Ba nhà làm luật Mỹ đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn NewsBreak, ứng dụng tổng hợp tin tức phổ biến ở Mỹ sau khi Reuters đưa tin nó có nguồn gốc từ Trung Quốc và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những câu chuyện sai lệch.
Thế giới số

Các nhà làm luật Mỹ muốn giám sát chặt ứng dụng tin tức phổ biến NewsBreak vì nguồn gốc Trung Quốc

Sơn Vân 08/06/2024 10:26

Ba nhà làm luật Mỹ đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn NewsBreak, ứng dụng tổng hợp tin tức phổ biến ở Mỹ sau khi Reuters đưa tin nó có nguồn gốc từ Trung Quốc và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những câu chuyện sai lệch.

Câu chuyện của Reuters dựa trên các tài liệu tòa án chưa được báo cáo trước đây liên quan đến vi phạm bản quyền, email yêu cầu ngừng vi phạm và một bản ghi nhớ năm 2022 ghi nhận mối lo ngại về "các câu chuyện do AI tạo ra" để xác định ít nhất 40 trường hợp mà việc NewsBreak sử dụng AI ảnh hưởng đến các cộng đồng mà ứng dụng này cố gắng phục vụ.

Công ty NewsBreak có trụ sở chính tại thành phố Mountain View (bang California, Mỹ) và văn phòng tại Bắc Kinh lẫn Thượng Hải (Trung Quốc).

Thượng nghị sĩ Mark Warner (đảng viên đảng Dân chủ), Chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng viện Mỹ, bình luận: “Điều duy nhất đáng sợ hơn một công ty cung cấp những tin tức không được kiểm soát, được tạo ra bằng AI, là công ty có mối quan hệ sâu sắc với một nước ngoài đối địch. Đây là một ví dụ khác về mối đe dọa nghiêm trọng do công nghệ từ các quốc gia đáng quan ngại gây ra. Đó cũng là lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết mối đe dọa này. Đơn giản là chúng ta không thể thắng trò chơi whack-a-mole với các công ty riêng lẻ".

Whac-a-mole (đập chuột chũi) là một trò chơi điện tử arcade cổ điển được tạo ra vào năm 1975 bởi nhà sản xuất đồ giải trí TOGO ở Nhật Bản. Trò chơi này bao gồm một tủ ngang thắt lưng với khu vực chơi và màn hình hiển thị, cùng một chiếc vồ lớn, mềm.

Có từ 5 đến 8 lỗ trên mặt khu vực chơi chứa những chú chuột chũi nhựa nhỏ, hoạt hình sẽ ngẫu nhiên bật lên. Mục tiêu của người chơi là sử dụng vồ để đập vào chuột chũi càng nhiều càng tốt trước khi chúng biến mất trở lại vào lỗ.

Whack-a-mole thu hút người chơi bởi sự đơn giản, dễ chơi nhưng cũng đầy thử thách và có tính gây nghiện cao. Trò chơi này phù hợp cho mọi lứa tuổi và có thể giúp cải thiện phản xạ và sự phối hợp tay mắt của người chơi.

Ngoài ra, Whack-a-mole còn có phiên bản trực tuyến và ứng dụng di động để người chơi có thể trải nghiệm mọi lúc mọi nơi.

Các nhà làm luật Mỹ bày tỏ lo ngại về mối liên hệ hiện tại và lịch sử của NewsBreak với những nhà đầu tư Trung Quốc cũng như sự hiện diện của công ty này tại Trung Quốc, nơi có nhiều kỹ sư của họ làm việc.

Đáp lại câu hỏi từ Reuters về tuyên bố của các nhà làm luật Mỹ, NewsBreak cho biết nó là một công ty Mỹ: "NewsBreak là một công ty Mỹ và luôn luôn như vậy. Bất kỳ khẳng định nào ngược lại đều không đúng sự thật".

NewsBreak ra mắt tại Mỹ vào năm 2015 với tư cách là công ty con của Yidian, ứng dụng tổng hợp tin tức của Trung Quốc, Reuters đưa tin. Cả hai công ty (NewsBreak và Yidian) đều được thành lập bởi Jeff Zheng, Giám đốc điều hành NewsBreak, và cùng chia sẻ một bằng sáng chế của Mỹ được đăng ký vào năm 2015 về thuật toán Interest Engine. Thuật toán này đề xuất nội dung tin tức dựa trên sở thích và vị trí của người dùng, theo Reuters.

NewsBreak cho hay Jeff Zheng sinh ra ở Trung Quốc, là thường trú nhân tại Mỹ và gia đình ông đã chuyển đến Mỹ vào đầu năm ngoái. Theo Reuters, 5 trong số cựu nhân viên NewsBreak cho hay NewsBreak phân chia thời gian của mình giữa Trung Quốc và Mỹ.

NewsBreak cho biết khoảng một nửa trong số 200 nhân viên của công ty làm việc tại Trung Quốc, nơi họ tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển. Danh sách do NewsBreak công bố năm 2022 cho thấy 100 trong số 137 kỹ sư công ty vào thời điểm đó làm việc tại Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Một nguồn tin từ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói với Reuters rằng việc Newsbreak sử dụng các kỹ sư ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng dữ liệu về người dùng Mỹ có thể bị truy cập ở quốc gia châu Á này.

