Một số lượng lớn thịt thối không rõ nguồn gốc đã và đang trôi dạt trên biển, tấp vào vùng biển Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) trong những ngày gần đây tạo nên mùi thối và ảnh hưởng đến việc đánh bắt, mua bán, tham quan du lịch.
UBND xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho hay trong sáng 6.1, lực lượng dân quân địa phương của xã tiếp tục vớt được một số bao ni lông chứa thịt thối trôi nổi tấp vào bờ vùng biển xã này.
Trong những ngày qua, lực lượng dân quân cùng bà con ngư dân vùng biển này liên tục gặp và phải tìm vớt rất nhiều bao ni lông hoặc thùng xốp đựng thịt thối trôi dạt vào vùng biển Chân Mây - Lăng Cô.
Lực lượng chức trách địa phương chôn lấp thịt thối tấp vào vùng biển Bình An (xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chiều 6.1
Vùng biển Chân Mây nhiều ngày qua phải “chịu trận” mùi thối của sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc
Người dân chôn lấp thịt thối trên vùng biển Bãi Bàng, thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, đoạn giáp biển Lăng Cô
Những hố chôn lấp không đảm bảo vệ sinh môi trường
Việc chôn lấp vật ôi thối diễn ra ngay trên bãi biển
Một bao sản phẩm động vật ôi thối còn nằm trên biển Bình An chiều 6.1
Sản phẩm động vật vương vãi chưa được chôn lấp ở biển Bãi Bàng, thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh
Lãnh đạo xã Lộc Vĩnh cho hay tình trạng các bao ni lông, thùng xốp chứa thịt thối tấp vào bờ biển xuất hiện lần đầu vào ngày 1.1.2018 dọc theo các thôn Bình An 1, Bình An 2, PhúHải. Hiện chưa có đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường, nhưng số lượng lớn thịt thối này đã gây nên mùi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt, đánh bắt cá, hoạt động du lịch bờ biển
Một vị lãnh đạo xã cho biết thêm bước đầu nhân định số thịt thối chứa trong các bao ni lông có thể là thịt lợn, một số bao khi kiểm tra bên trong có các thớ thịt có đóng dấu kiểm dịch…
Trong khi đó nhiều ngư dân nhận định đó là thịt bò vận chuyển trên biển, nhưng không hiểu lý do gì bị bỏ trôi, sau đó sóng đưa vào bờ. Trước tình trạng này, lãnh đạo xã Lộc Vĩnh đã báo báo cho lãnh đạo huyện Phú Lộc, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức trách địa phương như xã đội, công an, dân quân kiểm tra, cùng với lực lượng biên phòng và người dân thu lượm để mang các vật phẩm ô nhiễm môi trường này chôn trên những vùng cát gần biển.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của PV việc chôn lấp số lượng lớn sản phẩm động vật chưa rõ nguồn gốc được các lực lượng và người dân thực hiện khá sơ sài, kiểu bạ đâu chôn đó sau khi phát hiện và không hề có hướng dẫn chuyên môn về tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất hay vôi bột.
Nhật Lam thực hiện