Để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn, cần phải xây dựng các chính sách đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị đo lường kiểm định các sản phẩm của chip bán dẫn theo đúng chuẩn.
Việt Nam có nhiều tiến bộ về đổi mới sáng tạo
Ngày 9.10, Bộ KH-CN tổ chức Họp báo thường kỳ quý 3.2023. Theo đó, trong quý 3.2023, Bộ KH-CN hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 văn bản (2 Nghị định; 1 Nghị quyết và 1 Chỉ thị).
Bộ KH-CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 8 dự thảo văn bản, trong đó có Nghị định quy định về khu công nghệ cao; Quyết định phê duyệt giải pháp tổng thể về KH-CN và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động đến năm 2030...
Bộ KH-CN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam. Theo Báo cáo GII 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 27.9.2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.
Cũng theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Nhiều cơ hội trong phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn
Liên quan đến cơ hội để Việt Nam sản xuất, phát triển chip bán dẫn, theo ông Nguyễn Phú Hùng - Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH-CN), Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới. Tuy nhiên thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn. Sản xuất chip bán dẫn đòi hỏi công nghệ rất cao, Bộ KH-CN xác định việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để đào tạo nhân lực công nghiệp chế tạo chip bán dẫn.
Theo ông Nguyễn Phú Hùng, trong 3 khâu thiết kế, chế tạo và đóng gói cho chip bán dẫn, Việt Nam cần tập trung vào thiết kế nên đòi hỏi cần có nguồn nhân lực trình độ cao.
Ông Hùng cũng cho biết thời gian tới sẽ phải có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, như Viettel, VNPT, FPT... và doanh nghiệp ngoài nước đầu tư vào các phòng thí nghiệm tại Việt Nam, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm trong các viện hoặc trường đại học có lĩnh vực này.
Bộ KH-CN khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài chung tay, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ. Ngoài ra, để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn, ông Hùng cho rằng cần phải xây dựng các chính sách đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị đo lường kiểm định các sản phẩm của chip bán dẫn theo đúng chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.
Tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về KH-CN và đổi mới sáng tạo
Liên quan việc bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý, theo bà Phạm Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH-CN), thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-CN đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội xây dựng đề án chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH-CN về UBND TP.Hà Nội.
Bà Vân Anh cho biết đến nay, các công đoạn trong quy trình chuyển giao vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch và trong thời hạn được giao.
Ngoài ra, theo báo cáo từ Bộ KH-CN, trong quý 4.2023, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH-CN và đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai các hiệp định, thoả thuận hợp tác song phương về KH-CN với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt chú trọng các nước là đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với Việt Nam...
Trong quý 4.2023, Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban KH-CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Hội nghị giao ban KH-CN vùng Đông Nam Bộ; Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới; Techmart Việt Nam 2023; Techfest Quốc gia...