Bên cạnh cơ hội đưa thêm người dân Thái Lan đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, chính quyền Thái Lan lo ngại người kiếm việc làm bị sập bẫy nộp phí tuyển người của bọn lừa đảo việc làm.

Cạm bẫy bủa vây người Thái Lan muốn đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc

Bảo Vĩnh | 24/07/2022, 22:07

Bên cạnh cơ hội đưa thêm người dân Thái Lan đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, chính quyền Thái Lan lo ngại người kiếm việc làm bị sập bẫy nộp phí tuyển người của bọn lừa đảo việc làm.

Báo Bangkok Post ngày 24.7 đưa tin người lao động Thái Lan có thể ồ ạt qua Hàn Quốc, nơi chào đón lao động nước ngoài quay lại mà không phải cách ly phòng dịch COVID-19.

Các hãng đóng tàu Hàn Quốc đang muốn thuê thêm nhiều lao động nước ngoài có tay nghề để đáp ứng sự thiếu hụt nhân công, và chính phủ nước này đã tăng quota đối với lao động di cư lên 20%, với nhân công Thái Lan là một trong nhóm tuyển dụng chính.

Bộ Lao động Thái Lan đã đàm phán về cơ hội mới cho thị trường lao động Thái Lan ở Hàn Quốc, và kêu gọi người quan tâm các việc làm trong lĩnh vực công nghiệp trau dồi kỹ năng và chuẩn bị tham gia các cuộc kiểm tra năng lực gồm ngoại ngữ.

Vấn nạn “bóng ma nhỏ” Thái Lan lao động “chui”

Đây là cơ hội để bọn lừa đảo việc làm hành động, dùng các mạng xã hội để “săn” những người kiếm việc làm không hề có chút nghi ngờ nào.

Bộ Lao động Thái Lan cho biết đang hợp tác với đơn vị Chống buôn người (ATPD) thuộc Cảnh sát hoàng gia Thái Lan, nhằm có thể truy tố bọn lừa đảo việc làm. Thủ đoạn của chúng là lừa người tìm việc làm phải đóng phí tuyển người cho những việc làm không hề có thật.

Thêm vào đó là tình trạng rao việc làm giả đang tăng và nhiều công ty tuyển người làm có nhiều quảng cáo có thể vi phạm luật lao động và bảo vệ người lao động.

Kẻ tuyển người đi làm ở nước ngoài “chui” có thể bị tuyên án từ 3 đến 10 năm tù, và phải nộp phạt từ 60.000 đến 200.000 bath Thái Lan. Các quảng cáo rao tuyển người làm không có giấy phép cũng có thể bị tuyên án tối đa 3 năm tù và nộp phạt tối đa 60.000 bath.

Đã có tổng cộng 101 người bị bắt và bị buộc tội lừa đảo việc làm đối với 136 nạn nhân, và gây tổn thất tài chính ước tính 11,5 tỉ bath.

Tuy nhiên, nhiều người Thái Lan được cho là muốn đi tắt: họ giả làm khách du lịch để đến Hàn Quốc rồi lao động trái phép ở nước này. Những người này thích tránh xa các khu đông dân cư để không bị cảnh sát kiểm tra, dù nhiều lao động trái phép gồm cả người Thái Lan thường sống ở quận Suwon của thủ đô Seoul.

Theo số liệu của Đại sứ quán Hàn Quốc ở Thái Lan, tính đến tháng 12.2021 có tổng cộng 18.221 người Thái Lan lao động hợp pháp ở Hàn Quốc, trong khi số lao động “chui” Thái Lan - được gọi là “bóng ma nhỏ”- được ước tính khoảng 140.000 người.

Mongkol Phairoh, một thành viên của mạng lưới hỗ trợ lao động Thái Lan ở nước ngoài, nói thị trường lao động nước ngoài ở Hàn Quốc đang sôi động khi đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người Thái Lan đăng ký học ngoại ngữ để có việc làm thông qua Hệ thống Cấp Phép Lao động (EPS), những người khác - nhất là người trong độ tuổi 18-24 lại quyết định trở thành “bóng ma nhỏ”, vì họ không muốn ở trong danh sách chờ xét cấp việc làm.

