Chúng ta thường nghe nhiều về câu khẩu hiệu “chấn hưng giáo dục”. Rất thường thấy là khi nói về chủ đề này, người ta hay luận bàn về đủ thứ như chuyện chương trình, sách giáo khoa, nguồn nhân lực v.v… Tôi thì nghĩ, đổi mới giáo dục có khi nên bắt đầu từ những thứ rất đơn giản, ví dụ như cái bục giảng trong lớp học.

Cái bục giảng và câu chuyện đổi mới giáo dục

18/10/2015, 10:03

Chúng ta thường nghe nhiều về câu khẩu hiệu “chấn hưng giáo dục”. Rất thường thấy là khi nói về chủ đề này, người ta hay luận bàn về đủ thứ như chuyện chương trình, sách giáo khoa, nguồn nhân lực v.v… Tôi thì nghĩ, đổi mới giáo dục có khi nên bắt đầu từ những thứ rất đơn giản, ví dụ như cái bục giảng trong lớp học.

TỪ CÁI BỤC GIẢNG Ở MỘT CÔNG TRÌNH GIÁO DỤC “NGHÌN NĂM THĂNG LONG”…

Cách đây trên ba năm, nhân dịp ra Hà Nội, tôi phải nhờ vả người quen ở Sở GD-ĐT Hà Nội giúp cho bằng được một chuyến tham quan trường Amsterdam. Háo hức tới thăm không phải chỉ vì danh tiếng của trường mà còn vì nghe rằng đây là công trình “nghìn năm Thăng Long” với số vốn "khủng" từ ngân sách lên tới trên 400 tỷ đồng, chưa kể tiền đất, và đây cũng được coi là trường công lập có cơ sở hạ tầng hiện đại bậc nhất của thủ đô ngày nay. Tuy nhiên, sau vài phút đầu trầm trồ ngưỡng mộ từ ngoài cổng, khi đến tham quan các phòng học, cảm giác háo hức của tôi nhanh chóng bị tắt ngúm khi đập vào mắt là các bục giảng cao ngất ngưởng ở tất cả các lớp học.
Thật thất vọng khi thấy một ngôi trường chuyên - nơi được coi là "lò" đào tạo nhân tài cho đất nước và tự hào là một trong những ngôi trường lớn, hiện đại nhất của cả nước mà các lớp học lại được thiết kế vẫn không khác gì những lớp học của thế hệ chúng tôi từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Riêng tôi, có lẽ đã nhiều năm nay không còn nhìn thấy cái bục giảng nữa nên lại càng cảm thấy nó cao nghễu nghện một cách thật khó chịu ! Những cái bục giảng quả thật đã hiển hiện trong các lớp học ở ta từ rất lâu rồi, và hình như ít ai cảm thấy khó chịu với nó, mà cũng không có lý do gì để khó chịu vì nó đã quá quen thuộc ! Hình ảnh cái bục giảng gần như đã trở thành một biểu tượng truyền thống của trường, lớp ở xứ ta, thậm chí nó còn đi vào thơ, vào nhạc của biết bao thế hệ…

Thế nhưng, theo quan điểm của các nền giáo dục tiến bộ ngày nay, cái bục giảng ở nước ta lại là một vật khác thường và…kỳ dị !

...ĐẾN TƯ DUY VỀ MỘT NỀN GIÁO DỤC DÂN CHỦ VÀ TIẾN BỘ

Nhìn từ nền giáo dục tiến bộ của các nước phương Tây, cái bục giảng ở xứ mình hình như đã trở thành một biểu trưng cho triết lý giáo dục kiểu Việt Nam. Đó là lý do mà có ông thầy khả kính người nước ngoài tỏ ra ngạc nhiên và bất bình khi nhìn thấy cái bục giảng hiển hiện uy nghi trong một trường đại học của ta. Tôi cũng đã từng đến thăm rất nhiều trường học ở nước ngoài, nhưng cũng chưa hề thấy chỗ nào tồn tại kiểu bục giảng như ở mình.
Cái bục giảng trở thành một ranh giới ngăn cách giữa thầy cô và học trò một cách rất minh định. Nó đương nhiên cũng thể hiện quyền uy của thầy cô và là nơi học sinh không thể xâm phạm. Còn nhớ ngày xưa đi học, đứa nào đến phiên làm trực nhật mà lỡ để bục giảng chưa được quét sạch thì sẽ bị lãnh điểm hạnh kiểm yếu ngay trong tháng đó.

