Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long hiện tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường (càng mua nhiều càng rẻ).

Cần đảm bảo công bằng giữa các bậc thang giá điện

07/05/2019, 18:58

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long hiện tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường (càng mua nhiều càng rẻ).

Biểu giá điện bậc thang ngày càng thể hiện bất cập - Ảnh: EVN

Điều chỉnh giá lũy tiến trong biểu giá điện bậc thang

Biểu giá điện bậc thang 6 bậc lũy tiến hiện nay đang được xem là nguyên nhân khiến tiền điện của các hộ gia đình tăng. Nếu so sánh giá cũ của 6 bậc với giá mới, tỷ lệ tăng sẽ xoay quanh 8,3%, tức là tương đương mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 8,36%. Tuy nhiên, nếu so sánh mức tăng lũy tiến của từng bậc sẽ thấy, các con số tăng phi mã theo từng bậc.

GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhận định chính sách biểu giá điện bậc thang là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, biểu giá điện ở Việt Nam lại không được thiết kế theo quy luật nào. Cụ thể, ngoài 2 bậc hỗ trợ cho người sử dụng điện ở mức thấp với mức chênh lệch là 47 đồng/kWh thì mức chênh lệch ở các bậc 3, 4, 5 đang ở mức khá lớn.

Bảng so sánh giá bán lẻ điện sinh hoạt trước và sau khi điều chỉnh

Giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 tới hơn 500 đồng/KWh trong khi bậc 6 là bậc cao nhất lại có mức chênh lệch khá nhẹ so với bậc liền kề bên dưới. Điều này chưa hợp lý, không đi theo thông lệ chung.

Theo đó, vị chuyên gia này đề xuất nên xem xét lại biểu giá điện theo hướng giữ nguyên các bậc thang nhưng điều chỉnh giá lũy tiến hợp lý hơn để bảo đảm công bằng giữa các bậc cũng như tuân thủ các nguyên tắc.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng bất cập trong biểu giá điện bậc thang hiện nay chính là khoảng cách về lượng tiêu thụ và chênh lệch giá giữa các bậc. Vì khi tiêu dùng điện tăng, khách hàng phải trả những bậc giá rất cao.

Trước đó trao đổi với Zing, ông Thỏa đã lấy ví dụ một hộ dùng 300 kWh/tháng. Theo mức giá cũ thì gia đình này phải trả khoảng 577.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu hộ này dùng thêm 50 kWh, cộng hưởng thêm giá tăng 8,36%, thì phải trả 767.000 đồng. Như vậy tiền điện đã tăng 33%. Giá trung bình khi dùng 300 kWh là 1.924 đồng, trong khi dùng 350 kWh, giá trung bình đã lên 2.192 đồng. Giá trung bình đã tăng thêm 14% khi chỉ dùng thêm 50 kWh.

Như vậy, theo ông nếu một hộ tiêu thụ điện sử dụng dưới 200 số thì khi dùng vượt lên 300 kWh, hóa đơn tiền điện sẽ tăng thêm 25%. Còn nếu lên mốc trên 400 kWh thì tiền điện phải trả tăng thêm 40%. Trường hợp cao nhất là nếu đang sử dụng ở mức 50 kWh mà tăng lên hơn 600 kWh thì sẽ có mức tăng tới 75%.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận thấy biểu giá 6 bậc theo lối bậc thang lũy tiến là "sự bất cập". Ông Long cho rằng thực tế, điều này đã làm cho việc thanh toán tiền điện với khách hàng trở nên phức tạp. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường (càng mua nhiều càng rẻ).

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy trong số 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tỷ lệ dùng điện dưới 100 kWh (bậc 1 và 2) chiếm 35,8%; hộ dùng 101-300 kWh (bậc 3 và 4) chiếm cao nhất với khoảng 40%. Hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên 400 kWh chỉ 7%.

Như vậy, nhóm khách hàng sử dụng điện ở mức độ trung bình (khoảng 300 kWh) là nhóm chịu mức chênh lệch giá lớn nhất trong bậc thang giá điện hiện hành.

"Quy định không phù hợp là vấn đề chính sách của Chính phủ"

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN lên tiếng cho biết việc càng sử dụng nhiều điện càng phải trả giá cao thể hiện chính sách kinh tế của Chính phủ, nhằm hướng người dân đến việc sử dụng điện hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên (than, khí,…) và phù hợp với bối cảnh đất nước đang đối diện tình trạng thiếu điện.

Đồng thời, việc duy trì biểu giá điện với bậc thang đầu tiên có mức giá thấp là nhằm bảo vệ, hỗ trợ những người có thu nhập thấp, giúp họ có thể tiếp cận điện năng và sử dụng điện.

Cách đây hơn một năm, Bộ Công thương đã đưa ra 4-5 phương án lấy ý kiến, rồi kết luận giữ nguyên như hiện tại để bảo đảm chính sách khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và để người nghèo được hưởng giá thấp.

Tới đây, theo ông Tri, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh xuất hiện thì sẽ chỉ còn một giá, không ai bù cho ai nữa. Khi đó sẽ không còn giá bậc thang. Theo lộ trình, đến năm 2021 bắt đầu thử nghiệm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và đến năm 2023 hoàn toàn là thị trường bán lẻ cạnh tranh. Lúc đấy Chính phủ không phải can thiệp về giá, mà hoàn toàn do cung cầu quyết định.

"Khi đó giá sẽ lên, không có xuống. Vì thế, Chính phủ yêu cầu lộ trình phải từng bước, đầu tiên là thị trường phát điện cạnh tranh, sau đến thị trường bán buôn cạnh tranh, cuối cùng mới đến thị trường bán lẻ cạnh tranh. Nếu nói quy định này không còn phù hợp thì là vấn đề chính sách của Chính phủ đối với năng lượng", ông Tri nói

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Cảnh báo thủ đoạn mới giả mạo ứng dụng CSKH EVNSPC để lừa đảo khách hàng
Hiện nay, trên mạng internet đã xuất hiện thủ đoạn mới, tinh vi giả mạo nền tảng tải app của Google Play nhằm lừa khách hàng tải ứng dụng mạo danh app CSKH EVNSPC để lừa đảo khách hàng sử điện tại khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.​

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần đảm bảo công bằng giữa các bậc thang giá điện