Thời đó chúng tôi sống và hát. Bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn không hiểu sao mình sống được và hát được.

Ca sĩ Ái Vân đã từng đi hát chui như thế nào ?

Tiểu Vũ | 25/11/2016, 08:05

Thời đó chúng tôi sống và hát. Bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn không hiểu sao mình sống được và hát được.

Đi hát chui - hay còn gọi là Đi Pắc - là tiếng lóng đi hát “ngoài biên chế” của Trường nhạc và các đoàn văn công nhà nước. Đi Pắc có nhiều cách, một là đi hát các tụ điểm, hai là hợp đồng với các cơ sở rồi đem quân về đó “đánh”, ba là theo Hội nhạc sĩ về sáng tác tại chỗ, ca sĩ biểu diễn tại chỗ cho các cơ sở.

Đói thì đầu gối phải bò, từ năm 1974 trở đi, khi vào năm thứ tư thanh nhạc, chúng tôi bắt đầu đi hát. Thầy Lô Thanh rất hay dẫn học trò đi hát. Các thầy cô trường nhạc vốn rất ghét học trò đi ra ngoài hát nhạc xập xình, bảo đó là đi phá giọng. Cứ lên lớp các thầy lại quát tại sao lại đi chỗ nọ đi chỗ kia, hát thế nọ hát thế kia, cứ hát xập xình rơi rụng hết kỹ thuật còn đâu. Cấm. Tuyệt đối cấm nhá!

Chân dung ca sĩ Ái Vân

Nhưng đến chiều thứ 6 thầy Lô Thanh lại bảo “Học sinh đi biểu diễn cho nó dày dạn lên” và nháy học trò: “Học nhanh nhanh, tối nay chương trình bắt đầu sớm đấy”. Được thầy cho đi hát mừng lắm, phấp phổng chờ đến cuối tuần đi hát ở vườn hoa Chí Linh, công viên Thống Nhất, các tụ điểm công cộng. Hồi đó không có từ cát xê, mà gọi là tiền thù lao. Ít lắm, hình như chỉ vài đồng một tiết mục solo. Nhưng mà vui. Bắt đầu hình thành một vài nhóm chuyên môn Đi Pắc. Nổi nhất trong trường nhạc lúc này là các thầy Lô Thanh, Mai Khanh, T.H, Trung Kiên, Quang Phác, Kiều Hưng, các cô Mỹ Bình, Diệu Thúy... Sinh viên thì có Quang Thọ, Quang Huy, Thúy Hà, Vân Khánh, Phương Nhung, Lê Dung, Măng Thị Hội, Doãn Tần, Dương Minh Đức, Ái Vân và sau này có thêm Lệ Quyên…

Đi Pắc thường phải mang theo bài tủ của mình. Thầy Lô Thanh có Nổi lửa lên em của Huy Du; thầy Quang Phác có Hồ trên núi của Phó Đức Phương; cô Mỹ Bình nổi tiếng với bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi; Vân Khánh, Tình Bác sáng đời ta của Lưu Hữu Phước; Măng Thị Hội, Bóng cây kơ nia của Phan Huỳnh Điểu; Ái Vân, Nha Trang mùa thu lại về của Văn Ký; Quang Thọ, Lê Anh Nuôi của Đàm Thanh; Lệ Quyên, Dáng đứng Bến Tre của Nguyễn Văn Tý; Quang Huy, Hát mừng các cụ lão dân quân của Đỗ Nhuận.... Bên các đoàn ca múa có Thanh Hòa, Điệp khúc tình yêu của Trần Tiến; Mạnh Hà, Chiếc gậy Trường sơn của Phạm Tuyên; Vũ Dậu, Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu... Bên Hội nhạc sĩ có Quốc Đông với bài Thắm hoa núi rừng của Đỗ Nhuận v.v...

