Thế giới hơn 7 tỷ người, nhưng có đến 1,2 tỷ người đi du lịch quốc tế trong năm 2016, tạo ra một nền kinh tế to lớn, trong đó du khách Trung Quốc chi ra số tiền khổng lồ: 261 tỷ USD, lớn hơn GDP của Việt Nam.

Các quốc gia đau đầu với cơn bão khách Trung Quốc

trithuctre | 26/04/2017, 09:58

Thế giới hơn 7 tỷ người, nhưng có đến 1,2 tỷ người đi du lịch quốc tế trong năm 2016, tạo ra một nền kinh tế to lớn, trong đó du khách Trung Quốc chi ra số tiền khổng lồ: 261 tỷ USD, lớn hơn GDP của Việt Nam.

Cơn bão du khách Trung Quốc

135 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài năm 2016, tăng đến 6% so với năm 2015 là một con số đang kể đối với ngành du lịch thế giới. Kinh tế khá giả, thu nhập cao, dân Trung Quốc đang đổ xô đi du lịch nước ngoài. Từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng đến 2 con số. Năm 2015 có đến 120 triệu người Trung Quốc đi du lịch, và năm trước đó là 100 triệu.

Du khách Trung Quốc ở Nha Trang, có lúc thay cho du khách Nga đang bị giảm. Ảnh: TL

Theo tổ chức Du lịch thế giới (World Tourism Organization), 135 triệu lượt khách đó đã chi ra số tiền lên đến 261 tỷ USD, đưa Trung Quốc tiếp tục là quốc gia chi bạo nhất cho du lịch. So với năm 2015, khách Trung Quốc chi thêm 9 tỷ USD để du lịch năm 2016.

Nhưng hình ảnh người Trung Quốc xấu xí được nói đến khắp nơi, từ chuyện gây rối, ăn uống đến đánh nhau trên đường phố Paris... Và ở Việt Nam, nhiều người dùng đến cụm từ “thất thủ” khi du khách xứ này tràn tới.

Bất chấp những hình ảnh không đẹp, du khách Trung Quốc được coi là một nguồn thu lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, và vẫn được săn đón.

Điểm đến ưa thích của du khách nước này vẫn là các quốc gia lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Thái Lan đón 8,87 triệu lượt khách Trung Quốc năm ngoái, còn Nhật Bản cũng tiếp đến 6,4 triệu lượt. Năm 2016 có hơn 8 triệu lượt người Trung Quốc đến xứ Kimchi. Nay, khi căng thẳng gia tăng, Trung Quốc cấm dân mình đi du lịch Hàn Quốc thì xứ Kimchi cũng dở khóc dở cười vì thất thu lớn.

Khách nước nào chi bạo?

Năm 2016, theo tổ chức Du lịch thế giới, có đến 1,2 tỷ người đi du lịch outbound, tức là ra nước ngoài, tăng 4% so với năm trước.

Một du khách bị bắt vì trộm hơn 400 triệu đồng trên máy bay. Ảnh: TL

Du khách Trung Quốc dẫn đầu mấy năm nay, tuyệt đối cả về số lượt người lẫn số tiền chi tiêu. Tuy nhiên, với 135 triệu lượt khách và chi tiêu 261 tỷ USD, tính bình quân mỗi lượt là 1.933 USD. Theo tổ chức Du lịch thế giới, người Mỹ vẫn là thị trường cung cấp du khách rất lớn trên thế giới khi có đến khoảng 75 triệu lượt người xứ Cờ Hoa đi du lịch nước ngoài, chi ra số tiền lên tới 122 tỷ đôla Mỹ.

Người Đức đứng thứ 3 khi dân nước này chi đến 81 tỷ đô đi du lịch năm 2016. Tiếp theo đó là người Anh và Pháp, lần lượt chi 63,6 tỷ USD và 40,9 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Trong top 10 còn có Canada (29,1 tỷ USD), Hàn Quốc (26,6 tỷ USD), Úc (25,3 tỷ USD), Ý (24,7 tỷ USD).

Chi bạo và chi đẹp phải nói là người dân xứ Hong Kong. Với 7 triệu dân, nhưng các công dân xứ này có đến 91,8 triệu lượt đi du lịch nước ngoài, chi ra số tiền lên đến 24,1 tỷ USD. Riêng Nga thì giảm. Năm 2016, người Nga giảm chi khi đi du lịch nước ngoài với con số là 24 tỷ USD, vì kinh tế nước này khó khăn.

Nhìn vào các con số trên để thấy rằng mỗi một quốc gia có các chiến lược ứng phó riêng với các loại du khách khách nhau. Với người Trung Quốc thì đó là số đông, đông khủng khiếp, nhưng chi bạo và chịu chi thì các du khách từ Mỹ và châu Âu, là các quốc gia phát triển.

Theo tổ chức Du lịch thế giới năm 2016 người Việt đi nước ngoài chi tiêu tăng đến 28%, mức tăng cao nhất thế giới. Con số này, theo hiệp hội Du lịch Việt Nam là 7 – 8 tỷ USD.Năm 2016, có 6,5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Năm nay dự kiến khoảng 7,5 triệu người.

