Lãnh đạo TP.HCM đang tính toán việc có nên cấm các chợ truyền thống để chống dịch COVID-19 lây lan.

Cấm chợ truyền thống ở TP.HCM để chống dịch: Có nên chăng?

Tiểu Vũ | 01/07/2021, 15:07

Lãnh đạo TP.HCM đang tính toán việc có nên cấm các chợ truyền thống để chống dịch COVID-19 lây lan.

Kể từ khi làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, TP.HCM thành một trong 2 ổ dịch lớn nhất nước. Tính từ ngày 27.4 đến trưa 26.6, địa phương này có 2.958 ca nhiễm bệnh (chỉ sau Bắc Giang cao nhất với 5.530 ca). 

Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch trong cộng đồng, trong 30 ngày qua, chính quyền TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn, trong đó 3 lần cho áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại một số điểm nóng ở các quận huyện, và chỉ thị 15 trên toàn thành phố. 

Thế nhưng sau gần một tháng tình hình bệnh dịch tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp. Khi thời gian giãn cách xã hội chỉ còn 5 ngày nữa là kết thúc thì số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng lên. Theo công bố của Bộ Y tế, chỉ trong một ngày (26.6) TP.HCM có đến 563 người dương tính với  SARS-CoV-2. 

Thực trạng trên đặt chính quyền TP.HCM trước khó khăn chưa từng có trong việc đưa ra các quyết sách chống dịch hiệu quả nhưng vẫn duy trì các hoạt động cần thiết để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho thành phố.

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều 25.6, Phó thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị TP.HCM cần siết chặt hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Trong đó, nghiêm cấm triệt để việc buôn bán tại các chợ tự phát; đồng thời siết chặt hơn nữa công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối, các khu công nghiệp - khu chế xuất.

Cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng thà hy sinh một thời gian ngắn 5-7 ngày còn hơn để những chợ truyền thống, đặc biệt là chợ đầu mối hoạt động dẫn đến lây lan dịch bệnh như vừa qua.

Tiếp nhận ý kiến chỉ đạo, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất: “Về hoạt động của chợ truyền thống, chúng ta nên tính toán, nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng. Có thể ngưng luân phiên. Chợ đầu mối phải có phương án cụ thể, có thể yêu cầu các tiểu thương ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn như với các doanh nghiệp”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng đề nghị nếu các chợ truyền thống nào không tuân thủ quy định về an toàn phòng chống dịch COVID-19 thì kiên quyết ngưng hoạt động theo Chỉ thị 10.

cho-ba-chieu-sai-gon.jpg
Chợ Bà Chiểu ở TP.HCM - Ảnh: T.V

Đề xuất cấm các chợ truyền thống ở TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người đồng thuận thì cho rằng đó là biện pháp hiệu quả cần phải thực hiện sớm. Luồng ý kiến khác cho rằng nếu cấm các chợ truyền thống, chợ tự phát hoạt động trong thời điểm này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực hơn trong phòng chống dịch, tác động rất nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Có một thực tế hiển nhiên là dù thời điểm bình thường hay khi đang có dịch bệnh thì ăn uống hằng ngày của người dân ít thay đổi. Do cần lương thực thực phẩm và các đồ dùng cần thiết, không mua ở chợ truyền thống thì cũng đến siêu thị để mua. Nếu chính quyền cấm các khu chợ truyền thống, chợ tự phát, chắc chắn người ta sẽ kéo đến các siêu thị để mua sắm đồ ăn thức uống, khi đó siêu thị sẽ thành nơi không an toàn, thậm chí thành ổ dịch, bởi vì số người đến đông hơn. Nếu trong số khách hàng có người bị nhiễm bệnh nhưng chưa được phát hiện thì sự lây lan bệnh dịch là khó tránh khỏi.

Ngược lại nếu vẫn cho duy trì các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ chồm hổm... sẽ có tác dụng chia nhỏ số lượng người đi chợ tại chính địa bàn dân cư, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ dễ hơn nếu người dân ý thức thực hiện 5K triệt để.

Nếu nhìn lại chuỗi lây nhiễm COVID-19 ở TP.HCM trong thời gian qua thì siêu thị chưa hẳn là nơi an toàn. Việc người đến mua sắm phải đo thân nhiệt, khai báo y tế ở các địa điểm này chỉ để quản lý người ra vô, kiểm soát dịch chứ không hẳn là biện pháp phòng dịch hiệu quả, thậm chí chỉ mang tính hình thức.

Theo phản ảnh của người dân trên báo chí và mạng xã hội, những ngày qua các siêu thị luôn trong tình trạng rất đông người. Người ta đến mua hàng phải chen nhau mới mua được miếng thịt, bó rau. Sau khi mua xong phải đứng xếp hàng chờ rất lâu mới được nhân viên tính tiền. Việc có mặt ở nơi quá đông khiến cho người ta có thể trở thành F1, F2, thậm chí là F0 mà không biết. 

Một phương án được nhiều người ở TP.HCM đề xuất là chính quyền nên tiếp tục cho duy trì các chợ truyền thống, chợ nhỏ nằm trong khu dân cư. Dân phường nào, khu nào thì đi chợ nơi đó vẫn tốt hơn so với việc đến nơi đông người như siêu thị.

“Sẽ không có phương án nào hoàn hảo. Vấn đề là tìm ra phương án tốt nhất, hại ít hơn lợi. Có nên mở lại chợ vỉa hè, có kiểm soát khoảng cách vì đó là không gian rộng. Có thể chưa hoàn hảo nhưng chắc chắn sẽ đỡ hơn nhiều so với không gian khép kín của chợ truyền thống, của siêu thị thường là dạng nhà lồng, nhà kín",  một người ở khu Ông Tạ, quận Tân Bình bày tỏ.

Trước những ý kiến nêu trên, thiết nghĩ chính quyền TP.HCM nên cân nhắc việc có nên cho các khu chợ truyền thống trên toàn thành phố hoạt động luân phiên như đề xuất của ông chủ tịch Nguyễn Thành Phong.

Việc quản lý duy trì chợ truyền thống trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 bằng cách cấp "thẻ đi chợ" cho người dân đã được chính quyền TP.Đà Nẵng áp dụng hiệu quả trong trong các đợt dịch COVID-19 hồi năm 2020 và gần đây vào tháng 4.2021, nên được chính quyền các quận huyện ở TP.HCM tham khảo. 

"Thẻ đi chợ" của người Đà Nẵng do chính quyền, xã, phường, tổ dân phố phát trực tiếp đến các hộ gia đình, các khu nhà trọ trên địa bàn. Thẻ quy định cứ 3 ngày thì đi chợ 1 lần, hoặc luân phiên ngày chẵn ngày lẻ giữa các hộ gia đình.

Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp khó lường, trong lúc đợi các quyết sách mới của chính quyền TP.HCM, trước mắt người dân nên bình tĩnh tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt là thực hiện triệt để quy định 5K để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bài liên quan
Tối 25.6 có thêm 102 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM là 58 ca
Tối 25.6 có thêm 102 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 305 ca, TP.HCM chiếm nhiều nhất với 161 ca. Trong ngày có 190 bệnh nhân khỏi bệnh.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
5 giờ trước Sự kiện
Chiều tối 30.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18 – NQ/TW) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấm chợ truyền thống ở TP.HCM để chống dịch: Có nên chăng?