Từ phải qua: Như Quỳnh, Phạm Ngọc Khôi, Thúy Hà, Lệ Quyên, Ái Vân. Phía trước là anh chị Mạnh Hà - Tuệ Quân trong một cái Tết Hà Nội

Những năm bảy mươi Thúy Hà đang là ngôi sao, chị làm mưa làm gió trên tất cả sân khấu miền Bắc. Đi đâu có Thúy Hà là bán vé được ghê lắm. Hồi đó ai hát bài nào được bis thì được thêm một nửa số tiền cát xê bài đó. Ví dụ một bài 4 đồng, nếu được bis thì thêm 2 đồng, là 6 đồng. Thúy Hà hát Thắm hoa núi rừng của Đỗ Nhuận; Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh toàn được bis. Bao giờ Thúy Hà lĩnh tiền cũng lĩnh nhiều nhất. Tôi nhớ bài “Thắm hoa núi rừng” có đoạn rất vui: “Hay làm là một / Kỷ luật là hai / dẻo dai là ba / Quản ca là bốn/ Khiêm tốn là năm / Yên tâm là sáu / Gương mẫu là bảy / Thúc đẩy chị em là tám / Dũng cảm là chín / Sáng kiến là mười... Đoạn “nói lối” này giống nhạc rap bây giờ. Đôi lúc tôi tự hỏi, phải chăng rap Việt Nam đã có từ thời ấy?

Lệ Quyên lúc đầu học đàn bầu. Quyên hay Đi Pắc theo tụi tôi, đánh đàn bầu và ngâm thơ. Lệ Quyên ngâm bài Quê hương của Giang Nam rất thành công, ở đâu cũng được tán thưởng đến nỗi có biệt danh là Quyên Quê hương. Anh em trong đoàn gọi là Quyên kều còn khán giả thì gọi là Quyên Quê hương. Ngoài ngâm thơ, đàn bầu khi cần hát bè Lệ Quyên cũng tham gia hát. Dần dần mọi người thấy Lệ Quyên có năng khiếu hát mới giới thiệu sang học thanh nhạc. Từ đó Lệ Quyên trở thành ca sĩ không thể thiếu trong đội quân Đi Pắc của chúng tôi, cô thành công rực rỡ những năm tám mươi, thời nhạc nhẹ lên ngôi.

Thầy Tạ Tấn cũng tham gia Đi Pắc. Thầy là cây guitar số một của miền Bắc lúc bấy giờ. Những bản dân ca chuyển thể cho guitar của thầy như Trèo lên trên núi Thiên Thai; Yêu nhau ngả nón ra ngồi; Xe chỉ luồn kim; Lý cây đa… thật khó ai bì được. Hay những điệu chèo được thầy soạn cho guitar như Tình quê; Xẩm xoan; Cách cú; Ru con… thật sang và tinh tế biết bao. Thầy dạy đàn cho chúng tôi. Hồi đó không ý thức được tầm quan trọng của việc biết chơi đàn guitar, chỉ lo trốn học. Thầy hiền lành nhu mì cứ đến buổi học là vác đàn đi tìm học trò. Thầy gọi Vân ơi, Huy ơi, Khánh ơi… nghe thật thương.

Ca sĩ Ái Vân trong ngày ra mắt cuốn tự truyện "Để gió cuốn đi"

Giá như bây giờ với tài danh của thầy sẽ có hàng chục lớp Guitar Tạ Tấn, thừa tiền sống sung túc. Nhưng ngày xưa thầy vẫn phải theo ông Tạ Đắc, em trai và cũng là ông bầu của thầy, cùng với đám học trò Đi Pắc. Nghệ sĩ tài danh Tạ Tấn đệm nhạc xập xình cho học trò mỗi đêm kiếm vài đồng nuôi sống cả nhà.