Chống tour 0 đồng từ Trung Quốc?

Ở Việt Nam ta cứ loay hoay với du khách Trung Quốc và đang lên phương án để chống các tour du lịch 0 đồng.

Yếu lĩnh của các tour 0 đồng là các công ty du lịch Trung Quốc mời chào khách chỉ cần trả tiền máy bay, còn ăn ở, tham quan miễn phí. Cách thức để các công ty du lịch Trung Quốc thu lợi là bắt khách mua các sản phẩm lưu niệm trong hệ thống của mình với giá chặt chém, chất lượng thấp, để bù vào.

Ngành du lịch Thái Lan cũng hết sức cay đắng với tour 0 đồng này khi thiệt hại lên đến 9 tỷ USD mỗi năm.

Thái Lan, năm 2016, đón hơn 32,5 triệu lượt khách quốc tế, thu về hơn 71 tỷ USD. Trong số đó, nguồn khách từ Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ, với 8,87 triệu lượt khách, mang về số tiền 12,4 tỷ USD.

Thái Lan ra tay dẹp tour du lịch 0 đồng với kỳ vọng sẽ tăng doanh thu lên khoảng 10%, tức hơn 7 tỷ USD.

Thử nhìn vào các con số của du lịch Việt Nam, cũng sẽ thấy một bức tranh đậm dấu ấn của người Trung Quốc.

Với 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 thì có đến 2,7 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc.

Ba tháng đầu năm nay Việt Nam đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc gần 1 triệu lượt (949.199 lượt), tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.

Câu hỏi đặt ra là mỗi du khách Trung Quốc chi bao nhiêu cho du lịch Việt Nam.

Các con số vẫn chỉ dừng lại ở cuộc điều tra năm 2014, khi tổng cục Du lịch công bố mỗi du khách nước này chi 790 USD/lượt khi đến Việt Nam. Cơ quan phụ trách du lịch chỉ cho biết “xu hướng chi tiêu của khách Trung Quốc ngày càng tăng”, nhưng không nói rõ bao nhiêu.

Với các du khách, phần lớn tiền để chi cho du lịch vẫn là nơi ở khách sạn, sau đó là ăn uống và các dịch vụ khác. Với tour 0 đồng thì thất thu thấy rất rõ, chưa nói đến các tổn thất về uy tín.

Một trong những dịch vụ mà du khách Trung Quốc luôn được chào đón đó chính là các casino – sòng bài.

Ở Việt Nam, hiện có sáu sòng bài được xây lên và đã hoạt động nhưng vẫn chưa cho phép người Việt vào chơi, vì thế phụ thuộc hoàn toàn vào khách nước ngoài.

Vậy nhưng, Chính phủ Trung Quốc ra chính sách hạn chế mang tiền ra ngoài. Khách Trung Quốc luôn là VIP của các sòng bài, nay bị hạn chế, các casino thất thu thấy rõ.

Ngay cả Macau, thủ phủ casino châu Á, doanh thu các sòng bài cũng giảm đến phân nửa.

Dĩ nhiên, để các vị khách Trung Quốc chịu móc hầu bao, nhiều quốc gia đã phải la lên: Chúng tôi cần khách giàu... Nhưng rồi, khách nghèo từ đại lục vẫn cứ đi du lịch đông đảo.

Việt Nam là điểm đến của khá nhiều khách balô, là các du khách nghèo. Không ít trong số họ đến Việt Nam, tìm chỗ dạy tiếng Anh hay đi hát dạo ở các quán nhậu bờ kè, kiếm tiền và trải nghiệm, để có tiền du lịch...

Năm 2016, có đến hơn 22 triệu lượt người Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài, chi số tiền 26.6 tỷ USD, cũng được coi là một nguồn khách du lịch lớn. Hàn Quốc có đến 130.000 công dân sống ở Việt Nam.

Mục tiêu 11,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2017 của ngành du lịch có thể đạt được khi số lượng khách từ Trung Quốc đến ngày càng nhiều. Các tuyến bay thẳng liên tiếp được mở ra để kết nối Trung Quốc và các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, từ Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang... đến Phú Quốc.

Làn sóng du khách từ Trung Quốc tiếp tục đổ tới Việt Nam và các quốc gia khác là không thể cản. Dự báo năm 2020 sẽ có đến 220 triệu người dân nước này đi du lịch quốc tế, và khi đó số tiền họ chi ra sẽ còn rất lớn.

Vậy một khi đã dự báo trước, và nhìn từ kinh nghiệm các quốc gia khác, vấn đề còn lại là ứng xử với làn sóng du khách từ phương Bắc này để có thể vừa bảo đảm được an ninh trật tự, hình ảnh của Việt Nam, vừa bắt họ móc hầu bao chi nhiều tiền cho các dịch vụ, sản phẩm...

Khi đó ngành du lịch mới có thể phát triển được bền vững như mục tiêu đặt ra cho những năm trước mắt, và trở thành một nền kinh tế mũi nhọn được.

Theo Phi Trần/ Thế Giới Tiếp Thị
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các quốc gia đau đầu với cơn bão khách Trung Quốc