Nghị quyết số 42 sắp hết hiệu lực, nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau đại dịch.

Cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực

Lam Thanh | 19/02/2022, 14:14

Nghị quyết số 42 sắp hết hiệu lực, nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau đại dịch.

Nhiều vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42

Tại hội thảo “Cần Luật hóa Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” do Báo Lao Động phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 19.2, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng – cho rằng hiệu quả của của Nghị quyết 42 đã tác động đến nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Đặc biệt, nó đã phá tan "cục máu đông" nợ xấu trong nền kinh tế, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Tác dụng rất thiết thực trong bối cảnh tốc độ phát triển của nền kinh tế trong COVID-19.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn và vướng mắc. Việc thu giữ hạn chế, gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các hợp đồng bảo đảm cũ chưa có nội dung đáp ứng điều kiện tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42.

nguyen-quoc-hung.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng

Theo đó Hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận việc bên bảo đảm đồng ý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ). Do đó, phần lớn không triển khai được việc thu giữ; chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý đối với từng loại TSBĐ (động sản và bất động sản), các tài sản đặc thù, những trường hợp đặc biệt.

Một vướng mắc khác là việc áp dụng thủ tục rút gọn. Ông Hùng chỉ ra rằng trên thực tiễn, hầu như chưa có TCTD nào áp dụng thành công thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp theo Nghị quyết 42.

Nguyên nhân chính là Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 chỉ áp dụng đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD mà chưa quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các TCTD với khách hàng vay. Do đó, chưa tạo được cơ sở pháp lý cho Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn rộng rãi khi TCTD khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra còn có vướng mắc trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ tiền bán/phát mại TSBĐ; khó khăn về nhận lại TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự; vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu…

Phải hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu

Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC - cho rằng, Nghị quyết số 42 đã sắp hết hiệu lực, thời hạn thực hiện chỉ còn 6 tháng (đến 15.8.2022). Nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau hậu quả của đại dịch COVID-19.

“Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này”, Luật sư Đức cho hay.

truong-thanh-duc.jpg
Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

Theo ông Đức, Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5 - 10 năm nữa, cho đến khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý TSBĐ nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Trong đó có việc rút gọn thủ tục theo đúng quy định tại phần thứ tư về “Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 03 ngày 15.5.2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân”.

Bình luận về việc bảo đảm quyền của chủ sở hữu tài sản, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay, xử lý nợ xấu gồm 2 loại chính là nợ xấu không có và nợ xấu có TSBĐ.

Đối với nợ xấu không có TSBĐ, là khoản nợ rất khó thu hồi trên thực tế vì phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tài chính của chính “con nợ” chứ không phải do vướng mắc, khó khăn của pháp luật. Vì vậy không cần thiết phải đặt ra vấn đề hỗ trợ xử lý bằng quy định pháp luật đặc thù, mà vẫn được xử lý theo quy định chung như đối với mọi khoản nợ, trong đó có việc đòi nợ theo trình tự yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

“Đối với nợ xấu có TSBĐ, nhất là nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy có khả năng thu hồi, nhưng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế, nên rất cần cơ chế pháp lý hỗ trợ để xử lý, trong đó tập trung vào việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ”, ông Đức nói.

Cũng theo luật sư này, xét về bản chất, việc chủ sở hữu tài sản thực hiện giao dịch thế chấp là đã tự nguyện thỏa thuận và chấp nhận hậu quả pháp lý ảnh hưởng hạn chế, bất lợi đến quyền sở hữu tài sản và chỗ ở của mình, mà mức độ cao nhất là chấp nhận không còn quyền sở hữu tài sản và không còn chỗ ở. Còn xét về hậu quả pháp lý của việc bảo đảm, nhất là trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, thì có thể coi quyền bảo đảm tương tự như quyền định đoạt tài sản.

“Tóm lại, có thể coi quyền bảo đảm bằng tài sản là một dạng quyền định đoạt tài sản có điều kiện. Và điều kiện trong trường hợp này là khi phải xử lý TSBĐ để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Nghĩa là, chủ sở hữu tài sản chấp nhận, nếu xuất hiện sự vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận bảo đảm thì tài sản sẽ được định đoạt”, Luật sư Đức bình luận.

Còn về các điều kiện thu giữ tài sản thế chấp, theo luật sư, trong việc xử lý tài sản bảo đảm thì vấn đề vướng mắc chủ yếu là xử lý tài sản thế chấp, nhất là tài sản của người thứ ba. Còn đối với xử lý tài sản cầm cố thì gần như không có khó khăn gì, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm ký quỹ và đặt cọc thì càng đơn giản, dễ dàng.

“Để bảo đảm một cách công bằng, hợp lý, hài hòa quyền và lợi ích của cả hai bên, tránh việc tổ chức tín dụng lợi dụng, lạm quyền gây thiệt hại cho người có tài sản thế chấp, thì cần xem xét quy định thêm điều kiện về thời hạn thông báo và xử lý tài sản bảo đảm theo hướng khuyến khích chủ sở hữu tài sản tự bán tài sản. Chẳng hạn như đối với tài sản bảo đảm là động sản thì thời hạn tối thiểu là 1 tháng đối với bất động sản thì thời hạn tối thiểu là 6 tháng”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực