‘Cam’ không đơn thuần là bộ phim indie kinh dị xoay quanh hình thái dịch vụ sex ‘số hóa’ gây chỉ trích hiện nay. Tác phẩm của đạo diễn Daniel Goldhaber mở ra một góc nhìn mới ghê rợn về kỉ nguyên internet, khi con người ngày càng dễ ‘lạc lối’ giữa thế giới mạng.
Mỗi người đều có quyền ‘tái dựng’ hình tượng nhất định trên internet - khiến bản thân trông thu hút hơn nơi không gian mạng xã hội. Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn cho phép biểu tượng đại diện ảo này xâm chiếm, ảnh hưởng lên đời thực?
Như lời văn sĩ nổi tiếng Kurt Vonnegut: “Bản chất con người phản ánh qua những gì chúng ta vờ trở thành, nên hãy giả vờ một cách thận trọng.” Cốt truyện của ‘Cam,’ mô tả cuộc sống một ‘cam-girl’ (người sử dụng webcam, kết nối phòng chat trực tuyến để hành nghề tán gẫu mua vui, thường bằng hình ảnh gợi dục), minh chứng rõ nét cho câu nói trên.
Nhân vật chính trong phim, cô gái trẻ Alice (Madeline Brewer thủ vai), với cái tên giả ‘Lola’ trên phòng chat, là một cam-girl xinh đẹp, thành công với vô vàn người hâm mộ. Nhờ ‘trò chuyện’ cùng người lạ hằng đêm qua webcam, Alice kiếm được nhiều đến mức đủ sức mua căn hộ riêng, sắm sửa mọi thứ cô thích.
Sao nữ Madeline Brewer của series truyền hình ăn khách ‘Handmaid’s Tale’ ghi dấu trong ‘Cam’ với diễn xuất lôi cuốn, thuyết phục.
Tuy nhiên, Alice không ngừng muốn đứng đầu. Bên cạnh việc tìm thêm danh tiếng hay sự giàu có, cô khao khát sức hút từ thế giới ảo như một cách khẳng định giá trị bản thân. Đắm chìm trong ‘hào quang’ internet, Alice tin rằng, nếu cô không được ‘săn đón,’ quan sát, cuộc sống trở nên vô nghĩa. Và mỗi khoản tiền tip fan hâm mộ dành tặng đều nhắc nhở cô điều này.
Ngày nọ, sau buổi trò chuyện trực tuyến cùng một nhóm người kì lạ, hâm dọa tấn công cô, Alice tỉnh dậy vào buổi sáng, nhận ra thế giới hoàn hảo của cô bắt đầu sụp đổ.
Alice bỗng dưng không thể đăng nhập vào tài khoản trên phòng chat, duy ‘Lola’ vẫn tiếp tục quay hình, chào đón nhóm fan hâm mộ. Cơn ác mộng hiện thân hoàn toàn khi Alice nhận ra, cô không chỉ bị hack tài khoản, cô đã bị ‘thay thế.’
Thay vì xoáy sâu khai thác mô tuýp ‘đe dọa - trả đũa’ khá phổ biến ở dòng phim kinh dị về thế giới ảo, đạo diễn Goldhaber tạo nên một không gian mạng rùng rợn, phức tạp hơn.
Căn phòng làm việc của ‘Lola’ bao trùm ánh sáng đèn neon hồng gây ám ảnh. Một vài phân đoạn phim lột tả hình ảnh Lola trong trang phục gợi cảm, tìm mọi cách làm vui lòng những kẻ ẩn danh trước bàn phím máy tính, đang liên tục quan sát cô qua webcam, tạo cảm nhận nặng nề đến khó quên.
Mọi thứ càng trở nên kì dị, ghê rợn khi ‘Lola’ trực tiếp đối diện 2 gã đàn ông đồi bại - những người tự xưng là ‘fan hâm mộ’ trung thành của cô. Chi tiết ‘nhạy cảm’ trong phim gây ‘lạnh gáy,’ ngột ngạt, hơn là ấn tượng nóng bỏng đơn thuần.
Phản ánh ‘chuyến hành trình’ đen tối nơi thế giới mạng, khi người quyết định vận mệnh những cam-girl như Lola luôn ẩn nấp sau chiếc máy tính cá nhân, khi hình ảnh Alice-thật dần lu mờ sau chuỗi ngày mắc kẹt giữa một thực tại ảo, ‘Cam’ buộc khán giả nhìn nhận nỗi sợ của riêng họ. Như cô gái trẻ Alice, có bao nhiêu người chọn cách ‘hòa lẫn,’ để cuối cùng,
đánh mất bản thân bên trong không gian ảo rộng lớn?