Trong khi tầng lớp bình dân là những nạn nhân phổ biến của quân giặc, bị cướp giết, bị bắt làm nô lệ hoặc phải làm ngụy binh cho giặc thì trái lại giới trí thức, quan lại, đầu mục các xứ là đối tượng mà quân Minh ra sức dụ dỗ bằng chức tước, tiền bạc và những lời hứa hẹn “phù Trần diệt Hồ”.

Cái giá đắt cho những người ngây thơ tin lời dụ dỗ của nhà Minh

10/03/2017, 07:18

Trong khi tầng lớp bình dân là những nạn nhân phổ biến của quân giặc, bị cướp giết, bị bắt làm nô lệ hoặc phải làm ngụy binh cho giặc thì trái lại giới trí thức, quan lại, đầu mục các xứ là đối tượng mà quân Minh ra sức dụ dỗ bằng chức tước, tiền bạc và những lời hứa hẹn “phù Trần diệt Hồ”.

Quân nhà Minh

Kỳ 1: Nhà Trần từ 3 lần thắng Nguyên đến cuộc chiến với Chế Bồng Nga

Kỳ 2: Dẹp được Chế Bồng Nga, vua Trần lại gửi trứng cho ác​

Kỳ 3: Hồ Quý Ly và những cải cách tham vọng vượt thời đại​

Kỳ 4: Hồ Quý Ly và mục tiêu 1 triệu quân chống lại phương Bắc

Kỳ 5: Chu Nguyên Chương và dã tâm xâm lược Đại Việt

Kỳ 6: Bạo chúa nhà Minh trái lời cha, muốn xâm lăng nước Việt​

Kỳ 7: Hồ Quý Ly sai gián điệp hạ độc quan lại nhà Minh

Kỳ 8: Bị quân Hồ Quý Ly bao vây, tướng Minh viết thư xin tha mạng

Kỳ 9: Nhà Minh lộ dã tâm khi chuẩn bị 80 vạn quân xâm lược nước Việt

Kỳ 10: Hồ Nguyên Trừng và cuộc đọ súng đẫm máu với quân Minh​

Sau trận đại chiến tại thành Đa Bang, quân tướng nhà Hồ bị tổn thất nặng nề nhưng vẫn còn một lực lượng đáng kể kịp rút lui. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đem binh thuyền xuôi dòng sông Hồng về căn cứ Hoàng Giang (sông Châu thuộc Lý Nhân, Hà Nam) tập họp lại lực lượng. Quân Đại Ngu đóng dọc sông gần Bạch Hạc cũng đều rút cả. Một số đạo quân tan rã dọc đường, số khác cố gắng tìm về với chủ soái Hồ Nguyên Trừng. Thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương đã rút lui về kinh thành Tây Đô. Các tướng Hồ Đỗ, Hồ Xạ cũng từ bắc đem thủy quân về giữ bến Bình Than (Chí Linh, Hải Dương) nghe ngóng tình hình.

Quân Minh sau khi chiếm được Đa Bang thì tràn vào Đông Đô cướp phá. Dân chúng vùng trung châu (trung tâm đồng bằng sông Hồng) trước đó vì có ý bất mãn với triều đình, lại bị các luận điệu lừa dối của giặc lung lạc nên đã không sơ tán theo kế sách “vườn không nhà trống”. Quân Minh do đó mà có được cơ hội nắm được dân, cướp được nguồn lương thực tại chỗ trong dân làm quân lương. Giặc lại tính kế lâu dài, bắt đầu chính sách chiêu an. Trong khi tầng lớp bình dân là những nạn nhân phổ biến của quân giặc, bị cướp giết, bị bắt làm nô lệ hoặc phải làm ngụy binh cho giặc thì trái lại giới trí thức, quan lại, đầu mục các xứ là đối tượng mà quân Minh ra sức dụ dỗ bằng chức tước, tiền bạc và những lời hứa hẹn “phù Trần diệt Hồ”. Thái độ của các tầng lớp nhân dân vì vậy mà cũng có phần khác nhau. Một số tướng lĩnh, quan lại cao cấp nhà Hồ lũ lượt theo hàng quân Minh như trung thư lệnh Trần Sư Hiền, công chúa Thiên Gia, Thị trung Trần Nguyên Chỉ… Mặc khác, giới bình dân lại hết sức căm phẫn trước sự tàn bạo, tráo trở của quân Minh, ngày ngày chực chờ tìm minh chủ để nổi lên đánh đuổi quân xâm lược.

