Trang The Financial Times chỉ ra các “ông lớn” công nghệ đang không tiếc dùng mọi cách để đoạt nhân tài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) về tay mình.
Khoa học - công nghệ

Cách các ‘ông lớn’ thắng cuộc chiến tranh giành nhân tài AI

Cẩm Bình 25/03/2024 20:52

Trang The Financial Times chỉ ra các “ông lớn” công nghệ đang không tiếc dùng mọi cách để đoạt nhân tài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) về tay mình.

how.jpg

Tuần trước, Microsoft thông báo tuyển dụng thành công 2 trong số 3 nhà sáng lập cùng 70 nhân viên của Inflection - từng là một trong những công ty khởi nghiệp AI nổi tiếng nhất ở Mỹ. Giờ đây hai ông Mustafa Suleyman và Karén Simonyan sẽ chịu trách nghiệm quản lý Microsoft AI (đơn vị phụ trách loạt dịch vụ chatbot Copilot, công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge).

Động thái nêu trên diễn ra sau khoản đầu tư 13 tỉ USD vào OpenAI cùng quyết định hợp tác với Mistral (Pháp). Tất cả minh họa cho cuộc chiến tranh giành nhân tài trí tuệ nhân tạo phục vụ mục đích nắm thế thống lĩnh thị trường tương lai.

Hiện tại ngay cả kỹ sư công nghệ trẻ ở công ty phát triển mô hình nền tảng AI như OpenAI, DeepMind, Anthropic cũng có thể yêu cầu mức lương 7 con số và nhận được rất nhiều lời mời làm việc bất cứ khi nào họ đăng nhập vào LinkedIn. Kỹ sư cấp cao hơn có thể kiếm đến 10 triệu USD.

Theo chuyên gia Jordan Jacobs (quỹ đầu tư Radical Ventures): “Chắc chắn đang có cuộc chiến giành nhân tài. Có rất ít người đủ khả năng phát triển mô hình nền tảng hiệu quả. Nhiều đơn vị sẽ trả họ rất nhiều tiền để làm việc”.

Không ít dấu hiệu chỉ ra nền kinh tế AI mới nổi có thể bị thống trị bởi các “ông lớn” công nghệ Mỹ. Họ sở hữu nguồn tài chính, nhân lực lẫn hạ tầng cần thiết cho hoạt động đào tạo mô hình AI.

Suleyman là nhân tài vô cùng giá trị nhưng cũng gây tranh cãi. Ông có tiếng nói nổi bật trong ngành, đồng sáng lập công ty nghiên cứu AI DeepMind được Google mua lại năm 2014. Đến năm 2019, nhân vật này rời DeepMind sau khi hứng chịu cáo buộc bắt nạt và quấy rối.

Đầu quân cho Microsoft tuần rồi, Suleyman bày tỏ vui mừng khi được gia nhập đồng thời khẳng định tầm nhìn đem đến một mô hình AI cá nhân đáng tin cậy, giúp người dùng làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên ông chuyên về phát triển sản phẩm và chính sách hơn là nghiên cứu.

Với Simonyan, Microsoft đã có được một trong số nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới. Từng giữ vị trí trưởng nhóm khoa học tại DeepMind, ông đi tiên phong bằng mô hình AlphaZero. Sau này tại Inflection, ông cũng xây dựng nên đội ngũ nghiên cứu ấn tượng.

Giám đốc Microsoft Kevin Scott cho biết số nhân sự Inflection vừa gia nhập rất nhạy cảm trong việc tạo ra sản phẩm ưu tiên AI, khiến chúng trở nên thú vị và hữu ích cho hàng loạt ứng dụng khác nhau. Không rõ Inflection sau khi “chảy máu chất xám” sẽ ra sao.

Giờ đây các “ông lớn” hạn chế tiến hành mua lại công ty khởi nghiệp vì lo ngại chính quyền Tổng thống Joe Biden điều tra chống độc quyền. Thay vào đó họ đổ tiền đầu tư, đổi quyền truy cập sức mạnh tính toán cùng vi mạch phức tạp lấy cổ phần tại công ty khởi nghiệp.

Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu AI Now Amba Kak nhận định: “Vấn đề không phải là ai có mô hình tốt nhất mà là ai có cơ sở hạ tầng và nền tảng tiếp cận người tiêu dùng tốt nhất. Inflection, Mistral giống như “con hà bám trên thân tàu” các tập đoàn lớn vậy”.

Không phải ai cũng muốn đầu quân cho tập đoàn Mỹ giàu có như Amazon, Apple, Google, Meta, Microsoft. Đơn vị nghiên cứu Zeki (chuyên theo dõi 140.000 nhà khoa học và kỹ sư AI hàng đầu tại 20.000 doanh nghiệp thuộc hơn 90 quốc gia) nhận thấy mong muốn làm việc bên ngoài nước Mỹ ngày càng tăng. Không ít nước như Canada, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang nhắm đến hàng loạt công ty khởi nghiệp đầy triển vọng tại châu Âu. UAE, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc cũng như vài nước Bắc Âu đẩy mạnh “nhập khẩu” nhà khoa học AI. Siemens của Đức, Samsung của Hàn Quốc, ASML của Hà Lan thành công chiêu mộ lượng lớn kỹ sư AI nổi tiếng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách các ‘ông lớn’ thắng cuộc chiến tranh giành nhân tài AI