Ngày 2.1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin, các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã phối hợp phẫu thuật nội soi thành công 2 bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp lẫn nhồi máu cơ tim cấp.
Vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 26.12.2023, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận nữ bệnh nhân nữ H.T.H. (59 tuổi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) được tuyến trước chuyển đến với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, viêm ruột thừa cấp.
Bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não điều trị ổn định. Cách nhập viện 3 ngày bệnh nhân đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, đau ngực trái từng cơn, tình trạng đau ngực trái ngày càng tăng nên nhập viện tại một cơ sở y tế ở TP.Cần Thơ để điều trị .
Tại đây, các bác sĩ kiểm tra phát hiện tình trạng nhồi máu cơ tim cấp và được xử lý cấp cứu, 10 giờ sau phát hiện bệnh nhân kèm viêm ruột thừa cấp có chỉ định phẫu thuật, vượt quá khả năng chuyên môn nên chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.
Ngay khi nhập viện và hội chẩn, nhiều chuyên khoa với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp nhồi máu cơ tim cấp (nhồi máu cơ tim không ST chênh lên đã dùng thuốc chống đông).
Cả hai đều là bệnh lý cấp cứu, tuy nhiên do nhồi máu cơ tim hiện ổn định nguy cơ thấp nên việc can thiệp sẽ thực hiện trong vòng 24 giờ. Lúc này, ê kíp quyết định phẫu thuật cấp cứu ruột thừa trước. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao về tim mạch và nguy cơ chảy máu. Phẫu thuật nội soi thấy khối áp xe kích thước 5x5cm ở hố chậu phải, tách ổ áp xe nhiều mủ trắng đục, ruột thừa sau manh tràng hoại tử vỡ ở thân. Bác sĩ cắt ruột thừa gửi giải phẫu bệnh. Do vị trí ruột thừa sau manh tràng nên thời gian phẫu thuật kéo dài 2 giờ.
Hiện tại, tổng trạng bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, giảm các triệu chứng đau ngực, đang được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Tim mạch can thiệp.
Trước đó, ngày 21.12.2023 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng tiếp nhận một trường hợp là bà L.T.N. (73 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) được tuyến trước chuyển đến do vượt khả năng chuyên môn với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp – nhồi máu cơ tim cấp.
Bệnh nhân được thực hiện các bước khám cận lâm sàng cần thiết, hội chẩn với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, nhồi máu cơ tim cấp (nhồi máu cơ tim không ST chênh lên nguy cơ thấp - huyết động ổn định).
Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi cấp cứu thành công cắt ruột thừa bị viêm, mưng mủ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại khoa Tim mạch can thiệp, tình trạng bệnh nhân ổn định đã được xuất viện ngày 27.12.2023.
BS CKII Thái Đắc Vinh – Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, viêm ruột thừa cấp là tình trạng cấp cứu thường gặp nhất trong bệnh lý ngoại khoa ổ bụng, cần được phát hiện và điều trị sớm nhằm tránh biến chứng nguy hiểm.
“Dấu hiệu điển hình phải kể đến là đau vùng hố chậu phải cùng các triệu chứng biến đổi đa dạng tùy vào từng người bệnh. Trong hầu hết mọi trường hợp, phẫu thuật cắt ruột thừa là giải pháp tối ưu nhất để tránh vỡ hoặc hoại tử cơ quan.
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng một hay nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu. Nhồi máu cơ tim dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng và nếu không cấp cứu để khôi phục lưu lượng máu nhanh chóng, có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn và tử vong”, BS Vinh nói.
Cũng theo BS Thái Đắc Vinh, việc phẫu thuật ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, suy tim nặng cần được tiến hành hết sức thận trọng trên cơ sở khám, đánh giá toàn diện người bệnh; kết hợp nhiều chuyên khoa như: gây mê hồi sức, nội tim mạch, tim mạch can thiệp trước, trong và sau phẫu thuật để ổn định nhanh nhất tình trạng tim mạch. Ngoài ra, bác sĩ cần kiểm soát tốt lượng dịch truyền trong mổ vì dễ có nguy cơ gây phù phổi cấp.