Đồng thời với việc cố gắng củng cố vùng chiếm đóng, giặc nhanh chóng tổ chức lực lượng truy lùng đại quân của nhà Hồ. Tháng 3.1407, Mộc Thạnh dò biết được Hồ Nguyên Trừng đóng ở sông Hoàng Giang, bèn tự mình cầm quân thủy bộ đến đánh. Đến sông Mộc Hoàn (sông Hồng chảy qua Hà Nam), quân Minh không tiến được vì trước mặt là trận địa vững chắc của quân Đại Ngu. Thạnh tự thấy chưa thể tấn công ngay được, cho đóng trại đối ngạn với quân ta. Hồ Nguyên Trừng thừa thế đem 300 chiến thuyền tiến đánh trại của quân Minh, bị trúng kế của giặc. Mộc Thạnh đã cho quân bố trí sẵn ở hai bên bờ sông. Thuyền quân Đại Ngu đến đánh, bị thuyền quân Minh chắn ngang sông, bộ binh giặc hai bên bờ đánh khép lại. Hồ Nguyên Trừng thua to, phải cho quân bỏ căn cứ Hoàng Giang, cho quân dong thuyền về giữ cửa Muội Hải (thuộc Giao Thủy, Nam Định. Cửa biển xưa, nay đã vùi lấp).Thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương sau khi quân Đại Ngu để mất căn cứ Hoàng Giang thì dẫn một bộ phận rút về kinh thành Tây Đô (Thanh Hóa) chuẩn bị các phương án phòng thủ.Các tướng Hồ Đỗ, Hồ Xạ lúc này cũng phải bỏ căn cứ Bình Than, theo dòng sông Thái Bình vượt biển vào Muội Hải hội quân.

Mộc Thạnh tuy thắng trận ở Hoàng Giang nhưng quân bộ, quân thủy không đồng nhất nên tiến quân chậm. Hồ Nguyên Trừng dùng thuyền chở quân nên đi nhanh. Khi quân Minh đuổi đến gần Muội Hải thì quân Đại Ngu đã tập họp lại ổn định rồi, mà phía Mộc Thạnh thì tổn thất trong trận trước cũng không nhỏ, lại mệt mỏi vì đoạn đường dài. Giặc buộc lòng phải tiến hành hội quân mới đủ lực lượng tiếp tục đà tấn công. Trương Phụ cùng Mộc Thạnh sau đó tiến hành tập kết lực lượng. Tranh thủ thời gian, quân Đại Ngu ở Muội Hải gấp rút đắp thêm chiến lũy, trưng tập lương thực, thuyền bè, đúc thêm súng ống. Quân đội triều đình kêu gọi nhân dân đóng góp tiền của chống giặc, ai đóng góp nhiều thì được lấy con gái tôn thất và được cấp 10 mẫu ruộng. Bằng những biện pháp chỉnh đốn lực lượng mới này, thế quân ta lại dần mạnh lên.

Khi Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân đến đánh Muội Hải thì gặp lúc nước triều lên cao. Tướng Đại Ngu là Ngô Thành Nhân nhân thế nước, thế gió mà chỉ huy quân Thần Đinh đột kích quân Minh. Ngô Thành Nhân gây cho quân giặc một số thiệt hại, đánh đuổi giặc đến Giao Thủy, vì quân ít nên bị đánh quật lại. Trương Phụ, Mộc Thạnh chia quân ra hai bên bờ sông tạo thế gọng kìm vây thuyền quân ta ở giữ sông. Ngô Thành Nhân thế cô, bị hãm trong trận mà chết, được vua Hồ Hán Thương truy phong Kiêu vệ tướng quân.