“Báo cáo này (của Reuters) làm sáng tỏ những câu hỏi nghiêm túc về Newsbreak, mối quan hệ lịch sử của nó với một thực thể Trung Quốc và với các phương tiện truyền thông Trung Quốc”, Dân biểu Raja Krishnamoorthi, đảng viên đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ, bình luận. Ông đề cập đến Yidian và nhà đầu tư trước đây của họ là Phoenix New Media (Hãng Truyền thông Phượng Hoàng) ở Trung Quốc.

cac-nha-lam-luat-my-muon-giam-sat-chat-ung-dung-tin-tuc-newsbreak-vi-nguon-goc-trung-quoc.jpg
Tòa nhà văn phòng NewsBreak ở thành phố Mountain View, bang California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Elise Stefanik, đảng viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện, cho biết việc IDG Capital hậu thuẫn NewsBreak cho thấy ứng dụng này "xứng đáng bị tăng cường giám sát". IDG Capital là tổ chức đầu tư cổ phần tư nhân hàng đầu thế giới, tiên phong trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc từ năm 1993.

Bà Elise Stefanik nói: “Chúng ta không thể cho phép các đối thủ nước ngoài truy cập vào dữ liệu của công dân Mỹ để biến chúng thành vũ khí chống lại lợi ích của nước Mỹ”.

Theo Reuters, NewsBreak là công ty khởi nghiệp tư nhân, có nhà đầu tư chính là công ty cổ phần tư nhân Francisco Partners (có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ) và IDG Capital (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc). Vào tháng 2, IDG Capital đã bị thêm vào danh sách hàng tá công ty Trung Quốc mà Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc đang hợp tác với quân đội Trung Quốc.

IDG Capital phản hồi với hãng tin Bloomberg vào tháng 2 rằng họ không có liên kết với quân đội Trung Quốc và không thuộc danh sách đó. IDG Capital chưa trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận về phản ứng của nhà làm luật Mỹ.

Người phát ngôn Francisco Partners, trước đây từ chối trả lời các câu hỏi của Reuters về khoản đầu tư vào NewsBreak, đã mô tả câu chuyện là "sai và gây hiểu nhầm", nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết ngoài việc mô tả công ty này không phải là "nhà đầu tư chính" cho NewsBreak vì cổ phần của họ dưới 10%.

Francisco Partners không cung cấp tài liệu để chứng minh quy mô của khoản đầu tư vào NewsBreak.

NewsBreak nói với Reuters vào ngày 13.5 rằng Francisco Partners là nhà đầu tư chính của họ. NewsBreak không trả lời hai câu hỏi vào cuối ngày 7.6 về việc cung cấp tài liệu hỗ trợ cho lời khẳng định này.

Đưa nhiều thông tin sai lệch

Trong đêm Giáng sinh năm ngoái, NewsBreak, ứng dụng tin tức được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ, đã đăng một bản tin báo động về vụ xả súng ở một thị trấn nhỏ?! Thông tin đó có tiêu đề "Bi kịch ngày Giáng sinh tấn công Bridgeton, New Jersey trong bối cảnh bạo lực súng đạn gia tăng ở các thị trấn nhỏ".

Vấn đề là không có vụ nổ súng nào như trên xảy ra. Cảnh sát thành phố Bridgeton (bang New Jersey, Mỹ) đăng thông báo trên Facebook ngày 27.12.2023 khẳng định bản tin đó, vốn được sản xuất bằng AI, là "hoàn toàn sai sự thật".

"Thậm chí không có điều gì tương tự như câu chuyện này xảy ra vào hoặc xung quanh Giáng sinh, hoặc kể cả trong ký ức gần đây với khu vực mà họ mô tả. Có vẻ như AI của ‘hãng tin’ này viết tiểu thuyết mà họ không gặp vấn đề gì khi xuất bản", cảnh sát Bridgeton viết trong thông báo.

NewsBreak nói với Reuters rằng đã xóa bản tin trên hôm 28.12.2023, 4 ngày sau khi xuất bản. NewsBreak giải thích rằng "thông tin không chính xác bắt nguồn từ nguồn nội dung".

Khi nhiều hãng tin và tờ báo địa phương trên khắp nước Mỹ đóng cửa những năm gần đây, NewsBreak đã lấp đầy khoảng trống, theo Reuters. Tự nhận mình là "nguồn cung cấp mọi thứ ở địa phương", Newsbreak tuyên bố họ có hơn 50 triệu người dùng mỗi tháng.

Newsbreak xuất bản nội dung được cấp phép từ các phương tiện truyền thông lớn, trong đó có Reuters, Fox, và CNN cũng như một số thông tin thu được bằng cách tìm kiếm tin tức địa phương hoặc thông cáo báo chí trên internet do công ty viết lại với hỗ trợ của AI. Ứng dụng NewsBreak hiện chỉ có thể được sử dụng ở Mỹ.

Song trong ít nhất 40 trường hợp kể từ năm 2021, việc sử dụng các công cụ AI của NewsBreak đã ảnh hưởng đến cộng đồng mà ứng dụng này cố gắng phục vụ. Reuters chỉ ra Newsbreak xuất bản những câu chuyện không chính xác, tạo ra 10 câu chuyện từ các trang tin địa phương rồi để tên tác giả không có thật.

Reuters nói chuyện với 7 cựu nhân viên của NewsBreak, trong đó có 5 người khẳng định hầu hết công việc kỹ thuật đằng sau thuật toán của ứng dụng này được thực hiện tại các văn phòng ở Trung Quốc.

Bài liên quan
Các nhà làm luật muốn Mỹ cấm sử dụng mạng blockchain do Trung Quốc phát triển
Các nhà làm luật Mỹ vừa giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm cấm cơ quan liên bang sử dụng mạng blockchain do Trung Quốc phát triển hoặc kinh doanh với các công ty liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà làm luật Mỹ muốn giám sát chặt ứng dụng tin tức phổ biến NewsBreak vì nguồn gốc Trung Quốc