Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng thái độ, hành vi ứng xử với học sinh của cô Lê Na cho thấỵ cô này không xứng đáng là giáo viên dạy cho người khác.

Các nhà quản lý giáo dục nói về cô giáo “cung bọ cạp“

Một Thế Giới | 05/08/2015, 11:30

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng thái độ, hành vi ứng xử với học sinh của cô Lê Na cho thấỵ cô này không xứng đáng là giáo viên dạy cho người khác.

Không đủ tư cách là giáo viên

Sáng 1.8, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện một clip dài gần 8 phút ghi lại cảnh trao đổi giữa giáo viên và học viên tại một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội. Qua thông tin trong clip, ban đầu, một số học viên chia sẻ với cô giáo này về những khó khăn, vất vả khi tham dự lớp học tiếng Anh tại trung tâm Anh ngữ. “Cô bắt bọn em lên đây học, nhà bọn em ở Hà Đông lên đây gần 10km bọn em vẫn đi học. Cô bắt bọn em đợi xong lớp học trùng buổi, bọn em vẫn chấp nhận, nhưng giờ bắt bọn em đóng tiền oan uổng như thế, rồi lại bảo bọn em vô học” - một học viên nữ bức xúc với cô giáo.

Đáp lại, cô giáo trong clip không trả lời hay phản hồi gì với các học viên mà vẫn chú tâm vào giấy tờ trên bàn. Một học viên nam khác đứng gần đã giằng lấy tờ giấy trên bàn từ tay người giáo viên này. Ngay lập tức, cô giáo đáp trả bằng những lời lẽ rất thiếu chuẩn mực với học viên nam: “Mày có những hành động rất vô học. Tao nói cho mày biết, rất vô học”. Dường như chưa đủ, nữ giáo viên Anh ngữ này còn có những lời nói thách thức và dọa sẽ lên tận trường của học viên nam để “xử lý” và nói chuyện với cả... hiệu trưởng của trường: “Tao nói cho mày biết, tao sẽ đến trường bên Bưu chính viễn thông và tao sẽ xử lý với hiệu trưởng và người giáo viên dạy mày”, “Tao xin lỗi mày, tao biết mày học trường Bưu chính rồi và tao sẽ đến gặp hiệu trưởng. Tao không sợ gì đâu. Tao nói cho mày biết, tao sẽ xử lý”. Đỉnh điểm của cuộc tranh cãi, cô giáo này lôi cả cung mệnh ra để đe học viên trong trung tâm của mình: “Mày biết tao bọ cạp nhé, tao là cung Bọ cạp, một khi mày đã động đến lòng tự ái và sự tôn trọng của tao thì tao sẽ làm đúng những gì mà mày đang làm với tao”.

co giao cung bo cap, xu ly co giao cung bo cap, co Le Na
 
 Xác nhận vụ việc, danh tính “cô giáo cung Bọ cạp” chính là Phạm Nguyễn Lê Na (SN 1984), giáo viên của Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Lê Na, Trao đổi về vụ việc này, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay những lời lẽ, thái độ, hành vi ứng xử với học sinh của cô Lê Na cho thấy cô này không xứng đáng là một giáo viên dạy học cho người khác. “Nếu tôi có nhân viên như cô Lê Na, tôi sẽ cho nghỉ việc, không để giáo viên đó giảng dạy một giờ, một phút nào”, ông Nhĩ nói.

“Cô Lê Na này hoàn toàn không đủ tư cách là một người giáo viên. Bởi một giáo viên không bao giờ có thể dùng những lời lẽ nặng nề, thô bạo đối với học sinh của mình. Nếu dùng những lời lẽ, hành vi ứng xử như vậy thì làm sao có thể giáo dục học sinh của mình được. Dù học sinh có gì sai trái thì mình cũng phải có biện pháp, đem hết lòng thương, sự nhã nhặn của mình để khuyên nhủ họ, chứ không thể dùng ngôn ngữ của những người không được giáo dục như thế, Tôi tin chắc rằng, qua sự việc, những người đứng đắn trong xã hội sau khi theo dõi hành vi ứng xử của cô này đều sẽ phẫn nộ và không đồng tình”, PGS-TS Nhĩ nhấn mạnh.

Theo báo Chuyện Đời, au khi clip mắng chửi học sinh được đưa lên, cô giáo Lê Na đã thừa nhận về những hành động trong clip là chưa đúng chuẩn mực của một người giáo viên. Tuy nhiên, theo giải thích của cô, do học viên nam đã chửi tục trước và có những lời lẽ, hành động giật giấy không phải phép, nên dẫn đến việc cô nổi nóng, không kiềm chế được bản thân. Đồng thời, học viên cũng đã gửi email đe dọa tới cô và gia đình.

Trước giải thích của cô Lê Na, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ sự không đồng tình và nhấn mạnh, cho dù thế nào thì hành vi ứng xử của cô này là không được. “Theo tôi, nếu học sinh có những hành động đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng của cô thì đã có các cơ quan chức năng. Cô báo cho người ta để xử lý hoặc báo cho cha mẹ, người thân của học sinh để xử lý. Còn ở đây, học sinh làm như vậy là đã sai, nhưng cách hành xử của cô này lại càng sai hơn nữa và đây là điều không nên", ông Nhĩ nói.