Trong lúc Trương Phụ rầm rộ tiến quân thì phía ta lại có kẻ gian hàng giặc. Người ở phủ Kiến Hưng là Trần Nhật Kiêm tụ tập bè đảng giết chết quan Trấn thủ là Phan Hòa Phủ, đem thuộc hạ đi hàng Trương Phụ. Sau Nhật Kiêm ở trong quân kiêu căng, phạm phải quân pháp, bị Trương Phụ đem giết đi.

Quân Minh tiến đánh Muội Hải ngày này qua ngày khác không hạ nổi. Hồ Nguyên Trừng đã lợi dụng địa hình vùng ven biển có nền đất bùn lầy ẩm ướt mà hạn chế sức mạnh kỵ binh, bộ binh của giặc. Thủy quân nhà Hồ có các thuyền chiến lớn, phát huy triệt để sức mạnh trên chiến trường vùng ven biển, gây cho địch nhiều thương vong. Quân Đại Ngu lại biết dựa vào chiến lũy mà chống trả rất kiên cường. Trương Phụ, Mộc Thạnh đóng quân ở Muội Hải, quần nhau với quân ta hơn nửa tháng, bị nắng mưa, dịch bệnh hoành hành, quân lính chết dần chết mòn. Chúng buộc phải rút lui về cửa Hàm Tử đóng quân. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, quân Đại Ngu đẩy lui được giặc trong một chiến dịch phòng thủ. Có thể xem đây là một thắng lợi cục bộ trong cuộc chiến, nhưng việc quân giặc tạm lùi cũng là có dụng ý. Trương Phụ biết rằng quân Minh không thể chiến thắng được ở chiến trường ven biển nên có ý dẫn dụ quân nhà Hồ vào sâu trong nội địa để giao chiến lớn.

Về phía nhà Hồ, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng cũng không phải không biết mưu kế của giặc nhưng vẫn chấp nhận mạo hiểm mà tiến lên, giành lại quyền kiểm soát vùng đồng bằng trung châu. Việc này có ý nghĩa lớn trong một cuộc chiến trường kỳ. Nếu để quân Minh kiểm soát được Đông Đô và phụ cận lâu dài, giặc có thể huy động nhân lực, vật lực ở đó mà gây áp lực lên vùng phía nam với trung tâm là kinh thành Tây Đô. Hồ Nguyên Trừng từ Muội Hải đem quân ngược sông Hồng về chiếm lại căn cứ Hoàng Giang, rước Thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương từ Thanh Hóa ra để cùng coi quân. Quân nhà Hồ tích cực chuẩn bị lực lượng để đánh một trận lớn quyết định với quân Minh. Các tướng lĩnh chủ chốt của quân Đại Ngu đem quân đến hội, tổng cộng được 7 vạn quân, nói phao lên là 21 vạn. Thuyền bè, khí giới của quân ta vẫn hùng mạnh, nhất là thủy quân có nhiều thuyền chiến lớn và thuyền tải lương. Bấy giờ người dân ở vùng Kinh lộ bị quân Minh bắt quân dịch, làm nô lệ, nhiều gia đình vì thế mà tan tác cả. Dân chúng đã chán ngán sự tham tàn của quân Minh, nhiều người trai tráng rủ nhau vào nam xin theo quân đánh giặc. Trong đó có cả những người đã bị quân Minh bắt làm ngụy binh cũng trốn về với quân triều đình, nguyện ra sức lập công.

(còn nữa)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba

18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt​

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái giá đắt cho những người ngây thơ tin lời dụ dỗ của nhà Minh