Campuchia đã có chiến dịch mạnh mẽ để đưa các đài truyền thanh, báo chí cũng như các tổ chức phi chính phủ vào hoạt động trong khuôn khổ của nước này. 15 đài phát thanh đã nhận được lệnh phải đóng cửa.

Campuchia đóng cửa 15 đài phát thanh, không nể nang VOA, RFA

Anh Tú | 26/08/2017, 06:58

Campuchia đã có chiến dịch mạnh mẽ để đưa các đài truyền thanh, báo chí cũng như các tổ chức phi chính phủ vào hoạt động trong khuôn khổ của nước này. 15 đài phát thanh đã nhận được lệnh phải đóng cửa.

Bộ Thông tin Campuchia tuyên bố đã đóng cửa 15 đài phát thanh trên toàn quốc. Đặc biệt, đài Moha Nokor có trụ sở tại Phnompenh – nơi thường phát sóng các chương trình của VOA, RFA và đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia - được nhận lệnh đóng cửa sớm nhất, từ hôm 21.8.

Hôm 23.8, phát ngôn viên của Bộ Thông tin Campuchia Ouk Kimseng khẳng định sẽ có 10 đài phát thanh phải đóng cửa. Sau đó, trang web của Bộ Thông tin Campuchia đưa thông báo yêu cầu 7 chủ truyền thông phải ngừng phát sóng đối với 11 đài phát thanh mà họ sở hữu trên 10 tỉnh.

Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith hôm qua khẳng định rằng việc đóng cửa không liên quan gì đến nội dung chương trình của đài mà chỉ vì các đài đã không làm đúng cam kết với Bộ mà cụ thể là họ đã không báo cáo về thời lượng phát sóng của họ. “Do một số kênh radio đã không xin phép từ Bộ Thông tin nên chúng tôi phải đóng cửa để duy trì luật về truyền thông”, ông Kanharith cho biết.

Ngoài ra, The Cambodia Daily cho hay đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa và tịch thu tài sản nếu không nộp thuế đúng hạn. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Kong Vibol cho biết đã gửi thông báo truy thu thuế cho tờ nhật báo tiếng Anh đầu tiên của Campuchia.

Theo hồ sơ, The Cambodia Daily đã không nộp thuế cho chính phủ từ năm 2007 đến 2016 với số tiền lên đến 25,7 tỉ riel (khoảng 6,3 triệu USD). “Nếu The Cambodia Daily không nộp đủ thuế vào ngày 4.9.2017, Tổng cục Thuế sẽ ban hành văn bản chính thức xác nhận tờ báo bị nợ thuế và sẽ bắt đầu triển khai việc đóng cửa”, ông Kong Vibol cảnh báo. Đây là tờ báo do do phóng viên kỳ cựu của Mỹ Bernard Krisher thành lập vào năm 1993 và hiện do con gái ông điều hành. Có thể thấy Campuchia đang rất cứng rắn với các tổ chức của người Mỹ.

Trước đó, ngày 23.8, Bộ Ngoại giao Campuchia đã cáo buộc Viện Dân chủ Quốc gia của Mỹ hoạt động không đăng ký, không đóng thuế đầy đủ. Vì thế, Campuchia yêu cầu tổ chức này dừng mọi hoạt động cũng như đưa các nhân viên nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Campuchia trong vòng 7 ngày. Trong thập niên 90 và những năm đầu thế kỷ 21, tổ chức phi lợi nhuận Viện Dân chủ Quốc gia do cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright lãnh đạo có ảnh hưởng đặc biệt tại Campuchia. Nhưng lúc này, họ và các tổ chức phi chính phủ khác cũng không còn được ưu ái.

“Các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các biện pháp tương tự đối với bất kỳ hiệp hội hay tổ chức phi chính phủ nước ngoài nào không tuân thủ luật pháp của Campuchia”, thông báo của Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết.

A.T
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Campuchia đóng cửa 15 đài phát thanh, không nể nang VOA, RFA