Hôm đó diễn sân đình ở Cầu Diễn. Thầy đi xích lô ôm đàn vừa tới sân đình thì tự nhiên mất điện. May sáng trăng, mọi người đứng hát vo. Ông xích lô chở thầy mười mấy cây số, tới nơi tưởng được xem các ca sĩ nổi danh biểu diễn, được nghe tiếng đàn thần sầu của Tạ Tấn, chẳng ngờ phải đạp xích lô chở thầy trở lại nhà. Dọc đường chở thầy về, ông xích lô cằn nhằn: “Người có một mẩu, tên thì nặng chình chịch đã tạ lại còn tấn… mất điện là phải”. Thầy chỉ biết cười trừ.

Những năm bảy mươi Hội Nhạc sĩ Việt Nam hay có những đoàn đi thực tế, về nông trường này, nhà máy nọ. Các nhạc sĩ viết bài tại chỗ, sinh viên trường nhạc đi theo biểu diễn tại chỗ bài hát đó. Tiền công hầu như không có, các cơ sở thường trả thù lao bằng sản phẩm “của nhà trồng được” của họ. Về nông trường dứa thì có bao tải dứa. Về nông trường chè có vài cân chè. Về diễn cho bộ đội có một thùng lương khô, đến các xưởng quân giới có một đôi may ơ hoặc một vành xe đạp. Đủ kiểu đủ loại.

Các nhạc sĩ Đi Pắc chăm chỉ về cơ sở là Hồng Đăng (Mọi người vẫn đùa, nói lái trêu anh: đèn đỏ đeo đằng hông), Đỗ Nhuận, Văn Ký, Doãn Hợp, Thuận Yến…. Bên cạnh ca sĩ chính của Hội Nhạc sĩ lúc ấy là Quốc Đông thì các ca sĩ sinh viên hồi đó là Thúy Hà, Vân Khánh, Ái Vân, Quang Huy, Quang Thọ,… thường được giao việc thể hiện bài hát. Đi hát áo quần không có bàn ủi, cứ cuốn tròn quần áo diễn nhét túi, lên tới nơi là tõe ra, mặc vào diễn luôn. Nhạc sĩ viết ngay tại chỗ, nhiều bài thật vui. Bây giờ nhớ lại cứ cười mãi cái bài Phun thuốc trừ sâu: “Đàn gà chưa ra khỏi chuồng / Anh đi đâu mà vội thế? / Anh đi phun thuốc trừ sâu diệt loài cỏ dại/ Bảo vệ cây trồng”.

Cũng có bài sáng tác cho Đi Pắc lại nổi tiếng, được quần chúng rất hâm mộ, như bài “Em là thợ quét vôi”: “Em là thợ quét vôi / Quét nên ơ tường trắng ơ, tường xanh ơ, tường vàng / Ơ... Tường trắng ơ, tường xanh ơ, tường vàng / Xanh vàng, xanh trắng xanh ơ xanh…”. Khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận “xon phe” thì buồn cười rũ rượi nghe như bí nhạc kẹt lời, nhưng khi chị Bích Liên thể hiện rất nhí nhảnh bài này lại thấy hay quá, có lý quá.

Cái thời chưa thoát cảnh ăn no mặc ấm. Về cơ sở thế nào cũng được chiêu đãi, đôi khi chỉ có cơm canh tí thịt luộc tí cá kho vẫn sướng hơn ở nhà. Hôm nào mâm cơm có thịt gà hay giò chả là ai nấy phấn khởi lắm, có thêm mấy chai bia nữa thì quả thật như thấy “đời lên hương”. Diễn xong mấy ông ban nhạc ra “tia” trước nơi chiêu đãi rồi nhảy vào báo cho anh em. Phải nói tiếng lóng kẻo bị phát hiện. Cơm có thịt gà, nhiều chất đạm thì bảo bữa nay nhà lợp ngói, ăn sơ sài gọi là nhà lợp gianh. Nước chanh chai cổ cao gọi là Ái Vân, bia cổ rụt gọi là Vân Khánh. “Tuyệt cú mèo, hôm nay nhà lợp ngói mà lại toàn Vân Khánh thôi!”.

