Hà Lan và các nước Bắc Âu chuẩn bị tiếp tục cuộc sống như trước đại dịch, bất chấp nguy cơ từ biến thể Delta. Bí quyết của họ có đem lại bài học cho Việt Nam?

Cách mở cửa sau đại dịch của Bắc Âu và bài học cho Việt Nam

Anh Tú | 25/09/2021, 16:34

Hà Lan và các nước Bắc Âu chuẩn bị tiếp tục cuộc sống như trước đại dịch, bất chấp nguy cơ từ biến thể Delta. Bí quyết của họ có đem lại bài học cho Việt Nam?

Từ ngày hôm nay 25.9, Na Uy trở lại với cuộc sống bình thường mới. Thủ tướng Erna Solberg phát biểu: “Đã 561 ngày kể từ khi chúng ta đưa ra các biện pháp cứng rắn nhất ở Na Uy trong thời bình… Giờ đã đến lúc để đưa cuộc sống hằng ngày trở lại bình thường”.

Văn phòng thủ tướng cho biết Na Uy sẽ không còn yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp tạo giãn cách xã hội nữa và cũng sẽ cho phép các địa điểm thể thao và văn hóa cũng như các nhà hàng sử dụng hết công suất. Các hộp đêm cũng có thể mở cửa trở lại theo hướng dẫn mới.

Đan Mạch cũng đã gỡ bỏ tất cả các hạn chế COVID-19 vào tuần trước, trở thành quốc gia EU đầu tiên quay trở lại hoàn toàn với cuộc sống bình thường trước đại dịch.

Vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke, cho biết chính phủ không còn coi COVID-19 là một "căn bệnh nguy hiểm cho xã hội do tỷ lệ tiêm chủng cao còn tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong thấp.

dan-mach-1.jpg
Một quán ăn ngoài trời tại Đan Mạch - Ảnh: Internet

Trong danh sách các nước sẵn sàng mở cửa còn có Thụy Điển, quốc gia nổi bật ở châu Âu về phản ứng tương đối chặt chẽ với đại dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế và Các vấn đề Xã hội Lena Hallengren ngày 7.9 cho biết, các hạn chế đối với địa điểm công cộng như nhà hàng, nhà hát và sân vận động sẽ được gỡ bỏ vào ngày 29.9.

Cũng hôm nay, những người được tiêm chủng đầy đủ ở Hà Lan có thể đi khiêu vũ trong các hộp đêm đông đúc và có thể tham dự các bữa tiệc mà không cần phải giữ giãn cách xã hội.

Dù vậy, du khách đến các quốc gia này vẫn phải được kiểm tra và kiểm dịch khi đến nơi nếu họ không được tiêm phòng đầy đủ.

Chìa khóa là tiêm vắc xin

Chấm dứt phong tỏa vì COVID của Hà Lan và các nước Bắc Âu không phải từ trên trời rơi xuống. Việc mở cửa dựa trên nguyên tắc: tỷ lệ tiêm chủng cao có nghĩa là các quốc gia có thể ngăn chặn kết quả tồi tệ nhất của COVID-19 - nhập viện và tử vong - với ít hạn chế hơn.

Các nước Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển đều có tỷ lệ tiêm chủng khá cao. Theo Viện Y tế cộng đồng Na Uy, hơn 76% dân số 5,3 triệu người của Na Uy đã tiêm một mũi vắc xin và gần 70% đã tiêm cả hai mũi.

dan-mach-2.jpg
Đường phố Đan Mạch đã trở lại bình thường

Theo dự án Our World in Data của Đại học Oxford, ở Đan Mạch, hơn 80% người lớn đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ và ở Thụy Điển, con số này là hơn 70%. Allan Randrup Thomsen, nhà vi rút học tại Đại học Copenhagen, cho biết: “Trong số những bệnh nhân và người dân dễ bị tổn thương nhất, tỷ lệ tiêm chủng đã đạt hơn 90%.

Ở Hà Lan, tỷ lệ tiêm chủng là khoảng 60%, nhưng Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge hy vọng rằng việc trao nhiều quyền tự do hơn cho người dân, song song với nhiệm vụ tiêm chủng, sẽ thúc đẩy việc triển khai tiêm vắc xin trên khắp đất nước.

