Dịch COVID-19 đang hoành hành ở các tỉnh, TP vùng ĐBSCL và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại Cà Mau, trong những ngày qua, địa phương này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mỗi ngày – một con số đáng phải nhìn lại về ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân đối với công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo bản tin dịch COVID-19 do Bộ Y tế công bố ngày 19.12, tỉnh Cà Mau ghi nhận 1.345 ca mắc mới, chỉ đứng sau TP.Hà Nội với 1.405 ca. Dân số Cà Mau không nhiều, chỉ khoảng 1,2 triệu người nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, số ca nhiễm COVID-19 ở Cà Mau tăng “chóng mặt”, có ngày ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm trong cộng đồng. Đây là con số đáng quan ngại.
Với con số nhiễm bệnh tăng vọt như vậy, Cà Mau đã chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trong đó, chính sự chủ quan, lơ là của người dân là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh. Chủ quan vì đã tiêm đủ vắc xin, chủ quan vì người dân được tự do đi lại khi địa phương đã có nhiều biện pháp nới lỏng để linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, sự chủ quan của các địa phương khi phát hiện F0 nhưng chậm truy vết F1, khâu quản lý F1 còn buông lỏng…, đó là một vài yếu tố quan trọng khiến cho dịch bệnh ở Cà Mau tăng mạnh những ngày qua và cần phải chấn chỉnh ngay.
Lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch đang phải căng mình thực hiện công tác xét nghiệm sàng lọc, vận động, tuyên truyền người dân nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Đội ngũ y bác sĩ đã vắt kiệt sức, thậm chí hy sinh để chiến đấu, chống lại COVID-19, một trận chiến sống còn để bảo vệ con người trước độc lực nguy hại của virus COVID-19. Nó đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới.
Thế mà, ý thức của nhiều người còn quá kém trong phòng chống dịch bệnh. Thỉnh thoảng tôi còn bắt gặp nhiều người có ý buông xuôi với tâm lý rất chủ quan nếu không nói là bị lụy “trời kêu ai nấy dạ hoặc sống chết đều có số”. Họ không còn sợ “bóng ma” COVID-19 như thời gian đầu khi dịch mới bùng phát nữa. Cùng với đó, với tâm lý chủ quan đã tiêm đủ vắc xin dù có bị nhiễm bệnh cũng bị nhẹ, chứ không bị tử vong nên họ càng bộc lộ rõ sự lơ là trong phòng chống dịch và quên đi quy tắc 5K vốn rất quan trọng đã được ngành y tế khuyến cáo từ ban đầu.
Một lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau đánh giá rằng, COVID-19 rất nguy hiểm và vai trò của vắc xin rất quan trong trong việc ứng phó, đẩy lùi bệnh dịch. Tuy nhiên, người này cũng nhấn mạnh, dù đã tiêm đủ vắc xin nhưng mọi người vẫn phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, nếu đã tiêm vắc xin mà không tuân thủ 5K thì cũng mắc bệnh và tử vong vì COVID-19.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp đã tiêm từ 1–2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 cũng mắc bệnh và tử vong. Tuy rằng, đây chỉ là tỷ lệ thiểu số nhưng nó đã nói lên một điều đó là, ngoài việc đã tiêm đủ vắc xin thì mọi người nên nêu cao ý thức và tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế sẽ ngăn chặn được mầm bệnh lây lan. Thực hiện đúng khuyến cáo 5K sẽ không thừa, bởi cơ quan y tế đã nghiên cứu rất kỹ đặc tính lây lan của COVID-19. Chỉ cần chúng ta có ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng sẽ hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở Cà Mau hiện nay, một điều quan trọng mà chính quyền địa phương – nhất là ở tuyến cơ sở cần quan tâm đó là, thắt chặt công tác quản lý, theo dõi, điều trị, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0. Quản lý chặt chẽ, có kiểm soát đối với các trường hợp là F1. Bởi công tác này hiện nay, có thể do nhân lực mỏng, chưa có cơ chế chính sách rõ ràng nên việc quản lý, giám sát ở một số tuyến cơ sở có phần lỏng lẻo, thờ ơ. Điều này rất quan ngại và cần phải thắt chặt ngay, để tránh vỡ trận, mất kiểm soát.
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã gần kề, người dân tuyệt đối phải nêu cao ý thức, tinh thần tự giác, trách nhiệm của mình trong phòng chống dịch bệnh. Tuyệt đối tuân thủ quy tắc 5K, trong đó chú trọng giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên. Hơn lúc nào hết, hiện nay là lúc nêu cao ý thức tự giác của mỗi người – đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta "tổng tấn công" để chiến thắng cơn đại dịch.