Vì đã trở thành một thứ ranh giới cơ học giữa thầy và trò, nên do vậy, cái bục giảng cũng có tác dụng như một công cụ ngăn trở mọi cuộc đối thoại có tính dân chủ và bình đẳng trong lớp học. Khi ông thầy đứng trên bục giảng, mặc nhiên phải hiểu rằng chỉ có thầy là trung tâm và mọi lời nói của thầy đều phải được tôn trọng tuyệt đối. Thầy có toàn quyền phát ngôn và trò chỉ được quyền lĩnh hội. Cái bục giảng, trong mối quan hệ giữa hai chủ thể, đã làm triệt tiêu mọi khả năng cân bằng và tính tương tác giữa các bên.

Do đó, có thể nói không quá rằng cái bục giảng ở xứ ta là bằng chứng hiển nhiên nhất cho thấy con đường đổi mới giáo dục của Việt Nam vẫn còn xa ngái ! Chừng nào mà người thầy còn duy trì vị trí ngồi trên bục giảng và giữ vai trò độc tôn trong phát ngôn cũng như truyền đạt thông tin ở lớp học thì chừng đó có nghĩa là khái niệm dân chủ trong nền giáo dục của chúng ta vẫn không hề tồn tại, và học sinh vẫn chỉ là đối tượng tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, và do đó kém hiệu quả.
Cách đây vài năm, tôi có nghe một số thầy cô hiệu trưởng các trường công lập ở TP.HCM khoe rằng Bộ GD-ĐT đã cho chủ trương các trường tiểu học được tự kê sắp bàn ghế học sinh trong lớp tuỳ theo ý tưởng của giáo viên chứ không bắt buộc xếp theo kiểu hướng tâm truyền thống nữa (chỉ riêng việc này cũng đã phải mất một thời gian dài để được xem xét và chấp nhận). Tuy nhiên, một khi cái bục giảng vẫn còn đó thì những thay đổi như vậy cũng chỉ mang tính hình thức và chưa thể nào phản ánh được quan điểm coi học sinh là trung tâm như trong một số khẩu hiệu của ngành giáo dục.
Trong khi đó, tôi lại có thể cảm nhận rất rõ thái độ tôn trọng học sinh và thực sự xem học sinh là trung tâm ở một lớp học của giáo viên phương Tây, ngay cả khi ông thầy bó gối ngồi vắt vẻo luôn trên bàn và nói chuyện với học sinh. Giữa thầy và trò dường như không hề có khoảng cách mà chỉ như là những người cộng sự trong lớp học. Dân chủ đơn giản có thể chỉ là vậy, không cần phải chứng minh bằng những phạm trù cao xa, khó hiểu!
Trong các lớp học theo kiểu phương Tây, không những không có bục giảng mà họ còn phân chia ra rất nhiều không gian trong phòng học để học sinh cảm nhận một không khí thân thiện, thoải mái như ở ngôi nhà riêng của thầy trò chung lớp (ví dụ : góc đọc sách có trải thảm để thầy, trò cùng ngồi đọc sách ; góc xem phim với màn hình kết nối internet hoặc bảng thông minh ; và có cả góc yên tĩnh để các học sinh bị căng thẳng hay đang stress đến ngồi đó và được mọi người trong lớp tôn trọng, không đến quấy rầy hay làm phiền...).
Tất nhiên, sẽ có ý kiến bảo rằng so sánh như vậy là khập khiễng... Với điều kiện về cơ sở vật chất và sĩ số học sinh như ở các trường phổ thông công lập của ta thì làm sao mà mơ được đến những chuyện đó ! Thực ra, có những thứ không phải là cứ có tiền mới giải quyết được. Không thể làm ở cấp lớp thì làm ở khối lớp hoặc cấp trường. Vấn đề là nếu chịu khó thay đổi tư duy, chúng ta có thể mang lại những không gian và giải pháp học tập tiến bộ, hiệu quả hơn rất nhiều cho học sinh ở trường.
Nên, xin hãy bắt đầu công cuộc cải tổ giáo dục của chúng ta bằng việc đầu tiên có thể làm là xóa bỏ những cái bục giảng ! Việc này xem chừng tưởng đơn giản, nhưng thực tế sẽ không dễ chút nào vì thay đổi một thói quen gắn liền với tư duy và quan điểm cũ bao giờ cũng là một thách thức vô cùng lớn lao trong mọi lĩnh vực, không chỉ riêng với giáo dục !
Nguyễn Thị Kiều Oanh (Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường quốc tế Canada)/ Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
2 giờ trước Sự kiện
Chiều tối 30.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18 – NQ/TW) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái bục giảng và câu chuyện đổi mới giáo dục