Chuyên gia Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTT&DL lên tiếng về tình trạng cả nước ra sức ca hát, ‘tài năng’ nhố nhăng ngập tràn trên sóng truyền hình.

Cả nước đang ra sức ca hát, đầy rẫy ‘tài năng’ nhố nhăng

Một Thế Giới | 27/03/2015, 15:03

Chuyên gia Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTT&DL lên tiếng về tình trạng cả nước ra sức ca hát, ‘tài năng’ nhố nhăng ngập tràn trên sóng truyền hình.

Trước vấn nạn tràn lan các chương trình truyền hình thực tế nhảm nhí, vô bổ trên sóng truyền hình, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu văn hóa Chu Thơm - người từng nhiều năm làm công tác quản lý tại Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTT&DL phải đau xót : 

"Lợi nhuận của truyền hình thực tế lớn lắm, lớn đến mức không tưởng tượng nổi khiến những người “quản sóng” ở khu vực giải trí bị “lửa tham bốc lên làm mù con mắt.
Tôi cứ nhớ mãi và trân trọng hình ảnh một lãnh đạo đương nhiệm VTV nhiều năm trước vượt trùng điệp vòng vây của lâm tặc, thậm chí đối mặt với chúng để thực hiện những thước phim phóng sự nóng bỏng về việc rừng Tánh Linh bị tàn phá. Đó là ấn tượng và một trong những lý do khiến tôi luôn yêu mến Đài. 

Cho đến thời điểm hiện tại tôi vẫn không ngừng khâm phục những nữ phóng viên đi vào bãi đào vàng ở vùng núi hiểm trở, hoặc những điểm nóng buôn người ở vùng biên nhiều rủi ro, có mặt kịp thời trong tâm bão, đến những điểm nóng chiến sự trên thế giới gửi về cho khán giả thước phim thời sự nhất, ý nghĩa nhất.

Nhưng tôi thực sự đau lòng khi chứng kiến cảnh đài truyền hình bán cái cho các đơn vị liên kết, tràn lan phát sóng những chương trình nhảm nhí, vô bổ.
Có những người vị trí cao trong ngành truyền hình, được đào tạo bài bản lại chẳng làm được gì đến nơi đến chốn cho nền nghệ thuật nước nhà mà toàn ‘bảo kê’ những chương trình vô bổ như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, X Factor, The Voice…. để kiếm bộn tiền.
Trớ trêu thay, rất nhiều MC truyền hình cùng vô số nghệ sỹ đã thành danh hoặc chưa thành danh coi các chương trình đó là bệ phóng có thể bắn nhanh nhất tên tuổi của mình vào khán giả nên cũng ào ào nhảy vào thi hát hò, nhảy múa để khán giả nhận ra rằng họ chẳng có chút tài nào ngoài sự nhố nhăng, phản cảm. 
Cat Tien Sa, BHD, Cap doi hoan hao, The Voice
Nhà nghiên cứu văn hoá Chu Thơm 
 Chính vì vậy, sự mạnh tay của Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi nghĩ lẽ ra nên được đưa ra sớm hơn nữa. Nhưng muộn còn hơn không, vì dù sao quyết định này đáp ứng được mong muốn của đại đa số người xem muốn làm kênh sóng giải trí của VTV được trong lành. 

Tôi ví việc dừng các chương trình nhảm nhí trên sóng truyền hình cũng nhận được sự đồng tình như khi UNBD TP Hà Nội yêu cầu dừng “chiến dịch thảm sát cây xanh” vừa qua ở Thủ đô.

Khi còn công tác ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi đã nhận được những lá đơn của người dân gửi đến, đề nghị "ngừng phát sóng các chương trình giải trí nhảm nhí trên sóng truyền hình".
- Nhiều gameshow, như ông nói là vô bổ và thậm chí phản văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng vẫn được phát sóng rầm rộ trên truyền hình. Vì sao các nhà sản xuất phần nhiều không quan tâm đến yếu tố văn hóa vậy, thưa ông?

Câu trả lời là bởi lợi nhuận của truyền hình thực tế lớn lắm, lớn đến mức không tưởng tượng nổi khiến những người “quản sóng” ở khu vực giải trí bị “lửa tham bốc lên làm mù con mắt”.