Hiện độ tuổi được phép lao động thông qua EPS là từ 18 đến 39 tuổi. Kỳ thi năng lực ngoại ngữ là một trong những yêu cầu đối với người lao động Thái Lan tìm việc làm tại Hàn Quốc, và dù đã vượt qua kỳ thi nhưng nhiều người phải đợi hai năm mới có được hợp đồng lao động.

Mongkol nói: “Họ sẽ mất 30.000 bath nếu bị từ chối nhập cảnh. Nhưng họ cho rằng đáng để liều nếu được nhập cảnh. Họ đám liều vì thu nhập cao”.

Ông còn nói dựa theo thông tin từ những người Thái Lan lao động ‘chui’ ở các xí nghiệp linh kiện xe hơi và bán thức ăn, các doanh nghiệp trả lương cho họ cao hơn trả cho lao động hợp pháp, dù không rõ nguyên nhân.

Ông Monkol cho biết các tay môi giới việc làm “chui” đòi hưởng công 40.000 bath, nếu như người kiếm việc làm có thể nhập cảnh vào Hàn Quốc, và những người này còn bị đòi ứng trước 10.000 bath.

Ông Monkol khẳng định : “Vài doanh nghiệp nhắm mắt làm ngơ với người lao động nước ngoài “chui” vì họ cần nhân công”.

Tuy nhiên, với việc đã có hệ thống đăng ký Giấy phép Du lịch Điện tử Hàn Quốc (K-ETA) các “bóng ma nhỏ” sẽ đối mặt với sự khó được phép nhập cảnh vào nước này, theo ông Monkol.

Du khách đến Hàn Quốc phải tuân thủ các qui định di trú

Hàn Quốc là điểm đến nghỉ dưỡng ưa thích của nhiều người Thái Lan, nhưng nhiều người bị từ chối nhập cảnh do Hàn Quốc tăng cường các biện pháp chống người lạm dụng visa du lịch.

Hệ thống K-ETA giúp xác minh du khách từ các nước được miễn visa và gồm một ứng dụng mà du khách phải dùng trước khi nhập cảnh. Hệ thống này được áp dụng từ tháng 9.2021 và du khách Thái Lan sử dụng từ tháng 4.2022.

Du khách phải khai các thông tin trong ít nhất 24 giờ trước chuyến bay và nhận được phép nhập cảnh du lịch trước khi chuyến bay cất cánh. Dù vậy, cơ quan di trú vẫn xác minh khu du khách đến Hàn Quốc.

Một nguồn tin từ cảnh sát Thái Lan cho biết 10.253 công dân Thái Lan đã bị Hàn Quốc gửi trả về nước trong năm nay. Một nửa trong số này đã lưu trú quá hạn, nửa còn lại không được nhập cảnh.

Tổng cộng 9.030 và 3.664 người Thái Lan bị trả về nước trong các năm 2020, 2021. Nhiều người bị từ chối nhập cảnh vì không thể khai báo đến thành phố nào của Hàn Quốc, hoặc họ không mang theo đủ tiền mặt theo qui định của cơ quan di trú.

Theo nguồn tin, dựa vào số chuyến bay giữa Thái Lan và Hàn Quốc, mỗi ngày có khoảng 400 công dân Thái Lan đến Hàn Quốc.

Bài liên quan
Nhật cho phép một số đối tượng lao động nước ngoài ở lại vô thời hạn
Bộ Tư pháp Nhật Bản ngày 18.11 cho biết kể từ năm tài khóa 2022, nước này sẽ cho phép lao động nước ngoài trong một số công việc nhất định ở lại vô thời hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cạm bẫy bủa vây người Thái Lan muốn đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc