Ấn Độ và Trung Quốc vào thời điểm này đều do các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc điều hành. Giữa bối cảnh nền kinh tế hai nước chịu áp lực lớn, đụng độ giữa hai nước lại bùng lên sau hơn 2 tháng căng thẳng âm ỉ.

Căng thẳng Ấn-Trung: Ai bồ câu, ai diều hâu, và vai trò của Mỹ

03/09/2020, 09:38

Ấn Độ và Trung Quốc vào thời điểm này đều do các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc điều hành. Giữa bối cảnh nền kinh tế hai nước chịu áp lực lớn, đụng độ giữa hai nước lại bùng lên sau hơn 2 tháng căng thẳng âm ỉ.

Một người lính Ấn Độ - Ảnh: Internet

Đầu tuần này, Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ xâm phạm trái phép lãnh thổ Trung Quốc trên dãy Himalaya. Phát biểu hôm thứ ba 1.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: "Phía Ấn Độ đã phá hoại nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, vi phạm các thỏa thuận song phương và sự đồng thuận quan trọng, đồng thời phá hoại hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới. Điều này đi ngược lại những nỗ lực gần đây của cả hai bên để tháo gỡ các căng thẳng trên thực địa".

Về phần mình, New Delhi đã cáo buộc chính Bắc Kinh là kẻ gây hấn. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 1.9 cho biết chính Trung Quốc đã châm ngòi vụ việc mới nhất "ngay trong lúc chỉ huy tại chỗ của hai bên đang thảo luận để giảm leo thang". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết: “Do có hành động phòng thủ kịp thời, phía Ấn Độ đã có thể ngăn chặn những nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng”.

Lời qua tiếng lại, đổ lỗi cho nhau là câu chuyện tiêu biểu của đường biên giới dài gần 3.400km đang tranh chấp nóng bỏng giữa 2 nước đông dân nhất thế giới. Đây là nơi có rất ít đồng thuận về các sự kiện được cho là đã thỏa thuận và ai cũng cho rằng mình có lý.

Quá trình theo đuổi tháo gỡ kể từ cuộc đụng độ đẫm máu vào tháng 6 không có gì đột biến do những tranh chấp nổi cộm và áp lực địa chính trị của cả hai bên. Nhưng ngay cả khi xung đột là một viễn cảnh xa vời, vẫn có lý do để lo ngại rằng quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất ở châu Á đang trở nên xấu hơn nữa.

Vùng đất nhiều tranh chấp

Ranh giới Kiểm soát thực tế (LAC) là đường biên giới được xác định lỏng lẻo, được hình thành từ cuộc chiến biên giới Trung - Ấn năm 1962. Trước đó, khu vực này đã đầy rẫy những bất đồng lãnh thổ từ lịch sử lâu đời.

Trong thế kỷ 19, dãy Himalaya là tâm điểm của sự cạnh tranh quân sự và chính trị giữa ba đế quốc Nga, Anh và Trung Quốc. Cả ba đều tuyên bố chủ quyền ở các khu vực khác nhau trong khu vực. Việc thực dân Anh rời khỏi Ấn Độ chỉ kéo theo sự ngộ nhận và thù địch hơn nữa, đặc biệt là sau khi Pakistan tách khỏi Ấn Độ vào năm 1947.

Trên các bản đồ thế giới (trừ của 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan), tất cả các nước đều hiển thị những vùng lãnh thổ là tranh chấp của ba quốc gia một màu trung tính. Đây là khu vực hỗn độn với các yêu sách chồng chéo, với rất ít sự đồng thuận.

Sự cố biên giới mới nhất xảy ra gần hồ Pangong Tso, một hồ nước có vị trí chiến lược trải dài từ bang Ladakh của Ấn Độ đến khu Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát. Hồ nằm ở phía nam của thung lũng Galwan, nơi diễn ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 6 vừa rồi.

Antoine Levesques, chuyên gia nghiên cứu về Nam Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nói rằng bản thân hồ không có giá trị quân sự tức thời nào đối với cả hai bên. Thế nhưng, điều này đã không ngăn được hai bên gia tăng các cuộc tuần tra và phát triển trong khu vực trên.

Cuối tháng trước, Levesques nhận định "các nhà ngoại giao đã hạn chế thảo luận công khai và cụ thể về tình hình ở hồ Pangong Tso. Nhưng hồ vẫn là một địa điểm mà các vòng đàm phán liên tiếp của quân đội hai bên không thể nhất trí với nhau”.

