Theo cáo trạng, bị can Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) bị cáo buộc đã nhận hối lộ 50.000USD. Đến nay, gia đình ông Hải đã nộp 730 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil) và 14 bị can khác.
Theo cáo trạng, nhiều bị can trong vụ án đã tác động tới gia đình để nộp tiền, khắc phục hậu quả vụ án. Cụ thể, bị can Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) và gia đình đã nộp 16,7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Bị can Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) và gia đình đã nộp toàn bộ 120.000 USD (tương đương hơn 3 tỉ đồng) để khắc phục hậu quả.
Bị can Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) và gia đình nộp 105.000 USD để khắc phục hậu quả.
Bị can Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) và gia đình nộp 730 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Bị can Nguyễn Văn Thắng (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty Xuyên Việt Oil) và gia đình đã nộp 1 tỉ đồng khắc phục hậu quả…
Các bị can khác cũng đã cùng gia đình nộp lại một khoản tiền để khắc phục hậu quả.
Trong vụ án này, VKS ghi nhận các bị can đều “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “tích cực hợp tác với CQĐT trong quá trình giải quyết vụ án”.
Tiền hối lộ bị “ăn bớt”
Liên quan đến việc bị can Nguyễn Văn Thắng giữ lại 50.000USD trong tổng số 300.000USD của bị can Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ cho Hoàng Anh Tuấn, Trần Duy Đông, quá trình điều tra, bị can Thắng khai mục đích giữ lại là để sử dụng cho chi nhánh công ty tại Hà Nội; bị can Hạnh cũng không có ý kiến gì.
Theo cơ quan công tố, Thắng đã thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp số tiền 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Bị can Thắng đã bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hối lộ” 300.000USD cho Hoàng Anh Tuấn, Trần Duy Đông, nên theo VKS, không có căn cứ tiếp tục xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi này của Thắng.
Theo cáo trạng, tháng 6.2021, giấy phép của Xuyên Việt Oil chuẩn bị hết hạn nhưng không đủ điều kiện để được cấp lại nên Mai Thị Hồng Hạnh chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty Xuyên Việt Oil) liên hệ, hối lộ cho cán bộ, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công Thương để được tạo điều kiện.
Bà Hạnh cũng nhờ ông Đỗ Thắng Hải, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương giúp đỡ. Ông Hải giới thiệu gặp Hoàng Anh Tuấn, khi đó là Vụ phó Vụ Thị trường trong nước; Tuấn báo cáo lại việc này cho Vụ trưởng Trần Duy Đông và hai người thống nhất tạo điều kiện cho Xuyên Việt Oil.
Hạnh đưa 10.000USD cho Nguyễn Văn Thắng để tặng số tiền này cho Hoàng Anh Tuấn. Tuy nhiên, Thắng chỉ đưa 5.000USD, còn lại 5.000USD được chuyển vào quỹ Xuyên Việt Oil chi nhánh Hà Nội.
Tiếp đó, Nguyễn Văn Thắng nộp hồ sơ xin cấp giấy phép nhưng sau đó, Hạnh nhận được công văn do Hoàng Anh Tuấn ký thông báo về việc chưa chấp thuận cấp lại giấy phép cho Xuyên Việt Oil vì hồ sơ chưa đáp ứng điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu và hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Do vậy, Mai Thị Hồng Hạnh tiếp tục liên lạc lại với Tuấn để nhờ giúp đỡ và được tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục. Xuyên Việt Oil sau đó mua cổ phần của doanh nghiệp khác để đủ số lượng về đại lý bán lẻ theo điều kiện cấp phép rồi nộp lại hồ sơ.
Lúc này, bị can Hạnh đi mua gom được 300.000USD, đưa cho Nguyễn Văn Thắng để đi hối lộ nhằm giúp hồ sơ được thông qua. Bị can Thắng để lại 50.000USD và mang 250.000USD còn lại tới phòng làm việc của Trần Duy Đông, nói “chị Hạnh có quà gửi cho anh”. Sau khi Thắng ra về, hai lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước là Đông và Tuấn chia nhau số tiền này.
Tháng 11.2021, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn đi kiểm tra điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh xăng dầu của Xuyên Việt Oil. Trong lần này, bị can Hạnh lại chỉ đạo hối lộ cho Tuấn 10.000USD.
Do vậy, Xuyên Việt Oil “cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện”, rồi được cấp giấy phép kinh doanh đến năm 2026. Ngay sau đó, Mai Thị Hồng Hạnh đến gặp cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và “cảm ơn” với số tiền 50.000USD.