Việc nới lỏng các hạn chế được đưa ra vào thời điểm tỷ lệ lây nhiễm đang tăng lên ở một số quốc gia EU và phần còn lại của thế giới, chủ yếu là do biến thể Delta rất dễ lây lan. Bản đồ mới nhất của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) hiển thị ít vùng màu đỏ hơn nhiều so với các tuần trước, nhưng nó cũng làm nổi bật tình trạng rất khác nhau của đại dịch trên toàn châu Âu.

Ở các quốc gia triển khai vắc xin chậm hơn, vi rút vẫn đang hoành hành. Với chỉ hơn 20% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Bulgaria đã phải sử dụng đến việc hạn chế trong đời sống xã hội và áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với cộng đồng và doanh nghiệp.

Giãn cách xã hội không còn là bắt buộc ở Hà Lan kể từ tuần tới. Tuy nhiên, chính phủ sẽ bắt đầu bắt đầu cấp thẻ y tế COVID-19 để vào các địa điểm như quán bar, nhà hàng và nhà hát. Đối với những người không được tiêm chủng, cần phải có chứng nhận về việc đã khỏi bệnh COVID hoặc xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ. Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge trong một bức thư gửi quốc hội cho biết, chính phủ Hà Lan sẽ theo dõi số ca nhập viện liên quan đến COVID-19 và ICU, thay vì xem xét số ca nhiễm.

Đan Mạch vẫn ổn sau gần 1 tháng giãn cách

Ngay cuối tháng 5, chính phủ Đan Mạch đã giới thiệu thẻ tiêm chủng của họ, dưới dạng một ứng dụng, mã QR hoặc một thẻ màu xanh lá cây cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính.

Khi các biện pháp như vậy được áp dụng ở một số nước châu Âu, như Pháp, Ý và Hy Lạp, thường vấp phải sự phản đối. Tuy nhiên, ở Đan Mạch cũng như các nước Bắc Âu, có sự tin tưởng cao của người dân vào chính quyền, điều mà các chuyên gia cho rằng đã giúp các nước này vững tâm hơn trong việc chống lại đại dịch. Các biện pháp như vậy giúp chính phủ thực hiện các chương trình theo dõi dễ dàng hơn nhiều.

dan-mach-3.jpg
Đan Mạch tập thể dục ngoài trời

Các nhà chức trách ở Bắc Âu đều dè chừng về khả năng bùng phát các đợt bùng phát mới vào mùa thu nhưng họ vẫn đề cao các chính sách mục tiêu của mình trong việc kiểm soát vi rút và giảm dòng bệnh nhân nhập viện do coronavirus.

Camilla Holten Moller, một nhà dịch tễ học thuộc Viện Statens Serum, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng Đan Mạch sẽ lại phải tiến hành đóng cửa quốc gia. Chúng tôi đã chứng minh rằng hệ thống xét nghiệm quy mô cho phép kiểm soát dịch bệnh bằng cách phong tỏa ở cấp địa phương".

"Chúng tôi đã có chương trình xét nghiệm lớn, cho phép chúng tôi theo dõi những người bị nhiễm bệnh tại chỗ và chúng tôi có các lần phong tỏa địa phương hoạt động rất hiệu quả", Camilla Holten Moller nhận xét thêm: "Chúng tôi có thể làm như vậy đơn giản bởi vì người Đan Mạch luôn tin tưởng cao vào các cơ quan y tế và các chương trình vắc xin quốc gia".

Là nước châu Âu đầu tiên mở cửa trở lại cuộc sống bình thường, nhờ tiêm phủ vắc xin hiệu quả nên số ca nhiễm của Đan Mạch liên tục giảm. Nếu số ca mắc trung bình mỗi ngày trong tuần đầu tháng 9 của Đan Mạch ở mức 800 ca mỗi ngày thì số ca trung bình tuần gần nhất chỉ còn chưa tới 400 và số ca tử vong mỗi ngày vẫn đếm trên đầu ngón tay. Thành công tại Đan Mạch đã tạo cảm hứng cho các nước láng giềng và cho nhiều nước khác mở cửa xã hội khi tiêm phủ vắc xin.

Sáng 25.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; khoảng ngày 30.9.2021 trở lại trạng thái bình thường mới, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát, nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.

Hiện nay, Hà Nội và TP.HCM hai đầu tàu kinh tế của cả nước đã thực hiện chiến lược tiêm vắc xin cho hầu hết người dân đủ điều kiện tiêm chủng. Đây chính là cơ sở khoa học để hai thành phố từng bước mở cửa trở lại cuộc sống bình thường và khôi phục kinh tế theo tinh thần “thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách mở cửa sau đại dịch của Bắc Âu và bài học cho Việt Nam