PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khá bài bản. Tuy nhiên, vấn đề ông quan tâm nhất là mất bao lâu để những chính sách này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

Cần bao lâu để chính sách trợ giúp dân đi vào cuộc sống?

20/04/2020, 15:13

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khá bài bản. Tuy nhiên, vấn đề ông quan tâm nhất là mất bao lâu để những chính sách này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Ảnh: L.T

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các chính sách Chính phủ đưa ra trong thời gian gần đây để cứu trợ nền kinh tế?

- PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Về mặt chủ trương, Chính phủ đã thiết kế rất nhiều gói hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện có 3 trụ cột chính.

Về tiền tệ, có gói 285.000 tỉ đồng hỗ trợ các khoản tín dụng cho doanh nghiệp. Gói thứ 2 về tài khóa là giảm, gia hạn nghĩa vụ với ngân sách của doanh nghiệp như các khoản thuế và bảo hiểm xã hội. Thứ 3 là gói đầu tư công, chính phủ đã đốc thúc các địa phương giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án đã phê duyệt, đồng thời chuyển một số dự án BOT sang sử dụng vốn nhà nước. Chính phủ kỳ vọng các dự án này sẽ là đòn bẩy kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, kéo tổng cầu lên sau khi đại dịch qua đi. Đặc biệt, còn có gói 62.000 tỉ đồng để trợ giúp người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Như vậy, có thể thấy các chính sách này khá bài bản, tuy nhiên, vấn đề tôi quan tâm nhất là tính thực tiễn: mất bao lâu để những chính sách này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

- Dường như hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỉ, còn gói an sinh xã hội 62.000 tỉ thì cũng chưa triển khai giải ngân được?

- Thông tin từ thực tiễn thì nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận gói 285.000 tỉ này. Thực tế các ngân hàng thương mại trước khi cho vay tiền cũng phải thẩm định kỹ dự án, tính khả thi, hiệu quả… chứ không thể cho vay bừa. Nếu cứ cho vay tràn lan thì xảy ra nợ xấu còn nguy hiểm hơn. Đặc biệt là trách nhiệm pháp lý của nhân viên thẩm định, nhân viên tín dụng thì ai chịu, lúc đó lấy lý do COVID chắc cũng chẳng ai nghe.

Bên cạnh đó, những chính sách giảm, kéo dài thời gian đóng thuế, bảo hiểm cũng chỉ làm giảm nhẹ một chút khó khăn của doanh nghiệp vì suy cho cùng, việc kinh doanh sụt giảm thì có thể số thuế họ phải đóng cũng rất ít, nên việc miễn giảm cũng không đáng kể.

Còn gói 62.000 tỉ thì tôi chưa biết khi nào mới đến tay người nghèo. Truyền thông đưa tin là để nhận được hỗ trợ ở gói này cũng phải kê khai, thực hiện các thủ tục khá phức tạp, mà họ là những người lao động, việc tiếp cận với thủ tục hành chính không thông thạo nên không biết bao giờ họ mới nhận được tiền. Trong khi đối với người lao động phổ thông thì gần như làm ngày nào thì tiêu ngày đó, mà dịch đã kéo dài gần 2 tháng nay rồi.

Do đó, các chính sách hỗ trợ mới dừng ở chủ trương và ý chí của lãnh đạo thôi chứ đi vào cuộc sống thì tôi chưa thấy. Cho đến bây giờ cũng chưa thấy Chính phủ phân loại doanh nghiệp để có các gói hỗ trợ cụ thể và phù hợp, cũng như chưa tuyên bố như phải ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta chưa sàng lọc, phân loại mức độ thiệt hại của doanh nghiệp, dẫn đến chậm trễ việc thực hiện giải cứu này. Thậm chí, những tập đoàn, tổng công ty nhà nước, rồi các doanh nghiệp bất động sản họ cũng đòi hỗ trợ.

Nói một cách ví von rằng nhà đông con, gặp lúc khó khăn đứa nào cũng khóc thì mẹ biết cho ai bú trước? Bầu sữa ngân sách là nguồn lực hữu hạn, việc giải cứu phải dựa trên sự phân loại, doanh nghiệp nào bị đe dọa đến sự tồn vong thì mới được hỗ trợ.

Trong khi có dịch bệnh, mỗi chủ thể kinh tế chắc chắn phải gánh chịu tổn thất nhất định chứ không thể đòi hỏi ngân sách phải hỗ trợ toàn bộ, không sứt mẻ đồng lợi nhuận nào như trước kia. Nhất là, đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, họ có những điều kiện kinh doanh đặc thù, hưởng lợi ích từ chính sách và có tiềm lực tài chính mạnh thì họ nên chia sẻ gánh nặng chống dịch với Chính phủ chứ không nên kêu gọi giải cứu.

- Như vậy ông cho rằng đối tượng cần ưu tiên giải cứu là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ?

- Đúng vậy, họ vốn dễ bị tổn thương bởi tiềm lực tài chính mỏng, khả năng có các nguồn quỹ dự phòng để tồn tại trong trường hợp không có doanh thu rất ít. Trong khi đó, đây là lực lượng kinh doanh linh hoạt, uyển chuyển, sẽ giúp cho nền kinh tế dễ phục hồi khi dịch qua đi. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản quá nhiều thì chúng ta sẽ mất mát rất lớn.

Từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã kêu gọi chủ trương đổi mới sáng tạo, toàn dân khởi nghiệp. Từ lời kêu gọi đó chúng ta có hàng trăm nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. Những doanh nghiệp đó đã vượt qua giai đoạn khởi sự rất rủi ro và khó khăn, Chính phủ cần hỗ trợ, giúp đỡ, để doanh nghiệp thấy rằng sự quan tâm, kêu gọi của Chính phủ là thực chất.

Theo tôi, ưu tiên quan trọng nhất cần hỗ trợ là làm sao để doanh nghiệp họ tồn tại. Đó là việc đảm bảo nguồn lực tài chính tối thiểu để doanh nghiệp trả lương cho người lao động, để họ không từ bỏ doanh nghiệp. Việc mất đi lao động thì sẽ khiến cho hoạt động của doanh nghiệp khi dịch qua đi rất khó khăn.

Giai đoạn tới đây sẽ rất khác

- Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những thiệt hại đáng kể của nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 6,8% dường như khó đạt được. Có ý kiến cho rằng Chính phủ nên hạ mục tiêu tăng trưởng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nếu bây giờ mà hạ thì hạ xuống bao nhiêu? Nhiều tổ chức quốc tế họ còn dự báo là năm 2020 tăng trưởng âm, nếu bây giờ đưa ra báo cáo giảm một vài con số thì cũng đâu có ý nghĩa gì. Hơn nữa, hiện nay cũng khó có cơ sở để dự báo.

Lúc này, không có mô hình nào có thể tính toán được tăng trưởng năm nay sẽ chính xác là bao nhiêu vì tất cả phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, mà điều này thì bất định. Các mô hình dự báo vốn được xây dựng trong điều kiện bình thường, các nguồn dữ liệu đầu vào tương đối rõ ràng, còn hiện nay không có đủ cơ sở dữ liệu đầu vào nên dự báo rất khó.

Mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ cam kết với Quốc hội cũng chính là cam kết với người dân, nếu năm nay mục tiêu tăng trưởng không đạt và thậm chí các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác cũng không đạt thì chẳng người dân nào muốn bị truy cứu trách nhiệm trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Chính phủ đang dồn sức chống dịch, nên nguồn lực cho các mục tiêu kinh tế sẽ bị phân tán và nếu chúng ta chiến thắng được dịch bệnh thì những mục tiêu khác không đạt thì cũng là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng bản chất vấn đề quan trọng hơn những con số có tính chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Các chính sách tài khóa hay tiền tệ lúc này nên được thực hiện theo tư duy thời chiến, như lời Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”, để đảm báo tính nhanh chóng và chính xác, làm sao khi chủ trương đến khi chính sách đi vào cuộc sống là ngắn nhất, tính bằng ngày.

- Theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ thế nào khi dịch qua đi? Chắc hẳn giai đoạn “bình thường” tới đây sẽ không còn giống với giai đoạn “bình thường” như thời điểm trước dịch?

- Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, mở và dễ bị tổn thương, phụ thuộc nhiều vào những quốc gia đối tác và môi trường quốc tế, đặc biệt là trong thương mại và đầu tư. Vì vậy, viễn cảnh kinh tế thời hậu dịch của Việt Nam cũng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phục hồi kinh tế của các quốc gia này và môi trường kinh doanh của thế giới.

Thông thường sau những cuộc khủng hoảng, các công ty đa quốc gia hoạt động ở quy mô toàn cầu sẽ có xu hướng thu hẹp lại, co cụm, thậm chí là tiến hành tái cấu trúc nên dễ xảy ra hiện tượng thoái vốn. Nếu điều này diễn ra thì rõ ràng chúng ta không thể quay trở lại trạng thái như trước khi dịch bệnh diễn ra được nữa.

Nhưng bên cạnh các nguy cơ xảy ra sự đổ vỡ hàng loạt sau khủng hoảng thì đại dịch lần này cũng là một cú sốc tích cực, khi nó đặt chúng ta vào trạng thái buộc phải hoạt động chậm lại và trong một hoàn cảnh khắc nghiệt hơn. Khi đó, các tổ chức và cá nhân sẽ có điều kiện để lắng nghe, nhìn nhận và đánh giá lại các đặc điểm và giá trị truyền thống của tổ chức mình, dám chấp nhận từ bỏ các thói quen và hoạt động không cần thiết để tăng tính hiệu quả và nâng cao giá trị của công ty.

Nếu điều này diễn ra trên bình diện rộng sẽ tạo ra một tác động lan tỏa và cộng hưởng làm thay đổi cấu trúc của cả nền kinh tế, chuyển chúng ta sang một trạng thái bình thường mới, tốt hơn trước đây. Đó là những điều chúng ta nên nghĩ tới lúc này để giữ được tinh thần lạc quan mà chiến thắng dịch bệnh và đẩy mạnh phục hồi kinh tế.

Trí Lâm (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần bao lâu để chính sách trợ giúp dân đi vào cuộc sống?