Nguyên nhân các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) “sa lầy” là do tâm lý ỷ lại, chờ đợi vào người dân, vào sự giải cứu của nhà nước. Phải thay đổi tư duy, cả tư duy lợi ích nhóm và tư duy trách nhiệm xã hội thì DN BĐS mới có thể tự cứu mình.

“Các doanh nghiệp BĐS đã đánh mất niềm tin của xã hội”

Một Thế Giới | 07/10/2013, 11:25

Nguyên nhân các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) “sa lầy” là do tâm lý ỷ lại, chờ đợi vào người dân, vào sự giải cứu của nhà nước. Phải thay đổi tư duy, cả tư duy lợi ích nhóm và tư duy trách nhiệm xã hội thì DN BĐS mới có thể tự cứu mình.

           

Trao đổi với Một Thế Giới, bà Phạm Quỳnh Hương, Viện xã hội học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, điều cần thiết để vượt qua khủng hoảng là các DN cần phải biết nhân nhượng lợi ích nhóm, chia sẻ lợi ích với người dân và với xã hội. Phải chịu lấy “đá ghè vào chân mình”, phải chịu “rơi”, phải biết gạt bỏ những “u nhọt”…

Các DN BĐS đang cố vùng vẫy để tự cứu mình, song vẫn chưa thấy những tín hiệu tích cực. Theo bà, nguyên nhân là do đâu?

Có rất nhiều người đã đề cập đến câu chuyện giải cứu BĐS. Lời ăn, lỗ chịu, nói thì dễ, nhưng khi phải chịu đựng, chấp nhận lỗ là điều thật sự khó khăn.

Tôi thấy hiện nay, nguyên nhân chính là do tư duy dám làm dám chịu vẫn chưa phổ biến trong DN. Thực tế vẫn còn tâm lý ỷ lại vào nhà nước, vào người dân.

Khi đẩy giá cao lên quá mức, DN đã làm suy giảm lòng tin người dân. Khi chạy theo lợi nhuận để quá tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp, để quên nhà ở xã hội, DN đã đánh mất niềm tin của xã hội. Khi thị trường đi xuống, gặp khó khăn, DN vẫn còn ngồi chờ đợi tâm lý người dân.

Ngoài tâm lý chờ đợi người dân, vẫn còn sự chờ đợi vào sự giải cứu của nhà nước. Bằng chứng là Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội đã từng tuyên bố: cần giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu, tái cấp vốn cho doanh nghiệp… Để làm được điều đó thì Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ, giãn thuế… cho DNcó lý lịch tốt…

Đành rằng, ai cũng hiểu là cần có sự vào cuộc của nhà nước, nhưng vấn đề là “cứu’ thế nào? Điều quan trọng là các DN BĐS cần chủ động tự cứu mình. Đồng nghĩa với việc cần phải thay đổi toàn diện. Không chỉ là tái cấu trúc trong kinh doanh, mà còn là thay đổi tư duy. Trong đó bao gồm cả tư duy lợi ích nhóm, và tư duy trách nhiệm xã hội.

Cụ thể là thay đổi tư duy lợi ích nhóm như thế nào, thưa bà?

Muốn giải tỏa nợ xấu thì ngân hàng phải vào cuộc. Nhưng lại vướng chính lợi ích của nhóm ngân hàng thương mại. Và đứng sau các ngân hàng thương mại lại chính là các đại gia BĐS, cùng nhiều ngành khác.

Ngân hàng và các DN BĐS đã hình thành mối liên kết với nhau. Nhưng trong mối liên kết này, khi cần giải cứu thì bên nào cũng giữ lợi ích nhóm của mình, mà không chịu nhân nhượng một phần để giải cứu.

Để có được những giải pháp hữu hiệu thì phải thoát ra khỏi tư duy “lợi ích nhóm”. Bởi vì lợi ích nhóm đã gây ra nhiều ảnh hưởng dẫn đến khủng hoảng. Và chính lợi ích nhóm là yếu tố cản trở những giải pháp cải thiện tình hình.

Gói kích cầu nếu có thông qua ngân hàng, đến tay người dân thì cũng là để mua nhà, như vậy cái đích cuối cùng của dòng tiền vẫn là quay về tay DN BĐS. Nhưng phải đi con đường đó thì gói kích cầu mới đi được một vòng của nó, người dân mới mua được nhà và mới cứu được DN.

Nếu đứt đi một mắt xích, người dân không có tiền mua nhà, người dân không có được nhà, thì DN cũng không giải thoát được BĐS đóng băng.

Còn thay đổi tư duy trách nhiệm xã hội?

Bên cạnh việc xử lý về các khía cạnh kinh tế và chính trị, cũng cần nói đến trách nhiệm xã hội của các DN BĐS. Khi các nhà kinh doanh quá chú trọng vào khía cạnh lợi ích kinh tế, mà thiếu quan tâm đến khía cạnh trách nhiệm xã hội thì việc xử lý sẽ gặp khó khăn, và kém hiệu quả.