Hồ có rất ít giá trị quân sự tức thời nhưng đối với Trung Quốc, nó có những lợi ích chiến lược mà Trung Quốc nhất định phải kiểm soát. Happymon Jacob, Phó giáo sư tại Trung tâm Chính trị, Tổ chức và Giải trừ quân bị quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru của Delhi, hồi đầu năm nay đã nhận xét: "Trung Quốc đã đầu tư hơn 60 tỉ USD (trên hành lang kinh tế) với Pakistan" chạy qua khu vực tranh chấp, đây là "yếu tố quan trọng" trong kế hoạch phát triển và thương mại Vành đai và Con đường của ông Tập".

Trung Quốc không muốn có mạo hiểm nào đe dọa với chiến lược Vành đai và Con đường, quyết sách trụ cột của ông Tập Cận Bình trong việc xây dựng “Giấc mơ Trung Hoa”. Hơn nữa, dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh nghiêng theo đường lối dân tộc đã trở nên cứng hơn rất nhiều trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ không chỉ ở dãy Himalaya mà còn ở Biển Đông, biển Hoa Đông, đồng thời có quan điểm cứng rắn hơn đối với Đài Loan và Hồng Kông.

Vì cả thể diện, vì cả lợi ích lâu dài, Trung Quốc rất nhạy cảm với an ninh tại khu vực Pangong Tso.

Ấn Độ không nhún nhường

Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng là người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hơn các chính quyền trước. Chính quyền Modi đã có thay đổi rõ rệt trong quan điểm đối với không chỉ đối thủ truyền thống Pakistan mà còn cả Trung Quốc. Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã thu hồi quyền tự trị hạn chế vốn được cấp cho Kashmir và chia bang này thành hai lãnh thổ liên hiệp, Ladakh và Jammu - Kashmir.

Động thái này đã khiến nhiều người ở Bắc Kinh hoảng hốt, đặc biệt là sau khi có những bình luận của một số chính trị gia hàng đầu của Ấn Độ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Amit Shah trong cuộc mít tinh của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, đã phát biểu rằng "bất kỳ sự xâm nhập nào vào biên giới của Ấn Độ sẽ bị trừng phạt".

Những động thái này khiến Trung Quốc bất an và dẫn đến cuộc xung đột hồi tháng 6, đưa quan hệ giữa hai cường quốc lên mức xấu chưa từng có. Trong khi Trung Quốc hầu như có thể kiểm soát phản ứng của công chúng thông qua việc hạ thấp vấn đề trên truyền thông vốn được nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, thì phản ứng ở Ấn Độ là phẫn nộ lan rộng. Nhiều nhà bình luận đã kêu gọi New Delhi đấu tranh với Bắc Kinh.

Phát biểu vào tháng 7, Tanvi Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings, cho biết cuộc xung đột "làm khó quan điểm trong chính phủ khi công chúng vốn đã khó chịu với Trung Quốc do dịch COVID-19 (khởi phát từ Trung Quốc nhưng Ấn Độ lại là nước ở châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất)".

Căng thẳng cũng thúc đẩy một cuộc xoay trục đang diễn ra ở New Delhi, ngả về hướng Washington. Thái độ thân Mỹ của Ấn Độ càng khiến Bắc Kinh căng mình cảnh giác hơn nữa vì Trung Quốc luôn trong tâm thế sợ bị Mỹ o ép trong khu vực. Từ đó, họ càng sợ Mỹ thông qua Ấn Độ để làm khó cho Vành đai và con đường.

Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson bình luận: "Mối quan hệ Mỹ - Trung được cho là căng thẳng như một mối quan hệ chiến tranh lạnh. Ngược lại, mối quan hệ Mỹ - Ấn đang trên đà phát triển. Nhìn vào cuộc khủng hoảng Ladakh, các động thái của Bắc Kinh có thể được coi là một nỗ lực nhằm đưa ra một thông điệp cứng rắn cho cả Washington và New Delhi: Nếu hai người cùng nhau chống lại chúng tôi, thì chúng tôi sẵn sàng chơi lại".

Anh Tú (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng Ấn-Trung: Ai bồ câu, ai diều hâu, và vai trò của Mỹ