Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị cảnh sát Israel chính thức cáo buộc nhận hối lộ trong 2 vụ hình sự và lực lượng này nói có bằng chứng rõ ràng.

Cảnh sát Israel cáo buộc Thủ tướng Netanyahu nhận hối lộ

Trần Trí | 14/02/2018, 18:43

Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị cảnh sát Israel chính thức cáo buộc nhận hối lộ trong 2 vụ hình sự và lực lượng này nói có bằng chứng rõ ràng.

Vụ thứ nhất có tên “Vụ 1000”, cáo buộc ông Netanyahu và gia đình ông nhận số quà là xì-gà, rượu sâm banh, đồ kim hoàn và quần áo cao cấp có tổng trị giá hơn 1 triệu shekel (tiền Israel, tương đương 280.000USD).

Luật sư của ông Netanyahu không chối ông đã nhận số quà trên, nhưng nói đó là quà của bạn bè tặng ông.

Nhận quà của bạn vẫn là vi phạm luật pháp

Luật Israel qui định rõ công chức trong nhiệm kỳ chỉ được nhận quà của người thân, không được nhận quà của ai khác.

Khuya 13.2, cảnh sát Israel đề nghị truy tố ông Netanyahu về các tội nhận hối lộ, gian lận, gây mất tín nhiệm vai trò Thủ tướng. Họ nói có đủ bằng chứng những người tặng quà-như ôngArnon Milchan và doanh nhân Úc James Packer- đã được Thủ tướng Israel ban cho nhiều ưu ái, tức là hối lộ.

Cảnh sát cũng đề nghị truy tố ông Milchan, một công dân Israel và là nhà sản xuất phim ở kinh thành điện ảnh Mỹ. Ông này được cho là đã tặng số quà trị giá 208.300USD. Đổi lại là ông Netanyahu giúp ông Milchan lấy được visa Mỹ và được Israel miễn thuế.

Doanh nhân Packer cũng tặng số quà trị giá 70.822USD. Cảnh sát Israel và Úc xác nhận ông Packer chỉ là nhân chứng, không phải nghi can.

Vụ thứ hai có tên “Vụ 2000”, ông Netanyahu bị cảnh sát đề xuất truy tố các tội danh nhận hối lộ, gian lận và gây mất tín nhiệm vai trò Thủ tướng.

Vụ này liên quan việc ông Netanyahu bị ghi âm lời hứa hẹn lợi lãi tài chính cho nhà xuất bản báo Yediot Ahronot (hiện là tờ báo lớn thứ nhì ở Israel) đổi lại là báo này viết bài tích cực cho vị Thủ tướng.

Cụ thể ông Netanyahu hứa bảo đảm dùng các biện pháp để gây thiệt hại cho báo Yisrael Hayom (của tỉ phú sòng bạc Mỹ Sheldon Adelson) vốn là đối thủ của báo Yediot Ahronot và thân ông Netanyahu. Ông Arnon “Noni” Mozes, chủ báo Yediot Ahronot, cũng bị đề xuất truy tố vì tội đưa hối lộ.

Cảnh sát Israel cũng đang điều tra 2 vụ khác, mà ông Netanyahu chưa bị thẩm vấn.

“Vụ 2000” liên quan những khoản lại quả, từ việc Israel quyết định đặt mua vài tàu ngầm của xí nghiệp đóng tàu ThyssenKrupp (Đức), cùng quyết định cho xí nghiệp này không phải tranh thầu mà vẫn được quyền sản xuất tàu chiến tên lửa cho hải quân Israel.

“Vụ 4000” liên quan những cáo buộc sai phạm của ông Shaul Elovitch, chủ tịch-cổ đông chính của Bezeq (công ty viễn thông nhà ước lớn nhất Israel).

Một công chức cấp cao của Bộ Truyền thông Israel đã bị thẩm vấn, bị tạm giam một thời gian vì vụ này. Công chức này do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Truyền thông Netanyahu chỉ định, đã không khai báo mối quan hệ thân cận với ông Elovitchcho đến khi bị báo chí công bố.

Không thể chứng minh “cánh tả và cảnh sát âm mưu lật đổ”

Vài phút sau khi cảnh sát công bố kết luận điều tra, ông Netanyahu lên truyền hìnhnhắc lại quá trình là lính biệt kích và khẳng định ông chưa hề lợi dụng chính trị để tư lợi.

Ông Netanyahu phủ nhận các cáo buộc là “không có cơ sở”, khẳng định ông không làm gì sai phạm, vàhứa sẽ hoàn tất nhiệm kỳ.Vị Thủ tướng còn phàn nàn từ lúc nhậm chức, ngày nào ông và vợ con cũng bị công kích.

Ông Netanyahu đã bị cảnh sát thẩm vấn nhiều lần kể từ đầu năm 2017.

Tuần trước, cuộc điều tra đã gây tranh cãi, khi chỉ huy cảnh sát Israel, Thanh tra trưởng Roni Alsheich nói bóng gió Thủ tướng Netanyahu đã cử thám tử tư tìm thông tin về các nhân viên điều tra ông.

Khuya 13.2, Bộ trưởng Du lịch Yariv Levin nói bóng gió cảnh sát toan lật đổ Thủ tướng Netanyahu. Vấn đề là Thanh tra trưởng Alsheich do chính ông Netanyahu chọn giao nhiệm vụ vì cùng lý tưởng, nên rất khó để vị Thủ tướng gọi ông Alsheich là một “kẻ thù khuynh tả”.

Sinh mệnh chính trị của ông Netanyahu bị đe dọa

Các đề xuất của cảnh sát Israel không có tính bắt buộc, và Tổng chưởng lý Avihai Mendelblit sẽ phải quyết định truy tố ông Netanyahu hay không. Có lẽ phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mới có kết luận của vị này.

Nhưng việc cảnh sát đề nghị truy tố Thủ tướng Netanyahu là một thách thức lớn nhất cho sinh mệnh chính trị của vị thủ lĩnh đảngcánh hữu Likud.

Năm nay 68 tuổi, ông Netanyahu sẽ trở thành người cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Israel (12 năm qua 4 nhiệm kỳ) nếu không có sự cố gì cho đến hết năm 2018. Ông sẽ phải “đấu hai mặt trận”, thứ nhất là nếu dư luận ủng hộ thì ông sẽ có thể duy trì liên minh cầm quyền, còn nếu dư luận chống ông thì ông sẽ gặp khó khăn hơn.

Thứ hai là ông Netanyahu phải thuyết phục được Tổng chưởng lý Mendelblit không truy tố ông. Nếu ông bị truy tố thì ông sẽ phải từ chức.

Cựu Thủ tướng Ehud Barak là đối thủ chính trị của ông Netanyahu, kêu gọi đối thủ tự đình chỉ vai trò lãnh đạo và để liên minh cầm quyền chọn người thay thế.

10 năm trước, ông Netanyahu là thủ lĩnh đối lập, cũng đã đòi Thủ tướng Israel lúc đó, ông Ehud Olmert phải từ chức trong cuộc điều tra của cảnh sát về nghi án tham nhũng.

Ông Olmert từng là Thủ tướng từ năm 2006 đến 2009, đã bị tuyên án 27 tháng tù vì những tội danh tham nhũng, nhưng ông chỉ thụ án 19 tháng tù rồi được trả tự do.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh sát Israel cáo buộc Thủ tướng Netanyahu nhận hối lộ