Nhà nước cần đánh thuế bậc thang đối với người sở hữu nhiều nhà, nhất là đánh thuế thật cao với trường hợp chuyển nhượng ngay sau khi mua. Tuy nhiên, không nên đánh thuế với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng.

Cần đánh thuế bậc thang người có nhiều nhà

Phan Diệu | 11/08/2017, 17:52

Nhà nước cần đánh thuế bậc thang đối với người sở hữu nhiều nhà, nhất là đánh thuế thật cao với trường hợp chuyển nhượng ngay sau khi mua. Tuy nhiên, không nên đánh thuế với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc đánh thuế tài sản đối với nhà, đất để nhằm tạo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, dài hạn, bền vững. Đánh thuế đối với người có nhiều nhà đất (từ nhà thứ 2 trở đi) cũng giúp phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở.

Ngoài ra, trong trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt "bong bóng", cần xem xét đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua (có thể tính trong năm đầu tiên) để phòng chống đầu cơ, giúp ổn định thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, việc ban hành Luật Thuế tài sản chỉ thực sự hợp lý khi sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất bởi Luật Đất đai đang rất bất cập. Tiền sử dụng đất không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí nhưng thực sự là một khoản thu lớn trong ngân sách của địa phương, là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà.

“Tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với nhà chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với nhà biệt thự. Do vậy, nếu ban hành Luật Thuế tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, về lâu dài, HoREA đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10-15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn, để tạo ra nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.

“Hiệp hội đề xuất khi áp dụng Luật Thuế tài sản thì không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn. Trước mắt, không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng. Không thu thuế này đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TP.HCM là dưới mức bình quân 10m2/người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2.

Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản. Trong trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt bong bóng, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành thuế suất chống đầu cơ, đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua (có thể tính thời gian trong năm đầu tiên) để giúp ổn định nhanh thị trường bất động sản”, Chủ tịch HoREA kiến nghị.

Về lộ trình ban hành Luật Thuế tài sản, ông Châu đề nghị Bộ Tài chính ban hành Luật này trước năm 2020 như đã dự kiến trước đây. Đồng thời, ban hành sắc thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thay thế chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất hiện nay, để đảm bảo tính đồng bộ và sự thống nhất của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các bất động sản nhà, đất. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nhà, đất quốc gia để biết rõ người đang sở hữu nhà ở, đất ở.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo chuyên đề về chính sách thuế đối với bất động sản, nhằm mục đích xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó, đối tượng chịu thuế là tài sản nhà, đất, nhất là đối tượng sở hữu từ căn nhà thứ hai trở đi.

Theo Bộ Tài chính, tại Việt Nam, hiện nay chỉ có Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1.1.2012, quy định các loại đất phi nông nghiệp trong đó có đất ở tại đô thị là đối tượng chịu thuế.

Giá đất tính thuế được tính theo bảng giá đất của thành phố chỉ bằng khoảng 30 - 40% giá đất thực tế trên thị trường nên mức thuế phải nộp rất thấp, nguồn thu ngân sách cũng rất thấp, chỉ chiếm 0,03% GDP và 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần đánh thuế bậc thang người có nhiều nhà