,7km) và 48 vị trí sạt lở bờ biển (tổng chiều dài 221,7km), trong đó có 99 điểm được phân loại đặc biệt nguy hiểm.

ts.-sepehr-eslami-truong-nhom-tu-van-lien-doanh-deltares-ha-lan-phat-bieu-tai-hoi-nghi.-anh-hoa-hoi..jpg
TS Sepehr Eslami, Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares - Ảnh: H.H

TS Sepehr Eslami, Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares cho rằng: “Lượng cát của ĐBSCL chỉ tồn tại tối đa khoảng chục năm nữa, nếu duy trì tốc độ khai thác như hiện nay”. Dự báo trên được TS Sepehr Eslami công bố tại hội thảo về xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL chiều 29.9, do Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đồng tổ chức.

Bài liên quan
Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cát ở ĐBSCL - Bài 1: Trước mối nguy cạn kiệt