Đi Pắc thường mạnh ai nấy đi. Có nhiều nhóm, nhưng nhómchúng tôi có sáu anh em hay đi với nhau, vẫn nói đùa là sáu người đi khắp thế gian, đó là nhạc sĩ Mạnh Đạt, chủ công đệm Accordion, gọi là Đạt tóp, Ái Vân gọi là Vân tóp, Lệ Quyên gọi là Quyên kều, Quang Huy gọi là Huy phô (Quang Huy thỉnh thoảng hát phô), Quang Thọ gọi là Thọ rùa (Quang Thọ chậm chạp). Thanh Bình chơi Accordion gọi là Bình sốt (Thanh Bình hay kể chuyện tiếu lâm, có chuyện Cặp sốt rất vui, từ đó có biệt danh). Đạt tóp hay đặt biệt danh. Cứ ai nhập nhóm Pắc là anh cho ngay một biệt danh.

Có những chương trình gặp được nhà tổ chức rất mạnh nên bổ sung thêm lực lượng từ các nhóm Pắc khác v.v… Ca sĩ có Vân Khánh, Vũ Dậu, Mạnh Hà, Thúy Hà, T.H, Quốc Hương, Thanh Huyền, Quốc Đông, Kiều Hưng, Quang Phác… Thầy Quang Phác nổi tiếng bài Hồ trên núi của Phó Đức Phương. Từ khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài Hồ trên núi giọng hát Quang Phác vụt sáng, đi đâu thầy cũng được bà con yêu cầu hát bài này.

Thầy Quang Phác rất hiền, ra sân khấu hát chỉ đứng im một chỗ cứng đơ như cột điện. Mọi người mới góp ý thầy nên làm vài động tác khi trình diễn cho sống động hơn. Thầy Phác nghe theo, khi bắt đầu cất tiếng hát là thầy giơ hai tay lên ngang người và cứ giữ nguyên như thế cho đến hết bài và đi vào. Cười rũ. Có lần sau câu cuối: Núi ơ núi… thuyền ơ thuyền / Mây ơ mây… nước ơ nước / Hơ hớ... Anh Quốc Trường đặt ngay hộp đựng kèn lên tay thầy Quang Phác lúc ấy vẫn đang giơ lên, thầy Phác cũng để nguyên, cứ thế đi vào. Bà con sướng điên, lại đòi bis: “Chiếu lại đi!... Chiếu lại đi!”.

Anh Mạnh Hà kể cho tôi rất nhiều chuyện ca hát thời bao cấp. Nhờ anh nhắc tôi mới nhớ, không thì cũng quên hết. Anh kể chú T.H một hôm nổi hứng làm ông bầu, nói: “Phúc Yên nó mời, béo lắm. Đi đi”. T.H, Mạnh Hà, Quốc Hương, Thanh Huyền, Vân Khánh... 9 người lên cái com-măng-ca, chật cứng. Đến Phúc Yên thấy vắng hoe, hỏi: “Đây có phải nơi tổ chức biểu diễn không?”. Chẳng ai biết mô tê gì cả. Khi đó đã hơn 4 giờ chiều, chú T.H ngồi đực mặt. Anh Mạnh Hà nói: “Ông nhớ lại người hợp đồng với ông tên gì, mặt mũi thế nào?”. Chú T.H nói: “Hình như tên Thảnh, mặt hơi rỗ rỗ”. Mấy người kêu to: “Thôi chết rồi. Đấy là ông phụ trách văn nghệ ở trên Thái Nguyên!”. Quay xe lại ngay lập tức, đi nhanh may ra kịp. Hơn 7 rưỡi tối mới lên được. Thấy ông Thảnh đứng đầu đường mặt mày tái mét. Không kịp ăn uống gì, anh em cứ thế lao lên diễn. Hú vía.

