GS-TS Vũ Minh Khương cho rằng động lực tăng trưởng xanh, Cách mạng 4.0 là chủ đạo của tiến trình phát triển thế giới, nhưng phải chú ý đến hai rủi ro lớn là "thiên nga đen" và "con voi đen".
Nhịp đập khoa học

Cần chú ý rủi ro 'thiên nga đen' và 'con voi đen' trong tăng trưởng xanh

Hoài Lam 30/11/2023 17:00

GS-TS Vũ Minh Khương cho rằng động lực tăng trưởng xanh, Cách mạng 4.0 là chủ đạo của tiến trình phát triển thế giới, nhưng phải chú ý đến hai rủi ro lớn là "thiên nga đen" và "con voi đen".

Chuyển đổi xanh để “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023, GS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore cho biết hệ số an ninh năng lượng của Việt Nam suy giảm từ 93% năm 2015 giảm xuống còn 56% năm 2020, ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng; lượng phát thải CO2 cũng tiếp tục tăng.

Trước tình hình trên, ông Khương cảnh báo: “Nếu không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm. Nếu không có những động lực đột phá Việt Nam sẽ không thể giữ mãi được tăng trưởng cao".

Nêu ví dụ về thay đổi năng lực và cạnh tranh xuất khẩu dệt may, ông Khương cho biết Việt Nam hiện bị Bangladesh cạnh tranh trực tiếp về lượng và kim ngạch xuất khẩu dệt may.

“Yếu tố chính tác động là chi phí sản xuất và chứng chỉ xanh. Nước nhập khẩu sẽ truy xuất nguồn gốc xuất xứ, có chứng chỉ xanh họ mới mua. Đó là những vấn đề thực tế, đòi hỏi các ngành, nghề của Việt Nam phải thay đổi chính mình”, ông Khương nêu.

khuong(1).jpeg
GS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore - Ảnh: Lam Thanh

Ông Arnaud Ginolin - Tổng giám đốc BCG Việt Nam cho biết các cam kết về mục tiêu phát triển bền vững vẫn đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình toàn cầu.

Theo ông Arnaud Ginolin, hiện tại, nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi xanh.

Chẳng hạn, Mỹ tạo ra 100.000 việc làm xanh từ tháng 8.2022 đến tháng 1.2023, Hàn Quốc huy động được 92 tỉ USD làm quỹ chính phủ quốc gia để thực hiện trung hòa carbon trong 5 năm (2023 – 2028); Trung Quốc tăng 50% tổng công suất điện mặt trời lắp đặt năm 2023 so với năm 2022…

Theo đại diện BCG Việt Nam, các quốc gia xanh hàng đầu đều xây dựng khung chính sách rõ ràng, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế xanh.

Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát quy định về các khoản trợ cấp, khoản vay cho tất cả các ngành kinh tế xanh; kế hoạch Good Neighbor ban hành để hạn chế lượng khí thải Nox; Singapore đã xây dựng một số ưu đãi dành riêng cho DN phát triển bền vững.

Ngoài ra, các chương trình thí điểm xanh được triển khai rộng rãi tại các quốc gia hàng đầu, để thử nghiệm các lĩnh vực xanh và cơ chế khuyến khích liên quan như: thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2; chương trình dự án thí điểm nhiên liệu hydrocarbon tổng hợp; cung cấp tài chính xanh…

xanh-2.jpeg
Ông Arnaud Ginolin - Tổng giám đốc BCG Việt Nam

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cũng chỉ rõ, quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức. Vì thế, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này.

Chú ý rủi ro "thiên nga đen" và "con voi đen"

Theo bà Dorsati Madani - Giám đốc chương trình Tăng trưởng xanh, Ngân hàng Thế giới, bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng phải trả một cái giá nhất định và quá trình chuyển đổi xanh cũng không phải là ngoại lệ.

Theo đó, Việt Nam là một nước đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (ước tính thiệt hại khoảng 5 tỉ USD), như: ô nhiễm môi trường, vấn đề ngập mặn, nước biển dâng, triều cường ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp càng sớm càng tốt về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như giảm bớt phát thải khí carbon.

anh-man-hinh-2023-11-30-luc-16.26.14.png
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn

Bà Dorsati Madani khuyến nghị, để phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần tăng cường năng lực tự chống chịu, như: tăng cường tính tự cường, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh; đào tạo lao động, xây dựng những hoạt động xanh, sạch hơn; loại bỏ một số ngành năng lượng gây hại cho môi trường…

Ngoài ra, cần tạo ra động lực khuyến khích cho các DN, người dân, như: giảm thuế để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xanh; trợ cấp hoàn thuế khi các DN đầu tư vào các công nghiệp xanh...

Còn ông Andrew Goledzinnowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam khuyến cáo Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm của Úc để đưa dòng tiền vào đúng việc chuyển đổi năng lượng xanh. Ở Úc, trong quá trình chuyển đổi xanh đã thảo luận rất nhiều trong dư luận, nhằm nâng cao lòng tin của người dân.

Theo Đại sứ Úc, nhìn chung, các quốc gia rất quan tâm đến Việt Nam về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và có một cơ hội chưa từng có trong chuyển đổi xanh.

“Trước đây, thông qua Ngân hàng ANZ, Úc đã hỗ trợ 90 triệu USD cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh va tuyên bố rằng, sẽ còn hỗ trợ nhiều nữa cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam và thu hút kinh tế tư nhân sang chuyển đổi xanh.”, ông Andrew Goledzinnowski cho hay.

xanh-4.jpeg
Các chuyên gia thảo luận về tăng trưởng xanh

GS Vũ Minh Khương cho rằng động lực tăng trưởng xanh, Cách mạng 4.0 là chủ đạo của tiến trình phát triển thế giới, tuy nhiên, phải chú ý đến hai rủi ro chiến lược đó là "thiên nga đen" và "con voi đen"

“"Thiên nga đen" là những biến cố lớn của địa chính trị thế giới, chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh. “Con voi đen là những rủi ro nội tại, hiện hữu như tham nhũng, tín dụng, ngân hàng… Những vấn đề toàn cầu và thách thức nội tại này nếu bùng lên sẽ khiến đất nước nào cũng rơi vào biến động”, ông Khương nói và nhấn mạnh cần triệt tiêu được những vấn đề này.

Ông Arnaud Ginolin cũng khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế tại Việt Nam.

Ngoài ra, cần ra mắt cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh; nhanh chóng triển khai đợt đầu tiên với các ưu đãi liên ngành, được phê duyệt ở cấp bộ và mở rộng quy mô với những đợt ưu đãi cụ thể theo ngành; có cơ chế ưu đãi dành riêng cho các dự án thí điểm xanh trong các lĩnh vực trọng tâm, tạo môi trường hấp dẫn cho DN kiểm thử, học hỏi và mở rộng quy mô đầu tư.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tài chính xanh thông qua hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường carbon, tài chính hỗn hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần chú ý rủi ro 'thiên nga đen' và 'con voi đen' trong tăng trưởng xanh