Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và đầu tư công, chuyên gia quản lý cao cấp thuộc Tổ chức Oxfam đề xuất Chính phủ và UBND các cấp cần công bố các tài liệu ngân sách và dự án đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách. Đặc biệt, Nhà nước có thể mở rộng không gian cho sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách và đầu tư công.

Cần luật hoá việc công bố thông tin về nợ công

tuyetnhung | 18/10/2017, 21:53

Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và đầu tư công, chuyên gia quản lý cao cấp thuộc Tổ chức Oxfam đề xuất Chính phủ và UBND các cấp cần công bố các tài liệu ngân sách và dự án đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách. Đặc biệt, Nhà nước có thể mở rộng không gian cho sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách và đầu tư công.

Tại Hội thảo Quản lý nợ công:thực trạng và các khuyến nghị chính sách do Oxfam tổ chức ngày 18.10, TS Vũ Sỹ Cường cho biết nợ công Việt Nam năm 2016 ước khoảng 64,7% GDP, sát với ngưỡng trần 65% GDP mà Quốc hội đặt ra.

Hiện nay, tỷ lệ nợ công Việt Nam trên GDP cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực. Đơn cử như Indonesia với tỷ lệ nợ công trên GDP khoảng 24,4%, Thái Lan là 45,9%, Philippines ở mức 50,2% và Lào khoảng 46,3%.

"Mức tăng trung bình của nợ công Việt Nam trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Riêng nợ nước ngoài năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001. Nợ công Việt Nam cao hơn tất cả mức trung bình các nước thu nhập trung bình, Asean, Mỹ La tinh, châu Phi", ông Cường cho hay.

Về mức độ an toàn của nợ công, ông Cường cho rằng hiện chưa có chỉ tiêu nào để đánh giá mức độ rủi ro của nợ công, hay tại sao trần nợ công là 65% GDP. Song, ông tỏ ra lo ngại khi Việt Nam vay nợ nhiều vào lúc dân số còn trẻ, và sẽ phải trả khi về già, điều này đang ngược thế giới.

Trong khi trên thế giới, nước nợ công cao là nước giàu, dân số già, thì Việt Nam ngược lại, dẫn tới đã nghèo lại phải trả nợ cao. Cùng đó, trả nợ trên thu ngân sách luôn tăng, trong khi đáng ra phải ngược lại. Do ngân sách cân đối trả nợ không đủ, nên phải thực hiện kỹ thuật đảo nợ, vay nợ mới trả nợ cũ.

Đáng chú ý, ông Cường cũng lưu ý về bội chi ngân sách 2-3 năm gần đây lớn hơn chi đầu tư phát triển, tức đã đi vay để chi thường xuyên, tình trạng này được cho là tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Theo đó, ông Cường kiến nghị khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công, phải bổ sung các điều khoản đề phòng rủi ro từ nợ công tiềm ẩn. Mặt khác, tránh tình trạng 2 đơn vị đi vay, 1 đơn vị phải trả, dẫn tới không ai chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh cũng quan ngại rằng nhu cầu chi ngân sách rất cao, nhưng kỷ luật ngân sách còn lỏng lẻo, tình trạng chi lãng phí, kém hiệu quả rất phổ biến hiện nay. Chi thường xuyên lên đến 70-71% tổng chi ngân sách, chi trả nợ lên đến 24,5% chi ngân sách và hầu như toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào đi vay.

Số vay mới chỉ đủ để trả lãi và một phần nợ gốc nên nợ công tiếp tục tăng nhanh và chưa thấy điểm dừng. Doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ cũng là một gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc chỉnh đốn chi ngân sách là hết sức cần thiết và cấp bách để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

Các chuyên gia quản lý cao cấp thuộc Tổ chức Oxfam cũng khuyến nghị bên cạnh việc tăng cường quản lý nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và nợ bảo lãnh, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế để quản lý tốt hơn nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ từ hệ thống tín dụng.

Trước hết, cần xem xét và áp dụng một số thông lệ quốc tế định nghĩa và thống kê nợ công. TheoNgân hàng thế giới, nợ công không chỉ là nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ do Chính phủ bảo lãnh mà còn là nợ ở Ngân hàng Trung ương, các tổ chức công lập, các doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các khoản cam kết chi trả như lương hưu, bảo hiểm. Vì vậy, cần xây dựng các cơ chế quản lý nợ của doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tín dụng bên cạnh các cơ chế quản lý nợ thông thường.

Phải tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. Theo đó, nợ công phải được báo cáo rất chi tiết theo từng chủ nợ, công cụ nợ,kỳ hạn và lãi suất với tần suất báo cáo hàng tháng. Đồng thời đưa những quy định cụ thể về chế độ báo cáo và công bố thông tin vào Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Cùng với đó phảinâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và đầu tư công. Trước hết, Chính phủ và UBND các cấp cần công bố các tài liệu ngân sách và dự án đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách. Nhà nước có thể mở rộng không gian cho sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách và đầu tư công.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần luật hoá việc công bố thông tin về nợ công