150 triệu, 200 triệu, hơn 300 triệu cho mấy chục giây quảng cáo, vậy là sau mỗi đêm phát sóng số tiền thu về lên đến hàng triệu USD.

Vậy Cát Tiên Sa, BHD hay những người phụ trách chương trình giải trí của VTV có còn quan tâm đến văn hoá và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt nữa không, hay là mượn danh văn hóa, thực chất là cuộc đổi chác mượn sóng VTV trục lợi mà đôi bên cùng được hưởng?
- Vậy tại sao các đơn vị liên kết lại được tự tung tự tác, thoải mái sản xuất chương trình, không tiếc tay tạo ra các scandal, sự cố đáng tiếc mà gần đây nhất là mượn khăn Piêu làm khố, uống nhầm axit…dẫn tới “nát sóng” truyền hình?

Rõ ràng, bộ phận  phụ trách giải trí của Đài đang cố tình làm ngơ cho các đơn vị liên kết này để thu lợi nhuận, bởi nếu có sự giám sát chặt chẽ, không bao giờ để những ồn ào như thế xảy ra trong một thời gian quá dài như vậy.

Tại sao giờ cả nước chỉ ra sức thi ca hát, mà đời sống đâu chỉ có ca hát. Rồi tài năng ở đâu ra mà lắm thế? Chỉ là các truyền hình giải trí chủ đạo của ta đang thả nổi cho những sự tràn lan vô bổ ấy mà thôi.
Tại sao lại cho những giám khảo lên dạy dỗ thí sinh, dạy dỗ thiên hạ trong khi đầu óc họ chẳng có gì? Thậm chí họ lại đang dính scandal khiến dư luận nhức nhối?  

Bản thân những người mang tiếng cầm cân nảy mực các cuộc thi còn không xứng đáng, vậy cuộc thi sinh ra để làm gì và những người được giải cao của chúng có đáng tự hào?

Một cô mặc quần áo xuyên thấu trong đêm diễn có sự tham gia của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, một cô múa cột đã từng bị Cục NTBD cấm diễn, một cô phản ứng thiếu văn hóa với người nhạc sỹ gạo cội Nguyễn Ánh 9…lại trở thành nhân vật “hot”, lên sóng liên tục các chương trình truyền hình thực tế.

MC thì cướp lời giám khảo, rồi ba hoa khoe kiến thức, thậm chí còn gợi ý cho giám khảo chấm điểm. Xem những chương trình như vậy liệu người tử tế có không  chuyển kênh ngay?

Vậy cuối cùng các chương trình này cuốn hút bằng điều gì? Hay chỉ chiêu trò, sự cố, hạ nhục nhau, hạ nhục cả cô bé mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nhân văn nằm ở đâu?
- Việc tự sản xuất những chương trình giải trí hấp dẫn người xem, có thông điệp rõ ràng không lẽ khó đến thế, mà đài truyền hình phải cho các đơn vị liên kết mua toàn bộ bản quyền của nước ngoài về "chế biến" lại?

Tôi nghĩ vấn đề chỉ nằm ở chỗ nhà đài, đặc biệt là ở lĩnh vực giải trí nên cân nhắc liệu có thể giảm bớt lợi nhuận từ những chương trình vô bổ kia, thay vào đó là những chương trình nhân văn, hấp dẫn, đổi lấy giá trị lớn vô cùng.

Tại sao không phải Sinh ra từ làng, chương trình truyền hình thực tế về những tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu, thành công từ chính làng quê của họ , hay Giai điệu tự hào, Như chia hề có cuộc chia ly…để khán giả được sống với một thời để yêu và để sống nhân văn hơn. Tôi tin rằng VTV hoàn toàn có khả năng sản xuất những chương trình như vậy.

- Theo ông, viễn cảnh về các chương trình giải trí trên truyền hình sẽ ra sao?

Tôi hy vọng hành động quản lý của cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện mạnh tay hơn nữa, để xóa sổ tận gốc những chương trình nhảm nhí, vô bổ, nhân rộng những chương trình hấp dẫn, ý nghĩa hơn của các truyền hình, đặc biệt là Truyền hình Quốc gia, địa chỉ mà bao thế hệ người Việt đã yêu thương, gắn bó và ủng hộ.

- Xin cảm ơn ông! 
Theo Thuần Vũ (VTC News).


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cả nước đang ra sức ca hát, đầy rẫy ‘tài năng’ nhố nhăng