Vậy trách nhiệm xã hội là gì? Nói ngắn gọn là mỗi DN dù là sản xuất hay kinh doanh, dịch vụ đều không chỉ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận cho mình mà còn chú ý đến lợi cho cộng đồng, cho xã hội nói chung. Chẳng hạn như khẩu hiệu chúng ta đang đưa ra: “kinh doanh có trách nhiệm và bền vững”.

Nhiều chuyên gia đã nêu ra những hệ quả tích cực khi bong bóng BĐS nổ. Điều này cũng có nghĩa là để có thể đạt tới được những hệ quả tích cực đó, các DN BĐS cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

BĐS vỡ sẽ đem lại cơ hội có nhà ở cho nhiều người. Khi người dân “an cư, lạc nghiệp” sẽ có niềm tin trong dân chúng. Từ đó tạo ra cú hích tiêu dùng, gây lại niềm tin cho nền kinh tế.

Nếu không thể hiện trách nhiệm xã hội, mà vẫn chạy theo lợi ích nhóm, thì khó khăn sẽ đè lên vai những thành phần khác trong xã hội, và suy thoái sẽ còn kéo dài.

Trách nhiệm xã hội mà bà đang đề cập có phải là DN nên chấp nhận để thị trường BĐS rơi tự do?

Cũng có thể hiểu là như vậy. Trong thời khủng hoảng người ta hay nói đến tác dụng tích cực của khủng hoảng. Đó là thời điểm để người kinh doanh có thể dừng lại, không chạy theo sự quay cuồng của kinh tế thị trường để bình tâm, nhìn lại những gì mà kinh tế thị trường đã tác động lên xã hội.

Là lúc mà những cái đầu nóng trong kinh doanh suy nghĩ về điều mà họ dường như đã không chú ý đến. Đó là mục đích thực sự của người kinh doanh là để phục vụ người khác, và xã hội.

Khi mục đích này không được chú ý một cách thích đáng, nó sẽ làm tổn thương người khác và xã hội. Chính trong thời khủng hoảng, nhiều nhà kinh doanh cũng đã biết dừng lại và nghĩ rằng: họ không phải quá lo lắng cho bản thân, và rằng điều đầu tiên họ nghĩ đến là lo lắng cho người khác.

Ai cũng biết rằng tư duy kinh doanh vì người khác không phải là bản chất của nhà kinh doanh. Nhưng mọi sự phát đạt trong kinh doanh đều phải dựa vào niềm tin của thị trường. Trong khủng hoảng, niềm tin đi xuống, đó là lúc nhà kinh doanh cần khôi phục lại niềm tin của thị trường.

Trách nhiệm xã hội chính là điều mang lại niềm tin thị trường. Đó là điều đơn giản cho nhà kinh doanh vào thời điểm khủng hoảng, vì anh ta hiểu rằng, sự tồn tại, và phát triển của kinh doanh là tùy thuộc vào người khác, vào xã hội.

Khái niệm kinh doanh vì người khác, vì xã hội có phải quá xa vời trong xã hội hiện không, thưa bà?

Đúng vậy, kinh doanh hoàn toàn vì lòng vị tha vẫn còn là điều xa vời lắm. Nhưng muốn vượt qua khủng hoảng thì phải thay đổi. Thay đổi thì phải chịu trả giá. Muốn cứu DN thì phải kích cầu.

Chính người dân, những người mua hàng mới là người có thể cứu DN. Suy cho cùng, để có thể phá được tảng băng BĐS, để có thể làm cho thị trường BĐS nóng lên thì phải làm sao cho người dân móc hầu bao.

Không ai khác ngoài người mua hàng, và chỉ có người mua hàng, mới là vị cứu tinh của thị trường BĐS đang mắc kẹt. Nếu các DN BĐS chưa hiểu được điều đó. Nếu các giải pháp cứu BĐS vẫn chú trọng vào DN mà không nhằm vào người dân thì căn bệnh trầm kha của BĐS vẫn chưa có cơ hội phục hồi.

Nói tóm lại, để vượt qua khủng hoảng, các DN cần phải biết nhân nhượng lợi ích nhóm, chia sẻ lợi ích với người dân và với xã hội. Hay như các nhà phân tích hay nói: phải chịu lấy “đá ghè vào chân mình”, phải chịu “rơi”, phải biết gạt bỏ những “u nhọt”.

Có lẽ khủng hoảng cũng có một tác dụng tốt để DN thể hiện sự chia sẻ với xã hội, và người dân thể hiện sự chia sẻ với khó khăn của DN.

Cảm ơn bà!

DUYÊN DUYÊN

           
Bài liên quan
Cuối năm, dòng tiền đổ về thị trường bất động sản vùng Đông Bắc Hà Nội
Sự xuất hiện của khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, hội tụ nhiều chủ đầu tư uy tín tại khu vực Đông Bắc Hà Nội nhanh chóng tạo ra hấp lực mới, xoay hướng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Các doanh nghiệp BĐS đã đánh mất niềm tin của xã hội”