Trong cuộc họp báo chiều 22.7, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ cho biết: Sắp tới Cần Thơ sẽ rà soát toàn bộ các quy hoạch khu công nghiệp trên địa bàn TP.

Cần Thơ sẽ đề nghị Chính phủ xóa bỏ quy hoạch những khu công nghiệp 'có vấn đề'

Văn Kim Khanh | 23/07/2022, 07:51

Trong cuộc họp báo chiều 22.7, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ cho biết: Sắp tới Cần Thơ sẽ rà soát toàn bộ các quy hoạch khu công nghiệp trên địa bàn TP.

ong-dt-hien.jpg
Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo ông Hiển, những khu công nghiệp (KCN) đã được duyệt mà chậm triển khai, KCN gần trung tâm TP, giá đền bù giải tỏa tăng cao, kém hiệu quả... sẽ được Cần Thơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xóa bỏ quy hoạch. Những khu đất này sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng khác”.

Giải thích về những chuyển đổi có tính bước ngoặt này, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Dương Tấn Hiển cho rằng: “Do nhu cầu đô thị hóa nhanh của Cần Thơ, có nhiều KCN trước đây xa đô thị nhưng hiện nay nó lại nằm ở ngoại ô TP. Giá đền bù, giải tỏa tăng lên rất cao. Tiêu biểu là KCN Thốt Nốt, trước đây nằm ở xa trung tâm huyện Thốt Nốt nhưng hiện nay nó thuộc ngoại ô TP. Muốn mở rộng KCN thì phải đền bù, giải tỏa với giá đất tăng lên rất cao, giá này khi cho thuê đất công nghiệp nhà đầu tư khó chấp nhận. Ví dụ như ở Hậu Giang, giá đề bù giải tỏa thấp, chí phí đầu tư xây dựng KCN thấp, nên giá cho thuê đất KCN ở Hậu Giang vào khoảng 60 - 80 USD/m2/50 năm. Trong khi đó, ở Cần Thơ, giá đền bù chi phí cao nên những dự án KCN vùng ven Cần Thơ hiện nay đội giá lên 2 - 3 triệu đồng chi phí đầu tư mỗi mét vuông đất KCN, vì vậy, giá cho thuê đất các KCN vùng ven của Cần Thơ có thể đội lên hơn 100 USD/m2/50 năm.

khu-cong-nghiep-hp-2.jpg
Khu công nghiệp Hưng Phú 2 - Ảnh: Văn Kim Khanh

Từ thực tế trên, hướng quy hoạch phát triển KCN ở Cần Thơ trong thời gian tới sẽ hướng về những huyện xa TP hơn như Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Những địa phương này hiện nay giá đất nông nghiệp còn rất thấp. Thuận lợi để mở mang những KCN trong tương lai của TP Cần Thơ. Trong tương quan phát triển vùng ĐBSCL, mỗi tỉnh đều phát huy những ưu thế của mình để thu hút đầu tư từ phát triển giao thông, phát triển hạ tầng, cạnh tranh giá cho thuê đất công nghiệp... buộc Cần Thơ phải tính toán lại hướng phát triển kinh tế, đô thị và công nghiệp.

khu-cn-hung-phu.jpg
Nhiều nơi trong khu quy hoạch Khu công nghiệp Hưng Phú 2 còn như thế này - Ảnh: Văn Kim Khanh

Về vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải tỏa và tái định cư cho dân, ông Dương Tấn Hiển cũng cho biết: “Sắp tới, Cần Thơ cần số lượng nền tái định cư rất lớn, khoảng 15.000 nền để tái định cư người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đường cao tốc, khu chế biến nông sản xuất khẩu toàn vùng và xây dựng các KCN. Trong thời gian tới Cần Thơ sẽ đẩy mạnh đầu tư công để xây dựng 5 khu đô thị tái định cư và mở rộng diện tích 11 khu tái định cư hiện hữu.

Những khu đô thị tái định cư sắp tới sẽ là những khu dân cư có đầy đủ hạ tầng xã hội như công viên, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... Người dân có thể chọn lựa sự đền bù, giải tỏa bằng nhiều hình thức, như bằng tiền, nhận nền tái định cư bằng cách hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất có hạ tầng... Những phương án này tạo điều kiện để người dân thoải mái khi bị đền bù giải tỏa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Thơ sẽ đề nghị Chính phủ xóa bỏ quy hoạch những khu công nghiệp 'có vấn đề'