Một lần khác anh Kiều Hưng cao hứng làm tổ chức biểu diễn. Chả biết anh hợp đồng với cơ sở nào ở Gia Lâm, gặp ai anh cũng rối rít dặn dò ngày mai giờ nọ giờ kia, đến chỗ nọ chỗ kia... “Đi nhé, phải đi nhé. Tôi đã hợp đồng rồi đấy, đừng làm lỡ việc tôi”. Hôm sau đúng giờ đúng ngày, mọi người lục tục lên đường thì gặp Kiều Hưng đang tung tăng ở đường Trần Hưng Đạo. Anh Mạnh Hà dừng xe hỏi: “Thế Hưng chưa đi à?”. Anh Kiều Hưng ngạc nhiên hỏi: “Đi đâu?”. Anh Mạnh Hà cáu, nói: “Ông này hay chửa! Hôm nay đi biểu diễn ở Gia Lâm, ông mời chúng tôi mà!”. Khi đó Kiều Hưng mới ngẩn ra, nói: “Thôi bỏ mẹ, quên!”.

Đoàn Pắc “đi khắp thế gian” ca hát kiếm ăn. Đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo thôi, nhưng mà vui. Đoàn về Hưng Yên diễn lấy 2 con lợn về ăn tết. Trên đường về xe ca chở diễn viên đi trước, xe tải chở nhạc cụ và hai con lợn đi sau. Đang đi bỗng xe tải phóng lên báo: “Hai con lợn nó chạy mất rồi!”. Anh Mạnh Hà ra lệnh cả đoàn quay xe lại tìm: “Vì tương lai con em chúng ta, không cho chúng nó thoát!”. Tìm suốt đêm, sáng mai mới thấy hai ông Trư Bát Giới nấp trong bụi tre.

Đi biểu diễn ở Trạm thú y ở Phùng. Năm nào Trạm thú y này cũng mời khoảng 10-12 anh chị em về Phùng diễn. Mỗi người cho 2,5 cân thịt bò. Riêng anh Mạnh Hà “Đoàn trưởng” được 2 suất 5 cân. Xe chạy về đến Nhổn bị phòng thuế chặn lại khám, họ soi đèn pin thấy toàn thịt bò. Hỏi: “Các anh đi buôn thịt bò?”. Anh Mạnh Hà nói: “Không, chúng tôi đi diễn cho Trạm thú y, họ tặng cho chúng tôi đấy”. Mấy ông thuế vụ nhìn đám trên xe nhếch nhác xanh xao, nhếch mép cười nói: “Các ông mà diễn viên à?”. Mọi người trên xe nhao nhao giới thiệu, tôi là Mạnh Hà, tôi là Thanh Huyền, tôi là Kiều Hưng, tôi là Thu Hiền… nhưng họ vẫn không tin. Hồi đó không có ti vi nên người ta không biết mặt. Ông phụ trách thuế nói: “Các ông hát thử xem có phải diễn viên không nào?”. Thế là mọi người hát mỗi người vài ba câu. Vừa mở miệng mấy ông thuế đã xin lỗi rối rít, cho đi ngay.

Đúng là cười ra nước mắt.

(Còn tiếp)

(Trích tự truyện Để gió cuốn đi, First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành)

Kỳ trước:

>> Ca sĩ Ái Vân: Nỗi đau bị mất căn nhà yêu dấu

>> Ca sĩ Ái Vân:Hớt hải chạy show để trả nợ

BTV Hữu Bằng chia sẻ Vân Anh nghỉ việc. Hữu Bằng xác nhận BTV Vân Anh chia tay VTV, BTV Vân Anh nghỉ việc ở VTV, BTV thừa nhận nghỉ việc ở VTV,
Thanh Vân Huga, Vân Huy bị đau mắt, Vân Hugo bị hư giọng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ca sĩ Ái Vân đã từng đi hát chui như thế nào ?