PGS-TS Nhĩ cũng đề nghị, dù là trung tâm ngoại ngữ tư nhân, nhưng các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc kiểm tra và có xử lý nghiêm khắc để làm gương. “Với cô giáo ở trung tâm mà có hành vi như thế này thì theo tôi, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và có chế tài xử lý. Rõ ràng, với học sinh đi học thì nên từ bỏ những trung tâm có giáo viên hành xử không xứng đáng là người dạy mình. Hãy chọn những trung tâm có uy tín, có tâm trong dạy học”, PGS-TS Nhĩ bày tỏ.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho biết ông từng nghe thông tin “cô giáo cung Bọ cạp” giỏi về chuyên môn. Tuy nhiên, người có tài mà không có đức, xã hội vẫn không thể chấp nhận. “Cô giáo đừng cậy giỏi mà có quyền lăng mạ học viên”, ông Nhĩ nói. Ông Nhĩ kể: Trong mấy chục năm làm nghề giáo, tôi cũng gặp một học sinh không chấp hành nội quy của ký túc xá (không gấp chăn màn sau khi ngủ dậy). Trường yêu cầu kỷ luật học sinh này nhưng tôi không làm. Thay vào đó, tôi tìm cách nói chuyện với em. Sau khi nói chuyện và nghe em thổ lộ: “Đây là thói quen khó sửa, ở nhà em cũng vậy”. Tôi đã khuyên nhủ và em học sinh này đã sửa được”.

Ông Nhĩ nói rằng cô giáo Lê Na xưng “mày - tao” với học sinh không phải là trường hợp đầu tiên trong ngành giáo dục. Do đó, ngành giáo dục cũng phải chấn chỉnh lại đạo đức giáo viên. Hơn nữa, để hạn chế học sinh học thêm ở trung tâm, ngành giáo dục nên bố trí chương trình, đưa học sinh làm quen với ngoại ngữ từ tuổi mầm non, tăng cường giờ dạy ngoại ngữ trong trường học.

Thiếu nghiệp vụ sư phạm

Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết ông đã theo dõi các thông tin liên quan đến sự việc, ông đánh giá, hành vi ứng xử thái độ của cô Lê Na là không thể chấp nhận được. “Tôi đã theo dõi các ý kiến đưa ra xung quanh sự việc và tôi đồng ý với ý kiến của mọi người rằng, thái độ cũng như hành vi ứng xử của cô Lê Na này là không thể nào chấp nhận được. Thái độ đó chắc chắn không phải là của người làm công tác giáo dục. Bởi nếu là người giáo viên, khi các em có thắc mắc thì phải giải thích rõ ràng, chứ không được làm như vậy. Cho nên ở đây, tôi cũng muốn đặt câu hỏi xem, người này có đúng là cô giáo hay không?”, PGS Cương bày tỏ.

PGS Cương cũng cho rằng, dù cô Lê Na đang công tác ở một cơ sở dân lập, nhưng các cơ quan chức năng cần xem xét và có biện pháp xử lý để chấn chỉnh. Đồng thời, ông khẳng định nếu cô Lê Na này là giáo viên trường ông thì chắc chắn ông sẽ đuổi việc ngay. “Trường tôi cũng là một trường dân lập nhưng nếu cô Lê Na này là giáo viên ở trường thì chắc chắn không cần phải chờ các cơ quan chức năng có ý kiến mà tôi sẽ cắt hợp đồng, đuổi ngay. Không thể làm việc với người có thái độ, hành vi ứng xử như vậy được”, PGS Cương khẳng định.

co giao cung bo cap, xu ly co giao cung bo cap, co Le Na
 Dẫu chuyên môn cao, nhưng chửi mắng học viên là biểu hiện của việc thiếu nghiệp vụ sư phạm

Trong khi đó, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng hành vi mắng chửi, đe dọa học sinh của cô giáo Lê Na là thiếu nghiệp vụ sư phạm. Theo ông Chất, đã là người thầy, không được phép bất nhã với học sinh. Trong trường hợp này, học sinh thắc mắc, cô giáo đã không nói rõ để học sinh hiểu mà còn xưng hô “mày - tao”, đe dọa học viên.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng người thầy được đào tạo, dạy những điều tốt đẹp chứ không phải lăng mạ học sinh. Nếu học sinh hỏi sai, giáo viên sẽ có cách giải thích. Hơn nữa, giáo viên chỉ có quyền truyền thụ kiến thức chứ không có quyền ngược đãi học sinh bằng giọng miệt thị, văng tục. “Rõ ràng, cô này chỉ biết tiếng Anh mà thiếu nghiệp vụ sư phạm. Những câu nói đó, không xứng đáng với người thầy. Người thầy không bao giờ dùng từ thô thiển như vậy", ông Chất nói.

Trước đó, TS Vũ Văn San, Phó giám đốc phụ trách Học viện Bưu chính viễn thông cũng cho biết, ông đã theo dõi đoạn video giữa cô Lê Na và hai học viên được cho là sinh viên của trường. Nhà trường sẵn sàng hợp tác làm việc với cô Lê Na để làm rõ ai đúng, ai sai và đưa ra hướng giải quyết. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở GD-ĐT Hà Nội, Phòng GD-ĐT quận Đống Đa và cán bộ an ninh khu vực đã có buổi làm việc với trung tâm ngoại ngữ này. Tuy nhiên, về kết quả cụ thể và xử lý như thế nào vẫn chưa được công khai.

Theo Chuyện đời

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà quản lý giáo dục nói về cô giáo “cung bọ cạp“